Những bộ phim về đề tài ô nhiễm môi trường với cách thể hiện riêng đã phơi bày hậu quả của thực trạng này và cảnh báo những gì mà “Mẹ thiên nhiên” có thể làm để đáp trả lại các hành vi tàn bạo của con người.
Phim về đề tài môi trường không mới, song nhiều bộ phim về ô nhiễm môi trường tập trung vào kể những câu chuyện hoàn toàn khác biệt. Chúng khiến con người nhận thức rõ ràng rằng chính nỗ lực phát triển của các quốc gia qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thay đổi hành tinh mà chúng ta đang sống. Do đó, hầu hết các phim về đề tài môi trường đều hướng khán giả tới câu hỏi: Cư dân trái đất có thể làm gì để nơi được gọi là “Hành tinh xanh” trở nên xanh hơn, tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.
Cảnh trong phim “The Bay”: Nguồn nước bị ô nhiễm khiến cư dân tại vịnh Maryland phát điên vì cơ thể dần bị hủy hoại. |
Có một số bộ phim về đề tài này đã thành công trong việc đưa ra các vấn đề môi trường quan trọng, thu hút sự quan tâm của người dân và nâng cao nhận thức về những vấn đề và mối đe dọa đang gia tăng trong thế giới hiện đại.
Năm 2007, điện ảnh Hàn Quốc tung ra rạp bộ phim “The Host” (tên tiếng Việt: Quái vật sông Hàn) và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Phim trở thành một trong những phim kinh dị về đề tài môi trường có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh “xứ kim chi”. Chỉ trong 21 ngày đầu công chiếu, “Quái vật sông Hàn” đạt 10 triệu lượt người xem. Phim kể về cuộc chiến đấu của người cha chống lại một con quái vật bắt cóc con gái mình.
Tuy con quái vật được tạo nên trong lòng sông Hàn do nhiễm chất hóa học độc hại xả trực tiếp xuống sông là chi tiết hư cấu, song nó cũng phần nào phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường ở Hàn Quốc. Năm 2008, khán giả yêu điện ảnh thế giới hẳn chưa quên bộ phim Mỹ “The Happening” (Thảm họa toàn cầu). “The Happening” có mở đầu rất ấn tượng với cảnh tất cả mọi người trong công viên Central Park bỗng tê cứng và tìm cách tự tử bằng nhiều cách khác nhau. Mọi thứ ngày càng hỗn loạn và nguồn gốc của hiện tượng này là do cây cối trên trái đất tiết chất độc để tự bảo vệ trước sự tàn phá của con người. Viễn cảnh kinh hoàng này đã đọng lại trong lòng không ít khán giả xem phim nỗi sợ hãi về những hành động phá hủy “Mẹ thiên nhiên” hàng ngày, hàng giờ của con người.
Một bộ phim nữa gây chấn động khiến khán giả khi ra khỏi rạp phải suy ngẫm về thực trạng ô nhiễm môi trường trên thế giới là “The Bay” (Vịnh chết) ra mắt năm 2012. “The Bay” khắc hoạ vô cùng rõ nét một thảm họa sinh thái dựa trên những thước phim bí ẩn được thu thập tại vịnh Chesapeake, Maryland năm 2009. Trong phim, nguồn nước tại vịnh hư cấu Maryland bị ô nhiễm khiến người dân nơi đây phát điên vì cơ thể dần bị hủy hoại. Sự rùng rợn của những thước phim đầy máu me sẽ khiến bất cứ khán giả nào xem phim cũng phải nhìn nhận lại về hậu quả khủng khiếp của ô nhiễm nguồn nước.
Đầu năm nay, tác phẩm “Mỹ nhân ngư” của đạo diễn Châu Tinh Trì về đề tài ô nhiễm nguồn nước biển cũng “làm nên chuyện” tại phòng vé Trung Quốc và châu Á. Vẫn với cách kể chuyện hài hước, thông điệp bảo vệ môi trường lồng ghép trong câu chuyện tình đẹp người - cá giúp “Mỹ nhân ngư” trở thành một trong những phim điện ảnh ăn khách nhất Trung Quốc mọi thời đại. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của chàng doanh nhân Lưu Hiên và kế hoạch sử dụng những thiết bị hiện đại nhất để xua đuổi cá ở eo biển mà anh ta bỏ tiền đầu tư. Do kế hoạch này, sinh vật quý hiếm là người cá sinh sống ở eo biển chết dần vì những vết thương lở loét. Được cử đi trừng trị kẻ đã gây ra tội ác với người cá, nàng “mỹ nhân ngư” xinh đẹp nhất nảy sinh tình cảm với chàng doanh nhân. Đây cũng là khởi đầu của cuộc chiến cứu môi trường biển của doanh nhân Lưu Hiên trước là vì tình yêu, sau vì trượng nghĩa.
Qua đôi mắt của người cá, đạo diễn Châu Tinh Trì đã giúp cả thế giới thấy được tác động từ những hành động của con người tới môi trường. Chàng doanh nhân đứng trước hai lựa chọn và chỉ có thể chọn một: Lợi nhuận hay “mỹ nhân ngư”. Thông điệp hành động cứu môi trường xuyên suốt phim của đạo diễn thể hiện rõ nhất ở cuối phim trước quyết định lựa chọn cứu “báu vật của biển”.
Một câu thoại của nhân vật nàng tiên cá trong phim của Châu Tinh Trì khiến nhiều khán giả khi ra về phải suy ngẫm, cũng chính là thông điệp ý nghĩa mà nhiều phim về môi trường khác muốn truyền tải tới khán giả: “Khi thế giới này chẳng còn đến một giọt nước sạch, cũng không còn không khí trong lành thì bạn kiếm được nhiều tiền còn nghĩa lý gì?".