Phát triển du lịch từ những di tích kháng chiến

Tái hiện lịch sử từ những di tích cách mạng đã được tỉnh Bạc Liêu chú trọng triển khai trong những năm qua, như một cách để giáo dục lòng yêu nước, đồng thời mở ra tiềm năng để phát triển du lịch.

Truyền thống hào hùng

Trong đó, khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (còn gọi là khu căn cứ Cái Chanh) thuộc ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, được đánh giá là một bảo tàng mang đến cho người xem cái nhìn toàn diện về thời kỳ hoạt động của Đảng bộ, quân và dân tỉnh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Tỉnh Bạc Liêu chú trọng đầu tư tôn tạo di tích lịch sử để phát triển du lịch.


Trong những năm chiến tranh, khu căn cứ Cái Chanh có địa hình hiểm trở, hệ thống sông rạch chằng chịt, tất cả gần như bị bao phủ bởi rừng rậm, điều kiện đi lại khó khăn, chủ yếu di chuyển bằng đường thủy. Người dân ở đây có tinh thần yêu nước cao độ, họ sẵn sàng chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, bị muỗi rừng hành hạ để bám đất, bám làng một lòng đi theo Đảng, ra sức phục vụ kháng chiến, che giấu cán bộ hoạt động. Từ năm 1949 đến 1951, nơi đây đã trở thành vùng căn cứ địa vững chắc của cách mạng, là địa bàn trú ngụ hoạt động phong trào cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ cùng một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Thượng Vũ... Từ đầu năm 1950 đến cuối 1954, căn cứ Cái Chanh cũng được đồng chí Võ Văn Kiệt chọn làm nơi hoạt động cách mạng.

Đến tháng 11/1973, khi Bạc Liêu tái lập, Tỉnh ủy Bạc Liêu tiếp tục chọn Cái Chanh làm nơi đặt căn cứ của Tỉnh ủy. Ngoài việc sử dụng để trú ẩn hoạt động thì đây còn là nơi tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, khu ủy Tây Nam Bộ; đề ra các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh nhà.

Và cũng từ khu căn cứ này, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, quân và dân Bạc Liêu đã đánh thắng biết bao trận càn của địch góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy giá trị du lịch

Ngày nay, khu căn cứ cách mạng Cái Chanh ở xã Ninh Thạnh Lợi đã trở thành địa danh anh hùng đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh, trở thành nguồn tư liệu quý giá để thế hệ sau khi cần có thể đến tìm hiểu về lịch sử quê hương. Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã công nhận di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu là di tích cấp quốc gia.

Để thể hiện sự tri ân với thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khu căn cứ Cái Chanh đã được phục hồi, tôn tạo trên diện tích 37.000 m2, tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Ngoài những công trình được phục hồi, tái tạo như: Nhà ở và làm việc của Bí thư Tỉnh ủy, nhà làm việc của văn phòng Tỉnh ủy, nhà của Ban xây dựng căn cứ, nhà của Trung đội phòng thủ... còn một số hạng mục xây dựng mới như: Nhà bia kỷ niệm, nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật, sân khấu ngoài trời...

Bà Nguyễn Thị Khéo, ấp Xẻo Vừng, xã Ninh Thạnh Lợi, người từng sống trong khu căn cứ, chia sẻ: "Đứng giữa những mô hình được phục dựng lại tại khu căn cứ, tôi có cảm giác mình một lần nữa được sống lại những năm gian khổ nhưng đầy hào hùng đã qua. Con cháu sau này cũng có nơi lui tới để hình dung rõ hơn quá trình sống, chiến đấu của cha ông".

Sau 40 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương, ngày nay Ninh Thạnh Lợi đã khoác lên mình chiếc áo mới với nhiều sắc màu tươi tắn hơn xưa. Đến với vùng đất anh hùng, du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vùng sông nước mênh mông. Vào khu căn cứ Cái Chanh tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng, nghe những câu chuyện về những kỷ vật khắc họa lịch sử dân tộc ở nhà trưng bày..., đó sẽ là những trải nghiệm khó quên trong chuyến hành trình về nguồn.

Trong thời gian tới, nếu tour du lịch thăm chiến trường xưa được khai thác một cách bài bản, hiệu quả thì sẽ là yếu tố quan trọng để Bạc Liêu tận dụng được lợi thế vốn có của riêng mình nhằm phát triển du lịch. Du lịch về thăm chiến trường xưa không chỉ giúp cho những người từng tham gia kháng chiến tìm về nơi cũ để hồi niệm, tri ân đồng đội mà còn giúp cho thế hệ trẻ có những trải nghiệm thực tế để tìm câu trả lời vì sao chúng ta đánh thắng kẻ thù, thấm nhuần được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; đồng thời góp phần thu hút cộng đồng tham gia giữ gìn, bảo tồn các di tích chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa ở những vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy huyện Hồng Dân, năm 2015, Huyện ủy, UBND huyện sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc khai thác tiềm năng, phát triển quảng bá du lịch lịch sử - văn hóa gắn với du lịch sinh thái và du lịch tâm linh để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huyện cũng sẽ đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di tích lịch sử khu căn cứ Tỉnh ủy vào một trong các điểm tham quan du lịch trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Từ đó xúc tiến đầu tư xây dựng các tuyến, tour du lịch kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện Hồng Dân để giới thiệu, quảng bá hình ảnh khu căn cứ đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.



Thanh Liêm
Thả con vích quý về biển Bạc Liêu
Thả con vích quý về biển Bạc Liêu

Ngày 28/4, tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, đã thả một con vích quý hiếm nặng hơn 62 kg về môi trường thiên nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN