Quảng Ninh tôn tạo Thái miếu nhà Trần

Ngày 13/9, tại huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã diễn ra lễ khởi công tôn tạo đền Thái. Tham dự có đồng chí Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cùng các cơ quan hữu quan và nhân dân địa phương.

Đồng chí Trần Đại Quang cùng lãnh đạo bộ ngành Trung ương tiến hành làm lễ động thổ đền Thái. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN


Tổng mức đầu tư tôn tạo là 103 tỷ đồng, được chia ra làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất gồm các hạng mục xây dựng 5 gian tiền tế và hậu cung; giai đoạn hai xây dựng khu di sản, nhà trưng bày; giai đoạn ba xây dựng khuôn viên cây xanh. Đền Thái cách lăng vua Trần Hiến Tông khoảng 200m về phía đông, cách lăng vua Trần Anh Tông khoảng 500m về phía nam. Đứng từ đền Thái nhìn về phía Nam thấy được gác chuông chùa Quỳnh Lâm, quần thể đền Sinh cùng làng mạc và cánh đồng của nhân dân xã An Sinh.

Đền Thái - Thái miếu nhà Trần toạ lạc trên đồi Đình, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh (Đông Triều). Theo các tài liệu nghiên cứu, đền Thái vốn là nơi thờ các vị vua đầu triều của nhà Trần. Thời Nguyễn, di tích được xây dựng lại và gọi là đền Đốc Trại. Căn cứ tài liệu sắc phong còn lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm thì các vị thần được thờ ở đây là tám vị vua nhà Trần.

Do những thăng trầm của lịch sử, hiện nay ngôi đền chỉ còn là phế tích. Năm 2008, Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật thám sát khảo cổ học di tích đền Thái lần thứ nhất với diện tích thăm dò là 150m2. Kết quả thăm dò đã tìm thấy các dấu vết kiến trúc của một công trình kết nối liên hoàn nhiều hạng mục như: hệ thống gia cố móng trụ, bó nền, sân, cùng các loại hình di vật mang đậm dấu ấn kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần. Các dấu vết kiến trúc và các loại hình di vật cho thấy dưới thời Trần, đền Thái là một quần thể kiến trúc trải rộng trên toàn phạm vi của đồi Đình với diện tích khoảng 12 héc-ta.

Đồng chí Trần Đại Quang đánh trống khai hội. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN


Trước đó, tại xã An Sinh, huyện Đông Triều đã tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2014. Đền An Sinh vốn là điện An Sinh được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIV). Cùng với các di tích khác trong quần thể khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, đền An Sinh đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1962. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, có thời kỳ đền chỉ còn là phế tích. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, UBND huyện Đông Triều đã trùng tu tôn tạo lại di tích vào năm 2000. Lễ hội đền An Sinh từ đây cũng được khôi phục và ngày 20/8 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham dự.

Lễ hội năm nay diễn ra trong ba ngày, từ 13-15/9, ngoài phần lễ thì phần hội bao gồm: Chung kết Liên hoan tiếng hát các làng - khu phố huyện Đông Triều năm 2014; thi đấu bóng chuyền, đập niêu, cờ tướng, đẩy gậy, kéo co và vật dân tộc.


Nguyễn Hoàng
Đền Quan Đại và hai vị công thần thời Nguyễn
Đền Quan Đại và hai vị công thần thời Nguyễn

Đền Quan Đại (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia... Tuy nhiên, những câu chuyện xung quanh hai vị danh tướng được nhân dân tôn thờ trong đền là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai (Văn Đức Khuê) thì không phải ai cũng biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN