Từ vịnh Kiều, bình Kiều mang đậm màu sắc của giới trí thức nho học, đến ngâm Kiều, lẩy Kiều, và đặc biệt là đố Kiều, bói Kiều mang đậm màu sắc dân gian, đã thu hút được số đông mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Đa dạng loại hình
Thông thường khi muốn “bói Kiều”, người ta khăn áo chỉnh tề, tay cầm cuốn “Truyện Kiều”, thành tâm với điều mà mình muốn biết sắp xảy ra như thế nào, nhìn nén hương đang cháy nghi ngút và khấn” “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều con tên là… xin cho con biết chuyện X của con sẽ như thế nào, xin ứng vào trang (phải hoặc trái), dòng thứ… (tính từ dưới lên hoặc từ trên xuống)”. Khấn xong thì người bói lật trang Kiều để tìm câu ứng nghiệm, tùy theo tâm thế của mình mà suy ngẫm, so sánh, tính già tính non…
“Lẩy Kiều” là dùng câu 6 ghép vào câu 8: Lấy bất kỳ câu nào trong 3.254 câu trong Truyện Kiều miễn là cùng vần để tạo ra một văn bản hàm nghĩa khác; dài ngắn như thế nào là tùy vào nội dung mà người lẩy Kiều muốn diễn đạt.
Một bức tranh minh họa trong “Truyện Kiều”. |
Còn “tập Kiều” người ta cũng ghép như trên, nhưng bên cạnh những chữ nguyên vẹn từ Truyện Kiều thì còn có những câu, những chữ do người đặt làm ra. Với lối chơi tao nhã như thế, nên đã có cả hàng ngàn bài thơ về Kiều mang nhiều nội dung, chủ đề khác nhau ra đời. Điều thú vị là có người đã miêu tả được cả những điều mà sinh thời thi hào Nguyễn Du không ngờ đến. Chẳng hạn như… xe hơi trong: “Thênh thang đường cái thanh vân/Một xe trong cõi hồng trần như bay”.
“Nhại Kiều” là phỏng theo một số câu quen thuộc trong Truyện Kiều để viết ra những câu tương tự, thường là để châm biếm, giễu cợt. Chẳng hạn, với hai câu: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần” thì có người “nhại Kiều” là: “Có tiền mà cậy chi tiền. Có tiền như Mỹ cũng phiền lắm thay”.
“Vịnh Kiều” là lấy “Truyện Kiều” hoặc các nhân vật trong “Truyện Kiều” làm đề tài để qua đó giãi bày tâm sự hoặc nêu lên quan điểm của mình khi nhận định một vấn đề nào đó. Chẳng hạn như cụ Nguyễn Khuyến viết: “Có tiền việc trước mà xong nhỉ. Thời trước làm quan cũng thế a?”, thì đâu phải chỉ vịnh thằng bán tơ mà còn là lời tố cáo tệ nạn tham nhũng của xã hội đương thời.
Bên cạnh đó, khảo sát ca dao, dân ca, hát trống quân, hát ví, hát sa mạc, hát giặm ta cũng thấy nhân vật trong Truyện Kiều được đi vào trong lời ăn tiếng nói của nhân dân. Chẳng hạn, trong hò Nam Bộ: “Đường Sài Gòn trơn như mỡ. Cát núi Sập lạnh như gương. Dang tay đưa bạn lên đường. Gá duyên để gió, khác chi Kim Trọng về để lại khúc đoạn trường cho Kiều nương”.
Trong hò Huế ở Bình Trị Thiên: “Sen xa hồ sen khô hồ cạn. Lựu xa đào lựu ngã đào nghiêng. Xa em ngày tháng gieo phiền. Khác nào như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho hết sầu”.
Trong hò khoan Quảng Nam: “Kể từ ngày xa cách người thương. Về nhà đài sen nối sáp đọc mấy chương phong tình. Đọc tới đoạn Thúy Kiều xa cách Kim sinh. Thôi Oanh Oanh xa Trương Quân Thụy, nghĩ tội tình biết chừng mô!”.
Hoặc trong hát quan họ Bắc Ninh: “Bây giờ tôi mới gặp tình. Khác gì Kim Trọng thanh minh gặp Kiều. Tiện đây tôi hỏi một điều. Đài gương soi đến dấu bèo cho nhau? Từ khi ăn một miếng trầu. Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu tương tư…”.
Đặc sắc đố Kiều
Xuất phát từ tính phổ biến của “Truyện Kiều” trong đời sống dân gian, đố Kiều đã trở thành một trò chơi văn nghệ được người dân yêu thích. Điều đặc biệt là khi chơi trò này, cả người ra câu đố và người giải đố thường dùng thơ và chủ yếu là thơ lục bát để chuyển tải ý của mình. Trò chơi đố Kiều diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở xứ Nghệ nói chung và địa bàn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nói riêng, Đố Kiều thường diễn ra trong các cuộc hát phường vải, đó là hình thức hát đối đáp giữa hai nhóm người, một bên là các cô thôn nữ ngồi quay tơ dệt vải, một bên là các chàng trai từ các địa phương khác đến. Họ hát đối đáp về nhiều mảng đề tài khác nhau, song đố Kiều luôn chiếm một vị trí quan trọng. Đố và giải đố diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, cho nên các đối tượng tham gia không những đòi hỏi phải thuộc, phải hiểu truyện Kiều mà còn phải có cách phản ứng nhanh trong việc diễn tả ý của mình dưới hình thức thể thơ lục bát, và hát theo làn điệu dân ca ví dặm xứ Nghệ.
Đố Kiều cũng có nhiều dạng. Có dạng câu đố rất đơn giản, nhưng yêu cầu trả lời nhanh, nên đối phương lúng túng:
Truyện Kiều anh thuộc đã lòng
Chỗ nào tơ liễu mà không buông mành?
(Trả lời:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha)
Dạng câu đố phổ biến nhất vẫn là lời giải được trích dẫn y nguyên một câu Kiều:
Truyện Kiều anh thuộc đã làu
Đố anh kể được một câu năm người?
(Trả lời:
Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu)
Cũng có dạng câu đố có lời giải không phải một câu Kiều, mà lại là sự tổng hợp của nhiều câu Kiều khác nhau. Tuy nhiên, loạt câu đố vui đùa theo kiểu chơi chữ lại chiếm một tỷ lệ lớn. Người chơi đã mượn truyện Kiều để mang lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người. Ví dụ:
Tiện đây hỏi một hai điều
Thiếp tôi chưa rõ nàng Kiều ai sinh?
(Trả lời:
Hổ sinh ra phận tơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong
Khái (hổ) sinh Kiều, thật lạ lùng
Trả lời như rứa, thỏa lòng em chưa?)
Nổi danh tài sắc đủ điều
Tại sao lại bảo nàng kiều sứt răng?
(Trả lời:
Hở môi ra cũng thẹn thùng
Sứt răng nàng sợ, chúng trông, bạn cười)
Đến đây hỏi khách cựu giao
Chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?
(Trả lời:
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày....)
Như vậy, có thể nói rằng, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du không chỉ làm say mê giới nghiên cứu phê bình văn học, mà nó còn có sức thu hút, mê hoặc mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi.