Phát huy giá trị các di tích thờ Trần Hưng Đạo và hệ thống di tích nhà Trần

Đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được xây dựng ở nhiều vùng, miền trong cả nước. Đây là những di tích vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Việt Nam, ghi nhớ công lao, tài đức của vị Anh hùng dân tộc.


Cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gắn liền với ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288). Ông được nhân dân suy tôn là bậc “Thánh”, thường gọi là “Đức Thánh Trần”, “Đức Thánh Cha”.


 

Du khách thập phương thăm di tích đền Trần, Nam Định.

 

Các di tích thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bao gồm hệ thống đình, đền, phủ, miếu, điện, chùa làng và theo lối thờ “vong”, “rước chân nhang”. Chỉ tính riêng tại Nam Định và Hà Nam đã có gần 230 di tích thờ Hưng Đạo Đại Vương như Đền Cố Trạch (Đền Hạ) nơi thờ tự Trần Hưng Đạo cùng gia tộc và bộ tướng của ông. Đền Bảo Lộc xưa là khu thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ của Trần Hưng Đạo), nay là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương.


Bên cạnh hệ thống di tích được dựng lên để tưởng niệm các vua Trần và Trần Hưng Đạo, Nam Định còn có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật, minh chứng của một thời kỳ phát triển của đạo Phật và sức sáng tạo tài hoa của nhân dân thời Trần. Những phế tích cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa và các khu thái ấp, cùng số lượng lớn những thần phả, đạo sắc phong, hoành phi, câu đối, những câu chuyện truyền miệng được sưu tầm là những giá trị to lớn kết tạo nên những giá trị di sản văn hóa Nam Định xưa và nay. “Tháng Tám hội Cha” đã trở thành “ngày lịch” của mọi người, mọi nhà cùng tìm về quê hương Vương triều Trần. Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của nhân dân và dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.


Hàng năm, Lễ hội Trần diễn ra từ ngày 10 đến 20 tháng Tám âm lịch. Khu di tích Lịch sử - Văn hóa nhà Trần với nhiều đền, đình, phủ độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách thập phương. Trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, về với quê hương Đức Thánh Trần với ý nguyện tự gột rửa, hướng về cái thiện, cầu ban phúc lành cho cá nhân và gia đình. Quần thể di tích văn hóa nhà Trần cùng với lễ hội “Tháng Tám hội Cha” là môi trường nuôi dưỡng truyền thống yêu nước hào hùng.


Trong những năm qua, công tác quản lý di tích, cũng như hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trong đó có các di tích thờ Trần Hưng Đạo ở Nam Định luôn được coi trọng. Nhiều di tích đã thoát khỏi nguy cơ xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tham quan du lịch của nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Công tác kiểm kê và chống xuống cấp, tu bổ, phát huy giá trị di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tham gia tích cực. Nhiều địa phương trong tỉnh khi tổ chức lễ hội đã quan tâm khai thác nhiều trò chơi truyền thống nhằm tôn vẻ đẹp, sức hút độc đáo cho lễ hội.


Tuy nhiên, công tác bảo tồn di tích giai đoạn hiện nay vẫn là ưu tiên cho việc chống xuống cấp, sau đó là tu bổ di tích rồi mới đến tôn tạo, xây mới. Ðẩy mạnh xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích là một giải pháp quan trọng.


Ngoài ra, bài toán tăng cường khai thác di tích, tổ chức phát huy tốt hơn nữa để thu hút khách tham quan, giúp tăng thu ngân sách, quản lý tốt nguồn thu để tái đầu tư cho tu bổ di tích cần được tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt đối với những di tích có khả năng thu lớn. Tiêu biểu là quần thể di tích Đền Trần (TP Nam Định) và Đền Bảo Lộc cùng các di tích của xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thuộc Quần thể dự án Văn hóa Trần. Đây là trách nhiệm và cần có sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

 


Nguyễn Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN