Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch

Chiều 14/11, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2023, với chủ đề “Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch”, nhằm đánh giá thực trạng quản lý, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch trên địa bàn; đề xuất các giải pháp để phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh.

Chú thích ảnh
Hội thảo phát triển du lịch tỉnh Long An năm 2023. 

Các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Long An đã thảo luận về các giải pháp phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử Long An cũng như đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thời gian qua.

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng: Đây là cơ hội để lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, định hướng cho phát triển du lịch; đồng thời phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tính đến cuối tháng 10/2023, Long An có 125 di tích lịch sử - văn hóa, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có ý nghĩa lịch sử to lớn trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, du lịch Long An đã và đang hình thành, phát triển nhiều sản phẩm du lịch văn hóa. Việc mời gọi đầu tư tại các khu di tích nhằm thu hút du khách được đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho rằng, những năm qua, trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, nhất là phát huy giá trị các di sản, di tích lịch sử - văn hóa, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, du lịch Long An đã có bước khởi sắc. Đặc biệt, nhận thức về quản lý và đầu tư, phát triển du lịch của các cấp, ngành đã có chuyển biến tích cực, từ đó, tạo nên sự phối hợp đồng bộ về tổ chức, cơ chế, chính sách để đưa việc phát triển du lịch trở thành một trong những định hướng ưu tiên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới. Bí thư Tỉnh ủy Long An lưu ý, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến chưa cao; hệ thống lưu trú chưa đồng bộ; các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; kết cấu hạ tầng du lịch, đường giao thông tiếp cận các điểm du lịch còn chưa tốt...

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được khẳng định, thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nên đòi hỏi các cấp, ngành trong tỉnh phải hết sức quyết liệt, tập trung tối đa sức lực để triển khai khẩn trương các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các đơn vị phải đưa du lịch với tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, nhất là gắn với phát huy thật hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trở thành xu thế phát triển của du lịch địa phương.

Chú thích ảnh
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh đoàn Long An về phối hợp thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. 

Tại Hội thảo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký kết liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh đoàn về phối hợp thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025.

Tin, ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Thay đổi nguồn kinh phí lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Thay đổi nguồn kinh phí lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

Ngày 21/9, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN