Những hiện vật giá trị TTXVN đã bàn giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày

Có 14 hiện vật quý về báo chí đã được Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) bàn giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Những hiện vật này được lựa chọn trong số hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh, hiện vật của hãng thông tấn quốc gia.

Chú thích ảnh
Các hiện vật giá trị mà TTXVN đã bàn giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày.

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), ngày 4/6, TTXVN đã bàn giao một số hiện vật, bức ảnh lịch sử, tiêu biểu của ngành, phục vụ công tác trưng bày tại Bảo tàng báo chí Việt Nam.

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn (TTXVN) chia sẻ: “Trong số này, hầu hết đều là những hiện vật gốc, không ít hiện vật là độc bản. Mỗi hiện vật gắn với những câu chuyện lịch sử giàu ý nghĩa riêng về báo chí. Những hiện vật này được bàn giao cho Bảo tàng báo chí Việt Nam kèm theo hồ sơ chi tiết về thông tin và nguồn gốc, phục vụ công tác trưng bày, như một lời tri ân các thế hệ đi trước, những người đã cống hiến mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để xây đắp nên một cơ quan Thông tấn anh hùng.”

Chú thích ảnh
Bản sao lục Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến (1921-1947).

Hiện vật tiêu biểu phải kể đến là: Bản sao lục sắc lệnh số 32/SL ngày 23/4/1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho đồng chí Trần Kim Xuyến (1921-1947), đại biểu Quốc hội khóa I, Phó giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN). Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân tấn công, đồng chí Trần Kim Xuyến đã anh dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) khi đang chỉ huy việc sơ tán tài liệu, trở thành nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam hy sinh vì Tổ quốc.

Tên nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến được đặt cho một con phố tại Thủ đô Hà Nội và một con đường tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương ông.

Hiện vật quý khác là máy đánh chữ hiệu TIPPAS của nhà báo Lê Chân (1918-1982) sử dụng khi làm việc ở chiến khu Việt Bắc, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đồng chí Lê Chân thuộc thế hệ những nhà báo đầu tiên xây dựng cơ quan Thông tấn quốc gia và giữ trọng trách Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Cùng với những phương tiện tác nghiệp khác, chiếc máy đánh chữ đã giúp các phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp hoàn thành tốt tin, bài, kịp thời phục vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ, các báo đài trong nước và quốc tế

Chú thích ảnh
 Hiện vật tấm bia mộ nhà báo liệt sỹ Trần Ngọc Đặng.

Một hiện vật đặc biệt nữa là tấm bia khắc tên nhà báo liệt sỹ “Trần Ngọc Đặng, tự Thanh Ngọc, dũng sĩ diệt cơ giới. Sinh 1/4/1945, hy sinh 8/3/1967”, đặt tại phần mộ của liệt sỹ ở căn cứ Thông tấn xã Giải phóng tại tỉnh Tây Ninh. Năm 1993, hài cốt của liệt sỹ Trần Ngọc Đặng được Đoàn 180 (Đoàn An ninh R) di dời về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tấm bia được các đồng nghiệp của ông tại Thông tấn xã Việt Nam chuyển về, trao tặng lại phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam vào năm 1999.

Ông Trần Ngọc Đặng là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng. Ngày 8/3/1967, trong trận càn lớn của Mỹ mang tên Junction City, Trần Ngọc Đặng dù bị thương vẫn bắn cháy hai xe tăng địch và anh dũng hy sinh tại Trảng Cố Vấn, tỉnh Tây Ninh. Ông được truy tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt xe cơ giới.

Hiện vật tiêu biểu khác cũng được bàn giao dịp này là bộ máy thu phát tin của các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng sử dụng để phát tin từ các chiến trường về Tổng xã tại Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời kỳ này, Thông tấn xã Việt Nam chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng ở chiến trường nhiều cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, trang thiết bị và trở thành một trong những đơn vị mạnh nhất của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam khi đó.

Dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh, Thông tấn xã Giải phóng vẫn luôn đảm bảo thông tin thông suốt, thu tin của tất cả các phân xã ở các tỉnh phía Nam và liên lạc hai chiều với Tổng xã tại Hà Nội 24/24 giờ hằng ngày.

Chú thích ảnh
Bộ máy thu phát tin của các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng sử dụng để phát tin từ các chiến trường về Tổng xã tại Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Một hiện vật máy thu tin nữa mang tên “AA BOX 9001” của Thông tấn xã Việt Nam, được coi là hiện đại bậc nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ, dùng để thu tin của các hãng thông tấn nước ngoài phát cho các cơ quan báo chí trong những năm 90 của thế kỷ XX.

Từ năm 1980, Thông tấn xã Việt Nam bắt đầu nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vi tính vào việc điện tử hóa công tác thông tin. Năm 1985, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Thông tấn xã Việt Nam vẫn nghiên cứu và lắp đặt hoàn chỉnh máy vi tính, đồng thời được cấp chứng nhận bản quyền là cơ quan đầu tiên cài đủ 5 dấu tiếng Việt thành công trên máy vi tính, đưa vào hệ thống truyền tin điện tử (micro computer) tốc độ cao giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giữa Hà Nội và Moskva (Liên bang Nga hiện nay) thay cho máy truyền chữ. Đây là những thành tựu nổi bật, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Thông tấn xã Việt Nam trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thông tin.

Bên cạnh đó, một số hiện vật quý nữa là bức ảnh “Bác Hồ và cán bộ, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã cùng con em trong cơ quan mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại An toàn khu Việt Bắc (19/5/1890-19/5/1950)” được ép gỗ, kích thước 98x80cm.

Hay như hiện vật lá cờ Tổ quốc cùng bút tích của thuyền trưởng và chính trị viên tàu KN22 tặng phóng viên TTXVN, tháng 6/2014. Trước đó, tàu KN22 đã va chạm với tàu Trung Quốc trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trong thời gian này, TTXVN đã cử nhiều phóng viên tin, ảnh, truyền hình bám sát hiện trường, đưa tin, bài về sự kiện.

Chú thích ảnh
Hiện vật máy ảnh Canon là một trong những loại máy ảnh được phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam sử dụng trong những năm 1980.

Ngoài ra, còn có các hiện vật như: Máy quay phim và đèn tự chế của phóng viên Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn (tiền thân của Trung tâm Truyền hình Thông tấn-Vnews) dùng để tác nghiệp từ năm 2003; Máy ảnh Canon là một trong những loại máy ảnh được phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam sử dụng trong những năm 1980; Một số ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam từ những ngày đầu ra mắt (bộ gồm 6 tờ báo); Bản tin “Tường thuật trận tổng công kích tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” do phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trực tiếp từ mặt trận gửi về, phát ngày 8/5/1954; cùng nhiều bức ảnh cũng là những hiện vật quý bàn giao đợt này.

Tất cả 14 hiện vật đều đã được TTXVN bàn giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam trưng bày giới thiệu đến đông đảo người dân và khách tham quan để nhằm gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam.

Video về những hiện vật giá trị TTXVN đã bàn giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam :

 

Hiền Anh/Báo Tin tức
Bảo tàng Báo chí Việt Nam – Ngôi nhà Di sản của những người làm báo cách mạng
Bảo tàng Báo chí Việt Nam – Ngôi nhà Di sản của những người làm báo cách mạng

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 28/7/2017 với nhiệm vụ sưu tầm tư liệu, hiện vật về lịch sử báo chí ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN