Mục đích của hoạt động này là nhằm đưa bộ môn Lân Sư Rồng Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, phát triển rộng khắp và hướng tới thi đấu thành tích cao.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, mở đầu chương trình biểu diễn, Đại sứ, Đại diện thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Pháp Lê Thị Hồng Vân đã đánh hồi trống mở đầu, bắt nhịp cho màn biểu diễn trống hội đầy hào hùng, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Tiếng trống hội lúc dồn dập, rộn rã, lúc nhẹ nhàng, trầm, bổng giống như tiếng gọi từ quê hương đến với đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, gợi nhớ về lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Tất cả khán giả đều im lặng, chỉ còn tiếng trống và tiếng đập của những trái tim đang rộn ràng, đầy hứng khởi và tự hào hướng về quê hương.
Ngay sau màn trống hội là các tiết mục biểu diễn múa Lân Sư Rồng, cùng các màn biểu diễn của các môn phái võ thuật Việt Nam tại Pháp như Vovinam-Việt Võ Đạo, Sơn Long Quyền thuật, Minh Long… đã làm tất cả những khán giả có mặt cảm thấy vô cùng hào hứng và thích thú.
Các tiết mục nổi bật phải kể đến như màn biểu diễn múa “Tứ quý hưng long” với đồng diễn của 4 con Lân-Sư; múa Lân trên Mai Hoa Thung (trên cọc); múa “Lân-Sư diệt mãng xà, thu hồi ngọc quý” và múa Rồng đơn, Rồng đôi. Đan xen với đó là hàng chục màn biểu diễn võ thuật đồng đội, biểu diễn múa thương, múa kiếm và các màn đấu võ đối kháng tay không, binh khí vô cùng hồi hộp và kịch tính, được sự hưởng ứng của không chỉ khán giả Việt Nam mà của rất nhiều khán giả Pháp có mặt.
Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam, Võ sư Phạm Quang Long chia sẻ, múa Lân Sư Rồng Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm, đã được mô tả trong các bức tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Theo ông, Lân Sư Rồng lấy nền tảng từ các động tác võ, nên những người học võ sẽ rất phù hợp để luyện tập bộ môn này.
Võ sư Phạm Quang Long khẳng định, với mục đích quảng bá văn hóa Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Tổng Liên đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo thế giới tổ chức biểu diễn miễn phí trong các dịp lễ, Tết của cộng đồng. Đồng thời ở trong nước, liên đoàn cũng đã thành lập các trung tâm huấn luyện có thể đảm bảo hỗ trợ và hướng dẫn miễn phí cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân muốn về nước để tập huấn về Lân Sư Rồng.
Ông Phạm Quang Long bày tỏ hy vọng, với sự phát triển mạnh mẽ ở trong nước, Lân Sư Rồng sẽ ngày càng mở rộng về quy mô và trở thành một bộ môn thế mạnh của Việt Nam, sớm đưa Lân Sư Rồng trở thành một môn thi đấu trong SEA Games. Ông mong muốn sớm thành lập được Liên đoàn Lân Sư Rồng Thế giới để có thể quảng bá văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Hội đồng Võ sư Vovinam-Việt Võ Đạo Thế giới Trần Nguyên Đạo cho biết, bộ môn Vovinam đã tồn tại phát triển tại châu Âu gần 50 năm. Đây là điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, phát triển môn Lân Sư Rồng mở rộng ra thế giới, giúp quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Theo ông Trần Nguyên Đạo, cần phát triển bộ môn Lân Sư Rồng trên nền tảng của các hội võ, sau đó dần phát triển sang các hội nhóm khác, tức là Lân Sư Rồng có thể dựa vào Vivonam-Việt Võ Đạo để mở rộng quy mô ra khắp châu Âu cũng như toàn thế giới.
Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam mới được thành lập ngày 15/4/2023. Đây là lần đầu tiên hoạt động biểu diễn do liên đoàn tổ chức tại nước ngoài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển môn nghệ thuật văn hóa dân gian, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Hoạt động biểu diễn này sẽ góp phần đưa bộ môn Lân Sư Rồng của Việt Nam phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và quy mô rộng khắp hơn.