Đền Quan Đại (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia (tại Quyết định số 2100/QĐ-BVHTTDL ngày 8/7/2014). Tuy nhiên, những câu chuyện xung quanh hai vị danh tướng được nhân dân tôn thờ trong đền là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai (Văn Đức Khuê) thì không phải ai cũng biết.
Đền Quan Đại nằm ở thôn La Khê, xã Tiền An (huyện Quảng Yên), thờ hai vị đại thần của triều đình nhà Nguyễn là Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai đã chỉ huy quân sỹ cùng nhân dân Quảng Yên đánh đuổi bọn giặc cướp nước và bè lũ tay sai của thực dân Pháp để bảo vệ biên cương, vùng hải đảo thuộc miền Đông bắc của Tổ quốc.
Người dân xã Tiền An đón bằng Di tích lịch sử Quốc gia. Ảnh: baoquangninh.com.vn |
Theo sử sách ghi lại, Trương Quốc Dụng là một danh tướng, một nhà văn hóa lớn trong nửa cuối thế kỷ XIX. Năm 1821, dưới triều Minh Mạng, ông thi đỗ Tú tài. Năm 1825 đỗ Cử nhân và đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu (1829). Ông làm quan liên tiếp ở đời vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như: Lang trung Bộ Hình, Tả thị lang Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Hình, Tả tham tri Bộ Công, Thượng thư Bộ Hình, Phó tổng tài Quốc sử quán, Hiệp biện Đại học sỹ... Sách Đăng khoa lục chép: “Ông tinh thông lý học, các kinh điển lịch gia trước bị thất truyền, ông lại đem truyền học tiếp. Lúc làm quan thì hòa nhã, thường nhàn rỗi ghi chép lại các trước tác, có sách Thoái thực ký văn lưu hành ở đời”… Khi ông mất, vua Tự Đức đã viết văn viếng ông và ca ngợi ông là một đại thần đủ tài văn võ, vì việc nước, liều tấm thân, hết lòng vì nghĩa; truy tặng ông hàm “Đặc tiến vinh lộc đại phu Đông Các đại học sĩ”.
Lễ rước Bằng di tích lịch sử Quốc gia đền Quan Đại. Ảnh: baoquangninh.com.vn |
Còn Tiến sĩ Văn Đức Giai (Văn Đức Khuê) cũng là nhà khoa bảng, tài cao đức trọng, là vị quan thanh liêm, khí tiết, yêu nước. Ông từng làm đốc học 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, rồi làm chức Ngự sử của triều đình. Năm 1861, triều đình cho ông mộ quân nghĩa dũng tòng chinh vào Nam chống quân Pháp. Ông dũng cảm, có cơ mưu trong chiến trận, đánh thắng nhiều trận lớn, được thăng tới chức Bố chính Phú Yên, được vua Tự Đức ban khen, cho đổi tên là Khuê (viên ngọc quý). Từ đó, ông có tên mới là Văn Đức Khuê. Đầu năm 1863, Triều đình cử ông ra làm Tán lý quân vụ ở quân thứ Hải - Yên (Hải Dương - Quảng Yên) cùng với Trương Quốc Dụng đánh dẹp giặc Tạ Văn Phụng.
Theo hồ sơ về di tích, năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, chúng đã lợi dụng các toán giặc cướp, lấy danh nghĩa là nhà Lê âm mưu chia rẽ triều đình phong kiến nhà Nguyễn, chia rẽ lương giáo. Năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864) thực dân Pháp huấn luyện, đào tạo Tạ Văn Phụng thành một kẻ gây bạo loạn ở Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh quấy rối hậu phương, chuyên đi cướp phá, giết chóc dân lành, thu thập tin tức tình báo cung cấp cho quân Pháp. Triều đình nhà Nguyễn đã cử Trương Quốc Dụng và Tán lý Văn Đức Giai đi dẹp cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên. Trong trận đánh ở đồn La Khê, quân địch mạnh, quân ta ít nên Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai cùng nhiều tướng sỹ đều tử trận.
Truyền thuyết kể lại, sau khi hai ông tử trận, hai con voi của họ đã đưa chủ vào rừng trúc (nơi người dân dựng đền thờ ngày nay), dẫm quang một khoảng rừng trúc để đặt thi thể hai chủ soái rồi nằm phục bên cạnh. Khi nhân dân biết tin ra chôn cất, đã thấy mối đùn lên thành 2 ngôi mộ lớn. Hai con voi cũng nhịn ăn mà chết theo chủ. Để tỏ lòng biết ơn hai vị công thần đã hy sinh vì dân, vì nước, người dân trong làng đã lập đền thờ hai ông, quanh năm hương khói, phụng thờ (đền thờ 2 vị trung thần, nên người dân trong vùng còn gọi là Song Trung từ). Nhân dân trong vùng đã lấy ngày mất của hai ông làm ngày mở hội đền, còn gọi là ngày “giỗ trận” - lễ hội lớn của làng La Khê.
Theo các tài liệu khảo cổ, đền Quan Đại vốn có kiến trúc kiểu chữ Nhị. Trải qua thời gian, đền bị phá hủy, chỉ còn lại nền móng và bia mộ. Ngôi đền ngày nay được người dân Tiền An góp công góp của xây dựng vào năm 1993 với ba gian bái đường và 3 gian hậu cung. Hiện nay trong đền vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của hai danh nhân, như bia ký, sắc phong, ảnh, đồ thờ tự… của 2 vị công thần anh hùng Trương Quốc Dụng và Văn Đức Giai...
Phương Hà