Phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số

“Tôi rất thích đọc sách, không chỉ là thư giãn, giải trí mà từ đó còn tìm ra những lời khuyên, tri thức mới áp dụng vào cuộc sống. Hiện nay bên cạnh những cuốn sách giấy, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh tải ứng dụng phù hợp là tôi có thể tranh thủ đọc sách điện tử ở bất cứ đâu”- Những chia sẻ này của một bạn đọc phần nào cho thấy, trong thời đại công nghệ số, văn hóa đọc ở nước ta vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, song đã có thay đổi ở phương thức tiếp cận.

Chú thích ảnh
Các thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ giờ đây có rất nhiều phương tiện, lựa chọn để tiếp cận tri thức, thông tin khác nhau. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Cơ hội cho phát triển văn hóa đọc

Đề cập về sự cần thiết của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng, nhiều ý kiến cùng chung nhận định, mỗi cuốn sách hay luôn là bạn đồng hành, giúp mỗi người tìm thấy nhiều điều mới mẻ, nâng cao kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo, làm giàu vốn sống. Trong thời đại công nghệ số, công nghệ thông tin, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đem lại nhiều tiện ích. Đối với văn hóa đọc, ngoài những quyển sách giấy, những trang sách điện tử, sách nói đã và đang hình thành, phát triển. Các thế hệ bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ giờ đây có rất nhiều phương tiện, lựa chọn để tiếp cận tri thức, thông tin khác nhau.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Kiều Thúy Nga: Cũng như nhiều lĩnh vực khác, quá trình chuyển đổi số đã mang lại nhiều cơ hội và cả thách thức cho lĩnh vực thư viện. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã và đang làm xuất hiện nhiều nguồn tài nguyên thông tin mới, nguồn thông tin dạng số, có nhiều ưu thế về khả năng chia sẻ, lưu giữ, trao đổi thông tin, thu hút lượng lớn người sử dụng, từ đó hình thành thói quen mới cho người đọc hiện đại. Bên cạnh đó, nhu cầu thông tin của người sử dụng ngày càng tăng cao, số lượng người cần cung cấp thông tin ngày càng lớn. Tất cả đang đặt ra yêu cầu phát triển thư viện số, tài nguyên thông tin số, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Chuyển đổi số là xu hướng chung. Đối với lĩnh vực xuất bản, chuyển đổi số tạo ra sự đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức, các mô thức xuất bản, đồng thời tạo ra thị trường xuất bản, tiến tới “câu chuyện” xuất bản không biên giới. Đối với ngành sách, chuyển đổi số là động lực mới, giúp mở rộng phạm vi để tiếp cận với bạn đọc.

Từ góc độ phụ huynh và cũng là người thường xuyên đọc sách, chị Nguyễn Kim Nga, phường Linh Xuân (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Cuối tuần hoặc dịp lễ, Tết, tôi đưa các con đi dạo phố, đến Đường sách vui chơi, thư giãn và chọn mua một số quyển sách phù hợp với lứa tuổi các con. Ngoài mặt nội dung, tôi thấy các cuốn sách bây giờ thường có hình thức in ấn, trình bày rất “bắt mắt” thu hút bạn đọc. Còn với tôi, tôi thường đọc sách điện tử qua các ứng dụng tải về trên điện thoại, rất tiện dụng trong những chuyến đi du lịch hay trong lúc chờ đón con. Chuyển từ đọc sách giấy sang đọc trực tuyến là một phần xu hướng đọc hiện nay. Nhưng tôi vẫn thích mua những cuốn sách giấy in ấn đẹp, nội dung hay hoặc của các tác giả nổi tiếng để lưu giữ lâu dài hoặc làm những món quà tặng người thân, bạn bè.

Phát triển gắn với chuyển đổi số

Từ thực tế cho thấy, phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay đang đòi hỏi các ngành, đơn vị chức năng triển khai đồng thời nhiều giải pháp phù hợp tạo nên môi trường đọc và các tiện ích thân thiện, thuận lợi cho công chúng.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga thông tin: Hiện nay ở nước ta, mạng lưới thư viện là một thiết chế văn hóa phát triển đa dạng từ trung ương đến cơ sở. Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều thư viện đang chuyển dần từ mô hình thư viện truyền thống sang xây dựng thư viện truyền thống kết hợp thư viện hiện đại, thư viện điện tử, thư viện số. Hoạt động của hệ thống thư viện công cộng đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng để bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, phát triển văn hóa đọc. Các tài liệu điện tử, tài liệu số, các dịch vụ trực tuyến trong thư viện được tăng cường, hình thành môi trường đọc và các tiện ích thân thiện, thuận lợi cho người sử dụng.

Bên cạnh duy trì phục vụ dịch vụ thư viện truyền thống như đọc, mượn trả tài liệu, tư vấn thông tin tại chỗ, nhiều thư viện đã tăng cường phục vụ lưu động và phục vụ trực tuyến, truy cập từ xa nguồn tài liệu số hóa, cơ sở dữ liệu, sách, tạp chí điện tử phục vụ tài nguyên thông tin qua mạng internet.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số, bà Bùi Thúy Hải, Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Ninh cho hay: Thư viện tỉnh Quảng Ninh cập nhật, nâng cấp phần mềm quản trị tài liệu số hiện đại, cơ sở vật chất kỹ thuật có tính năng phù hợp, giúp việc tiếp cận thông tin của người sử dụng trở nên thuận tiện, thu hút được bạn đọc đến với thư viện. Tuy nhiên, thư viện xác định vẫn cần giữ được sự phát triển của thư viện truyền thống song song với đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bà Bùi Thúy Hải cũng đề xuất, trong thời gian tới, các thư viện cần chú ý từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số hoạt động và dịch vụ của thư viện. Các đơn vị thư viện có thể tạo bộ sưu tập Sách nói - Kể chuyện theo yêu cầu của bạn đọc; thiết lập các trò chơi tự động khi bạn đọc đến thư viện (thông qua AI), để bạn đọc có thể tự tương tác với máy tính để trả lời các trò chơi kiến thức được cài đặt sẵn trên máy tính.

Từ thực tế hoạt động của đơn vị thuộc lĩnh vực xuất bản, phát hành sách, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường sách TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, việc tích hợp âm thanh, hình ảnh, video và nhiều phương tiện khác để tạo trải nghiệm đa phương tiện cho độc giả, đồng thời xây dựng cộng đồng đọc sách trực tuyến, tăng kết nối giữa tác giả, nhà xuất bản với bạn đọc thông qua diễn đàn, mạng xã hội… được đơn vị quan tâm thực hiện.

Vừa qua, vào cuối tháng 10/2024, dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và phát hành sách Việt Nam, đồng thời hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Tuần lễ sách và Chuyển đổi số đã được Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp với một số đơn vị tổ chức thành công tại Đường sách TP Hồ Chí Minh (Quận 1) góp phần phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số. Độc giả đã được trải nghiệm hơn 3.000 tựa sách điện tử, sách nói cùng nhiều hình thức tiếp cận sách mới, trải nghiệm công nghệ về sách gắn với chuyển đổi số.

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Đường sách TP Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, chọn mua những cuốn sách, tờ báo và nhiều ấn phẩm xuất bản độc đáo khác. Đồng thời, mọi người có thể trải nghiệm hình thức sách điện tử, sách nói, mang đến các trải nghiệm đa giác quan rất thú vị. Khẳng định thương hiệu Đường sách TP Hồ Chí Minh là điểm đến văn hóa thu hút người dân, du khách, nơi mọi người đến tham quan, đọc và mua sách, đồng thời giao lưu với các tác giả, thời gian tới, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường sách TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu sách điện tử, sách nói bên cạnh hoạt động giới thiệu sách in truyền thống, góp phần phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thanh Trà (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Lì xì 20.000 cuốn sách nói cho người dân tại Đường sách Tết Ất Tỵ
TP Hồ Chí Minh: Lì xì 20.000 cuốn sách nói cho người dân tại Đường sách Tết Ất Tỵ

Trong khuôn khổ Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025, chương trình “Lì xì lộc sách đầu xuân” sẽ trao tặng 20.000 cuốn sách nói miễn phí cho người dân và du khách tham quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN