Ra mắt CLB Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh tỉnh Long An

Chiều 3/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh trong tỉnh và ra mắt Ban chủ nhiệm lâm thời của Câu lạc bộ. Buổi lễ đồng thời vinh danh hai cố Nghệ nhân Dân gian Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng.

Chú thích ảnh
Ra mắt Ban chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh tỉnh Long An.

Đây là hoạt động nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn để nâng cao hiệu quả hoạt động trong hệ thống các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thông trong toàn tỉnh Long An, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp văn hóa trong tình hình mới, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy Di sản văn hóa dân tộc Đờn ca tài tử.

Nghệ nhân Dân gian Trần Phong Sắc - bậc kỳ tài trầm lặng của Long An, được đánh giá là “cây bút dịch thuật trứ danh Nam Kỳ”. Rất ít người được biết đến ông bởi sự khép kín và khác biệt của ông lúc sinh thời.

Chú thích ảnh
Biểu diễn tiết mục Đờn ca tài tử tại buổi lễ.

Khi nói về nghệ thuật Đờn ca tài tử, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ thường nhắc đến tập "Cầm ca tân điệu" của Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng như quyển sách “gối đầu giường” của giới Đờn ca tài tử Nam bộ thời kỳ đó. Trong quyển "Đờn ca tài tử Nam bộ", nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ có viết: “Sách do hai tác giả hợp soạn là Lê Văn Tiếng, nghệ nhân đờn ca tài tử huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, sưu tầm bản đờn và Trần Phong Sắc - nhà giáo, dịch giả, soạn giả ở thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An, tỉnh Long An) soạn lời bài ca… Sách in song song bản nhạc với bài ca, âm điệu từng chữ nhạc trùng khớp từng lời ca nên rất dễ tiếp thu đối với những người mới học Đờn ca tài tử. Sách bán rất chạy, không kịp đáp ứng nhu cầu nên nhiều người chuyền nhau chép tay để học”. Điều đó chứng minh sức ảnh hưởng của cuốn "Cầm ca tân điệu" trong giới tài tử thời bấy giờ.

Chú thích ảnh
Tập sách ảnh “Nhà văn hóa - Nghệ nhân Dân gian Trần Phong Sắc” do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Hùng (bìa phải) cùng gia đình nghiên cứu và xuất bản được trao tặng đại diện gia đình cố Nghệ nhân dân gian Trần Phong Sắc.

Tại buổi lễ, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Long An đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của hai cố Nghệ nhân Dân gian Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng.

Chú thích ảnh
Trích đoạn cải lương “Xử án Bàng Quý Phi” của soạn giả Lê Văn Tiếng.

Nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ cho biết, Nghệ nhân Dân gian Trần Phong Sắc là một trong số ít danh nhân văn hóa được đặt tên cho đường phố hiện nay ở thành phố Tân An, tỉnh Long An. Những di sản văn hóa ông để lại cho đời rất phong phú, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực như: Sách dịch tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa, sách giáo khoa dạy môn giáo dục luân lý, thơ văn, sách tuồng Cải lương, sách biên khảo dạy Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương... Tuy nhiên, do đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc kéo dài ngót gần thế kỷ, nên di sản văn hóa của ông đã bị mai một rất nhiều, tên tuổi của ông cũng dần bị lãng quên. Các tài liệu về ông rất quý giá, cần sưu tầm, nghiên cứu, thông tin đầy đủ cho mọi người biết.

Tin, ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
 Khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9
 Khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9

Tối 3/3, tại phố bộ Nguyễn Huệ, UBND TP Hồ Chí Minh đã khai mạc Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 năm 2023 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN