A - Đi xe:
Đó là loại xe do ngựa kéo khi Mã Giám Sinh đưa nàng đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri, suốt một tháng trời. Chúng ta kết luận được như vậy là nhờ các câu: “Đoạn trường thay, lúc phân kỳ. Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” là nói khi chia tay, còn trên đường thì: “Đùng đùng gió giục, mây vần. Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Và “Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi”. Đây là loại xe dùng để đón dâu, chắc là sang trọng, nên được gọi là “xe châu”: “Xe châu dừng bánh cửa ngoài. Phía trong bỗng có một người bước ra”. Là nàng Kiều gặp mụ Tú Bà đấy. Trong mười lăm năm lưu lạc, đây là lần duy nhất nàng Kiều đi xe.
B - Đi ngựa:
Nàng Kiều đi ngựa hai lần. Lần đầu tiên là lẩn trốn theo Sở Khanh:
“Cùng nhau lẻn bước xuống lầu. Song song ngựa trước, ngựa sau một đàn”. Tất nhiên cuộc lẻn trốn không thành, bị Tú Bà bắt về tiếp khách. Lần thứ hai nàng đi ngựa sau khi bị bọn Khuyển Ưng đánh thuốc mê; “Vực ngay lên ngựa tức thì. Phòng đào, viện sách bốn bề lửa dong”.
C - Đi kiệu:
Theo thứ tự thời gian, ta có:
1 - Đi kiệu về nhà trọ (trú phường) với Mã Giám Sinh: “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài. Quản huyền đâu đã giục người sinh li”.
2 - Đi kiệu về với Thúc Sinh sau khi thắng kiện và được Thúc Ông chấp nhận: “ Kíp truyền sắm sử lễ công. Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao”.
3 - Bạc Hạnh thuê kiệu rước vào lầu xanh ở Châu Thai: “Mượn người thuê kiệu rước nàng. Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”.
4 - Đi kiệu về đại bản doanh Từ Hải: “Dựng cờ, nổi nhạc lên đàng. Trúc tơ trổi trước, kiệu vàng cất sau”.
5 - Đi kiệu xuống thuyền Thổ Quan: “Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rũ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
6 - Đi kiệu cùng cả nhà sau khi gặp nhau ở thảo am bên sông Tiền Đường:
“Kiệu hoa giục giã tức thì. Vương ông dạy rước cùng về một nơi”.
D- Đi thuyền:
1- Đi thuyền theo bọn Khuyển, Ưng từ Lâm Tri về Vô Tích: “Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian/ Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền/ Buồm cao lèo thẳng cánh suyền/ Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang…”.
2 - Đi thuyền cùng Bạc Hạnh đến Châu Thai: “Thuyền vừa áp thẳng tới nơi. Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày”.
3 - Đi thuyền xuống sông Tiền Đường cùng Thổ quan: “Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
4 - Đi thuyền khi được ngư phủ cùng Giác Duyên vớt lên: “Trên mui lướt mướt áo là. Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương”.
Trong mười lăm năm lưu lạc, Thúy Kiều có một chuyến đi bộ dài nhất là đêm trốn khỏi Quan Âm Các đi về Chiêu Ẩn Am gặp Giác Duyên.
Để dễ nhớ nội dung này, ta diễn ra thơ lục bát:
Người ta xe, ngựa thì vui
Thúy Kiều xe, ngựa ngậm ngùi, gian truân
Nổi chìm trong cuộc trầm luân
Kiệu hoa sáu chuyến, ba lần lệ rơi.
- Biệt quê, thương chửa hết lời
"Kiệu hoa đâu đã đến ngoài", giục đi
- Sắc, tài thắng kiện Lâm Tri
"Kiệu hoa cất gió" ai bì xênh xang.
- "Mượn người thuê kiệu rước nàng"
Châu Thai, Bạc Hạnh tìm đàng trốn mau.
- Trúc tơ trước, kiệu vàng sau
Chờ Từ Công chỉ ít lâu, phỉ nguyền.
- Mất chồng, Tôn Hiến ép duyên
"Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền" thổ quan
- Gặp nàng nương chốn thảo am
"Kiệu hoa giục giã" cả đoàn về mau
- Sở Khanh kế hiểm, mưu sâu
"Song song ngựa trước ngựa sau " lừa nàng
- "Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian"
"Vực ngay lên ngựa" mơ màng thuốc mê
- Bán mình, nàng phải theo xe
Giám Sinh họ Mã dẫn về Lâm Tri
Thuyền thì bốn lượt từng đi:
Lần đầu mê thuốc biết gì Kiều ơi
Lần hai Bạc Hạnh nuốt lời
“Thuyền vừa áp thẳng tới nơi” bán nàng.
Lần ba, lần bốn Tiền Đường
Một thuyền oan nghiệt, cưu mang một thuyền.