Nón làm từ lá sen của chàng trai Huế giành giải A thi khởi nghiệp

Nón làm từ lá sen - sản phẩm của Nguyễn Thanh Thảo, đoạt giải A cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2018.

Những chiếc nón đặc biệt được tạo ra từ những chiếc lá sen mỏng manh của Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 1988, ở phường Hương Sơ, thành phố Huế) đã tạo ra mặt hàng thủ công mới lạ dành cho du khách mua làm quà khi đến Huế.

Nguyễn Thanh Thảo tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Huế, sau đó làm nghề vẽ tranh tại phố đi bộ đường Nguyễn Đình Chiểu, ven bờ sông Hương. Tại đây, Thảo nhận ra, mỗi dịp du khách đến Huế có ít sự lựa chọn quà lưu niệm mang truyền thống xứ Huế. Nung nấu ý chí đó, vào năm 2017, Thảo nghiên cứu nhiều loại lá cây nhằm biến chúng thành chất liệu mới trong nghệ thuật và ứng dụng vào hàng lưu niệm.

Ban đầu, Thảo thử dùng lá cây bồ đề; tuy nhiên, những sản phẩm làm ra không được khách hàng đón nhận vì không sử dụng được lâu dài. Không từ bỏ ý định, anh tiếp tục thử nghiệm với loại lá cây khác và lá sen đã mang đến thành công cho anh với những chiếc nón lá đặc biệt.

Thảo cho biết, để được một lá sen chất liệu cho làm nón, phải trải qua nhiều khâu như phơi khô, ủi lá…; đồng thời làm sao để những chiếc nón lá sen sau đó vẫn còn màu xanh lá tươi, đường vân lá sen hiện rõ nét rất độc đáo. Thảo đã thành công khi cho phủ lên một lớp sơn bảo vệ để giữ được sắc xanh nguyên bản của lá sen, vừa tạo độ bền khi nón tiếp xúc với mưa nắng.

Ngoài ra, với sự sáng tạo không ngừng của mình, Thảo còn mày mò chế tác ra nhiều đồ thủ công mỹ nghệ khác từ lá sen như đèn lồng, quạt, tranh lá sen… Riêng sản phẩm từ những chiếc nón lá sen của anh đã được nhiều du khách đến Huế yêu thích.

Nhiều người lần đầu thấy chiếc nón được làm từ chất liệu là chiếc lá sen, có những đường vân sen trên cánh lá nổi lên và màu sắc xanh của chiếc nón ấn tượng đã bị mê hoặc và cố tìm cho mình được sản phẩm mang về làm quà cho người thân, bạn bè.

Hiện tại, một chiếc nón lá sen từ cơ sở của Thảo sản xuất có giá khoảng 250.000 đồng/chiếc. Không chỉ được nhiều công ty Việt Nam đặt hàng, mà sản phẩm còn được một số doanh nghiệp, công ty tại Thái Lan, Hàn Quốc cũng tìm đến để liên hệ đặt hàng.

Điều đáng nói, nguyên liệu làm các mặt hàng từ nón, đèn lồng, quạt, tranh lá sen ở Huế rất phong phú. Thống kê sơ bộ, hiện có gần 20/100ha diện tích mặt nước khu vực Đại Nội Huế được trồng sen. Ở Huế, sen thường được trồng từ khoảng tháng 2 đến tháng 7 âm lịch thì cho thu hoạch.

Theo người dân trồng sen lâu năm, ngoài cung cấp nguyên liệu, tạo cảnh quan môi trường, nếu cây sen phát triển tốt thì cho thu nhập bình quân hàng năm khoảng từ 25-35 triệu đồng/ha. Mỗi kg hạt sen tươi bán ra thị trường có giá 150.000 đồng. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận hạt sen hồ Tịnh Tâm của Thừa Thiên- Huế lọt top 50 món ăn đặc sản Việt Nam.

Nón lá sen lại có đời sống riêng, phù hợp với việc trưng diện, lễ hội, với phong thái ứng xử tao nhã, duyên dáng cùng chiếc áo dài, áo cánh truyền thống hơn là sử dụng làm đồng áng - hay nói cách khác, nón lá sen có phần nghiêng về mỹ cảm hơn là thực dụng.

Ngoài ra, cây sen còn được tận dụng tất cả các bộ phận để tăng thêm thu nhập như: Bán lá sen cho các tiệm thuốc, cơ sở y tế làm thuốc, nhà hàng, khách sạn dùng để gói, nấu cơm sen với giá 25.000 đồng/kg; củ sen, ngó sen bình quân 1kg được thu mua với giá 70.000 đồng...

Quốc Việt (TTXVN)
Độc đáo nghề đan nón lá của đồng bào dân tộc Tày
Độc đáo nghề đan nón lá của đồng bào dân tộc Tày

Chiếc nón lá của đồng bào dân tộc Tày có từ bao giờ không ai rõ. Chỉ biết rằng cứ đời này qua đời khác, chiếc nón là vật không thể thiếu trong văn hóa cũng như đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày ở Tân An, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN