Mặc dù đã được địa phương quan tâm, nhưng do nhiều nguyên nhân, việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa xứng với vị thế của di tích; dẫn đến nhiều di tích ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu Hiền Lương: Hạn chế đi lại đông người
Cụm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có diện tích 9 ha; bờ Bắc ở thôn Hiền Lương, thuộc xã Hiền Thành (huyện Vĩnh Linh), bờ Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải (huyện Gio Linh) gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, Cột cờ, Nhà liên hợp, Đồn công an, cầu Hiền Lương lịch sử, các dàn loa, tháp canh... Hiện nay, nhiều hạng mục trong khu di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là cầu Hiền Lương, Nhà trưng bày.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, di tích cầu Hiền Lương lịch sử đã xuống cấp trầm trọng. Ở phía dưới cầu, một thanh sắt liên kết giữa dầm ngang và giàn chủ bị rơi xuống một bên. Phía trên thành cầu, nhiều bu lông, ốc vít bị rỉ sét, bong tróc có thể dễ dàng lấy ra khỏi vị trí cũ. Nhiều mối hàn liên kết giữa các thanh sắt trên cầu bị bong, đặc biệt liên kết giữa thanh chống xiên và giằng đỉnh, liên kết các bệ kê gối bị rỉ sét nặng, mất khả năng chịu lực. Hệ thống ván lót trên thành cầu bị mục nhiều vị trí, tạo thành chỗ thủng lớn. Các nhịp ở giữa cầu bị trũng xuống, khiến các thanh gỗ được cố định trên cầu xiên xẹo… Trước đó, vào đầu năm 2022 sau khi kiểm tra, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã đề nghị hạn chế người qua lại và sớm sửa chữa.
Nhà trưng bày nằm trong cụm di tích cũng bị xuống cấp với nhiều vết nứt lớn, hệ thống vành đai trưng bày xung quanh làm bằng gỗ bị bong tróc do bị mục. Tại điểm trưng bày lá cờ lịch sử cũng xuất hiện lỗ hổng lớn do gỗ bị mục bong ra; hệ thống rào chắn bên hiện vật bị gãy, đổ…
Bà Lê Thị Tố Hoài, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cho biết, hiện nhiều hạng mục trong cụm di tích bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là Nhà trưng bày và cầu Hiền Lương lịch sử nhưng chưa được sửa chữa, trùng tu, tôn tạo. Ban Quản lý đã kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp, ngành có liên quan sớm có phương án bảo trì, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới thay thế cầu hiện trạng. Trước mắt khi có những đoàn khách đông, Ban Quản lý sẽ chia nhỏ từng nhóm tham quan để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên về lâu về dài, đơn vị mong rằng các cấp sớm quan tâm, đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích…
Địa đạo Vịnh Mốc phải đóng nhiều cửa hầm bị sập
Tương tự, Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Vịnh Mốc nằm trên địa bàn xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh) đã phải đóng nhiều cửa hầm do hệ thống giá đỡ bằng gỗ bị hư hại nặng và đổ sập, xuống cấp. Thực trạng này, phóng viên TTXVN đã có bài viết phản ánh gần 1 năm nay, nhưng đến nay chưa được khắc phục và ngày càng nặng hơn.
Theo Ban Quản lý Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc, hiện có 10/13 cửa hầm bị hư hại nặng, 3 cửa hầm còn lại đang khai thác du lịch. Địa đạo Vịnh Mốc có 2 tầng; trong đó tầng 1 hiện đóng cửa không khai thác du lịch, tầng 2 nhiều cửa hầm cũng đóng như cửa số 6, số 13, số 11... Tình trạng chung của các cửa hầm này là hệ thống giá đỡ bằng gỗ bị mục nát, sập, xếp chồng lên nhau, nằm chắn ngang cửa hầm. Một số cửa bị nhẹ hơn trong tình trạng lung lay, mục nát có nguy cơ đổ sập. Ở bên ngoài cửa hầm, để đảm bảo an toàn, Ban Quản lý đã dùng thanh gỗ chắn lại, ngăn du khách đi vào tham quan.
Bà Nguyễn Thị Khánh Chi, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sự Địa đạo Vịnh Mốc chia sẻ, hiện nhiều cửa hầm của Địa đạo đã bị sập, đặc biệt là các cửa hầm thông ra biển. Để bảo vệ di tích và đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, Ban Quản lý đã dừng khai thác du lịch tại các cửa hầm này; thay đổi lộ trình tham quan dưới lòng địa đạo. Đồng thời, rào chắn lại những lối đi vào cửa, tránh tình trạng khách mua vé tự tham quan gặp nguy hiểm. Ban Quản lý cũng cảnh báo du khách không tự ý tham quan tại các đường hầm có cửa hầm bị hư hại, tránh nguy cơ rủi ro xảy ra. Đơn vị đã gửi các tờ trình lên các sở, ban, ngành có liên quan, với mong muốn sớm triển khai biện pháp trùng tu lại các cửa hầm, góp phần bảo vệ di tích, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong và ngoài nước…
Từng bước khắc phục khó khăn
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện nay có rất nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cần được quan tâm đầu tư, bảo tồn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí.
Để khắc phục tình trạng trên, vào cuối năm 2021, ngành Văn hóa đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết số 2167 phê duyệt chủ trương đầu tư 43 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử trên địa bàn giai đoạn 2021-2030. Trong đó, 35 tỷ đồng được trích từ ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai tôn tạo, bảo tồn các hệ thống di tích theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Hiện các cấp chính quyền đang cụ thể hóa để xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất với Chính phủ hỗ trợ, đầu tư, tôn tạo cho địa phương 2 di tích quốc gia đặc biệt; đó là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và các điểm lưu niệm của sự kiện 81 ngày đêm, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải với tổng số tiền 170 tỷ đồng. Trong đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Công viên Thống nhất-Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải với tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng đang hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án. Dự kiến, cầu Hiền Lương lịch sử sẽ thay thế một phần khung kết cấu sắt, thép cấu tạo cầu đã rỉ sét, hư hỏng; thay thế phần gỗ bề mặt cầu theo nguyên bản; sửa chữa mố cầu. Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và các điểm lưu niệm của sự kiện 81 ngày đêm, sẽ được bố trí 90 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các hạng mục.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang chờ Trung ương thông báo về vốn để triển khai khởi công trùng tu, tôn tạo 2 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Thành cổ Quảng Trị và các điểm lưu niệm của sự kiện 81 ngày đêm; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, Quảng Trị đang tiếp tục rà soát, đề xuất, kịp thời tôn tạo các hạng mục xuống cấp nghiêm trọng tại các di tích lịch sử khác, đảm bảo giữ nguyên giá trị lịch sử của các di tích, cũng như góp phần vào việc phát huy, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, gắn với phát huy du lịch lịch sử trong thời gian tới...