Thúc đẩy phát triển từ tài nguyên vô giá
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam): Trong kỷ nguyên mới, khi đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong gìn giữ bản sắc dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới.
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, văn hóa nói riêng. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đầu tư phát triển. Các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn. Môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh. Các chính sách này không chỉ giúp bảo vệ các di sản văn hóa mà còn thúc đẩy nền văn hóa sáng tạo, đưa văn hóa Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về nguồn vốn văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ cha ông đã sáng tạo nên nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Những sáng tạo đó qua thời gian kết tinh thành hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trở thành điểm tựa, sức mạnh tinh thần giúp dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách để không ngừng khẳng định mình.
Chỉ tính riêng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đến nay, cả nước có khoảng 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có một số di tích, di sản đã được UNESCO ghi danh, nhiều di tích, di sản được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia… Cả nước cũng có trên 290 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; trên 1.600 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể… Đây chính là những “báu vật”, tài nguyên vô giá, nguồn vốn đặc biệt quan trọng để Việt Nam khai thác, phát huy, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.
Đề cập về tài nguyên văn hóa và những định hướng phát huy nguồn lực văn hóa từ góc độ cụ thể địa phương, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển của toàn bộ khu vực Nam Bộ cũng như cả nước. Thành phố xác định phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội khu vực trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng thời phát triển theo hướng văn minh đô thị và đô thị thông minh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Thành phố xem công nghiệp văn hóa là ngành rất có tiềm năng, đóng góp tỷ trọng rất lớn vào sự phát triển bền vững. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 doanh thu đóng góp từ các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng khoảng 7- 8% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) toàn thành phố.
Liền kề TP Hồ Chí Minh là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng thuộc Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm hát huy nguồn tài nguyên văn hóa, tạo sự phát triển toàn diện, bền vững. Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin: Từ nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng là di tích lịch sử, lễ hội dân gian, đặc điểm địa lý tự nhiên, dân cư đa nguồn gốc, truyền thống yêu nước và cách mạng... Tỉnh luôn đặt mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bà Rịa - Vũng Tàu một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” lên hàng đầu. Đến nay, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện và xã được xây dựng, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của người dân. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được tỉnh quan tâm, qua đó phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh, đóng góp vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như du lịch, nghệ thuật biểu diễn, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo...
Đưa văn hóa lên tầm cao mới
Quan tâm đầu tư phát triển các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa là thể hiện sự phát huy hiệu quả nguồn lực nội sinh để đất nước phát triển toàn diện. Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, công cuộc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, sự tôn vinh di sản truyền thống và việc định vị văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế là đòn bẩy quan trọng, đưa văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới. Qua đó, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn xây dựng một hình ảnh Việt Nam tự tin, sáng tạo và đầy bản lĩnh.
Đề cập giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo bước phát triển mới, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nêu ý kiến: Công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới cần có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước. Muốn thực hiện được điều này cần cụ thể hóa những mục tiêu đã được nêu ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”. Bên cạnh đó, từ thực tế cũng đòi hỏi có sự thay đổi, cải cách những vấn đề về thể chế pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận: Trên cơ sở thế mạnh, Thành phố xác định ưu tiên phát triển 8 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đó là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Thành phố cũng tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa mới, tạo tiền đề cho phát triển du lịch văn hóa - một trong những trụ cột quan trọng của ngành du lịch. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới, đồng thời hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
Cùng với đó, thực tiễn đổi mới, hội nhập quốc tế cho thấy đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao không chỉ là những công trình nhỏ lẻ, mà phải xứng tầm là cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại để tích hợp các hoạt động văn hóa, thể thao, dịch vụ vui chơi, giải trí, quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, kích cầu đầu tư, phát triển du lịch... Cuối tháng 10/2024 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong đó có các dự án như: Trung tâm văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu phức hợp Trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng- Rạp chiếu phim, dự án Trung tâm văn hóa, thể thao đa năng tại huyện Cần Giờ, xây dựng mới Nhà hát Gia Định, Trung tâm Văn hóa thành phố..., góp phần phát triển hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa.
Chia sẻ về đầu tư phát triển văn hóa, đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh tăng cường quán triệt, tuyên truyền nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tỉnh tiếp tục ứng dụng các công nghệ hiện đại tạo dựng các hoạt cảnh, đổi mới phương thức, không gian trưng bày hiện vật tại Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo, qua đó tạo không gian trưng bày, giới thiệu sống động hơn. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất sản phẩm, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật. Bà Rịa - Vũng Tàu xem phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ xuyên suốt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc nhân dân, thiết thực cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định.