Những người thổi hồn vào gỗ

Đó là những nghệ nhân tạc tượng bằng gỗ được trưng bày tại các khu nhà mồ của người Bahnar, J'rai trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc ở đây, những người đã chết chưa phải đã hết mà chỉ thiên biến từ cõi trần về với cõi hồn ma ... Do vậy, trách nhiệm của những người còn sống phải biết chăm lo đến người chết trong vòng vài ba năm (tuỳ theo tục lệ của mỗi vùng) cho đến khi làm lễ bỏ mả. Ngoài việc phân chia "tài sản", mang cơm nước cho ăn uống hàng ngày thì tại các khu nhà mồ phải cần đến một "lực lượng" hùng hậu để cùng vui chơi và chia sẻ nỗi niềm với người đã chết. Đó là những bức tượng gỗ có hồn...


Tượng nhà mồ trong Bảo tàng Dân tộc học



Đinh Hoắc và Đinh Uông - người dân tộc Bahnar là 2 nghệ nhân tạc tượng mà chúng tôi gặp tại khu nhà mồ ở làng Bông thuộc xã Lơ Ku (huyện K'Bang). Khu nhà mồ nằm cạnh một cánh rừng phía sau làng với hơn chục nóc, chung quanh có những bức tượng gỗ được đặt trong khuôn viên, mỗi tượng có một ý nghĩa riêng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Tượng thì đứng thẳng uy nghiêm như bảo vệ sự yên bình, tượng thì ôm con buồn bã với bao nỗi lòng của người mẹ mất chồng, tượng thì bảo vệ nòi giống ... Đinh Hoắc và Đinh Uông đang say sưa tạc một bức tượng gỗ mang hình dáng của một người săn bắn, để chuẩn bị đặt lên một nóc nhà mồ của người thân mới chết. Từ một khúc gỗ vô tri vô giác đã trở thành khúc gỗ có hồn là cả một vấn đề, người tạc tượng phải biết chọn gỗ để tạo ra một hình dáng thích hợp. Quan trọng hơn là đôi bàn tay khéo léo cộng với trí tuệ của người tạc tượng đảm bảo từng thao tác, từ những nhát rìu đầu tiên cho tới việc hoàn thiện những chi tiết nhỏ nhất.

Đinh Hoắc và Đinh Uông là 2 nghệ nhân tạc tượng đã có thâm niên trong "nghề" gần 30 năm. Những bức tượng gỗ trong các khu nhà mồ của làng Bông đều do 2 nghệ nhân này thực hiện. Nhiều buôn làng khác trong vùng cũng đều nhờ đến đôi tay khéo léo của 2 nghệ nhân. Công việc tạc tượng mất khoảng 2 - 3 ngày. Mặc dù các tượng nhà mồ chỉ cần tồn tại vài ba năm thôi và mất đi sau thời gian làm lễ bỏ mả, song bà con vẫn chọn các loại gỗ quý hiếm và chắc chắn như cẩm lai, hương, trắc, cà te, dổi...để làm tượng. Theo quan niệm của bà con, tượng gỗ đặt trong các khu nhà mồ càng chắc thì người chết mới được no cái bụng, sướng cái đầu và được Yàng (Trời) linh thiêng phù hộ cho dân làng không phải mắc bệnh, không phải đói ăn...

Ở làng Bông hiện chỉ còn duy nhất 2 nghệ nhân tạc tượng là Đinh Hoắc và Đinh Uông, còn thanh niên không chịu học nghề này bởi không làm ra tiền. Thường sau khi hoàn thành một bức tượng gỗ, bà con dân làng chỉ khao nhau một bữa rượu gọi là để thể hiện nghĩa tình cộng đồng trọn vẹn trước sau. Ông Đinh Hoắc tâm sự: Mình đang rất lo, mai đây đến tuổi già sức yếu không thể đảm đương được công việc thì ai là người đứng ra giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo này của người Bahnar và J'rai.

Theo ông Nguyễn Xuân Tập - Cán bộ nghiệp vụ Văn hoá - Thông tin huyện K'Bang, tình trạng "hiếm" nghệ nhân tạc tượng ở làng Bông cũng là tình trạng chung của huyện. Huyện cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp và vận động thanh niên ở các làng hiểu được ý nghĩa sâu sắc của công việc mang đậm yếu tố tâm linh - tạc tượng để rồi theo học các nghệ nhân. Đồng thời có kế hoạch hàng năm tổ chức hội thi, liên hoan văn hoá dân tộc giữa các buôn làng, nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo này./.


Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN