Tiểu thuyết lịch sử “Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang nước ta đến ngày nay” (năm 1935) của Ngô Tất Tố ghi lại câu chuyện “tiết tháo”, “quyết tử giữ thành Hà Nội” của vị Tổng đốc Hoàng Diệu và người phó tướng thân tín Phó bảng Nguyễn Long.
Với tầm hiểu biết sâu rộng về sử cận đại, trận đánh giữ thành Hà Nội được Ngô Tất Tố thuật lại đầy mạch lạc trong tập 4 của tác phẩm “Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang nước ta đến ngày nay”.
Hoàng Diệu được triều đình Huế giao trọng trách là Tổng đốc Hà Ninh, tức là trung tâm của vùng Bắc Bộ hiện nay, trong đó có cả Bắc Thành (Hà Nội) và Ninh Bình. Ông còn lãnh chức Thượng thư Bộ Binh của nhà Nguyễn, tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay.
Trước nguy cơ quân Pháp xâm lược, triều đình Nguyễn, đứng đầu là vua Tự Đức nhu nhược, chấp nhận đầu hàng, nhưng Tổng đốc Hoàng Diệu sớm nhìn thấy dã tâm cướp nước của chúng nên đã cùng quân dân Hà Nội quyết tử đến cùng.
Ghi về lòng quả cảm của quan, tướng giữ thành Hà Nội, Ngô Tất Tố viết: “Sau khi Henri Rivière đi khỏi, Hoàng Diệu biết rằng, chỉ nội đêm nay hoặc sáng mai, quân Phú Lãng Sa sẽ đánh vào thành liền cho mời các quan đến nhà hội đồng tính việc cự địch.
Các quan đều hăng hái nói: “Phận sự kẻ làm tôi, phải đem tính mệnh mà giữ lấy đất cát của nhà vua. Chúng tôi vui lòng sống thác với thành trì này, thành còn thì còn, thành mất thì cũng mất, thề xin hết lòng trung nghĩa đền ơn cơm áo nhà vua“.
Hoàng Diệu tươi cười: “Phải làm đứng Trượng Phu, cốt phải giữ trọn cương thường, cho khỏi thẹn với trái đất, còn như cái sự sống khác thì có quản chi”.
Thậm chí người Phó tướng của Tổng đốc Hoàng Diệu - Phó bảng Nguyễn Long còn khảng khái muốn chủ động tấn công, không chờ giặc tới.
“Phó bảng Long gạt đi: Nhưng hiện nay quân Phú Lãng Xa đã đóng ở cạnh nách mình, chờ được thánh chỉ tới nơi, tất phải lỡ việc. Theo ý tôi, họ đem binh thuyền ra đây, không phải là vô cớ đi chơi, mình không đánh họ, thì họ cũng đánh mình. Bây giờ trong thành đã có ba nghìn tinh binh, ba trăm võ sĩ, đủ sức mà chống với họ. Bắt nhược, nhân khi quân họ mới đến, mình cứ đem cả đại binh kéo ra mà đánh.” - tiểu thuyết lịch sử của Ngô Tất Tố chép, cho thấy khí thế sôi sục khi ấy của những người giữ thành.
Sớm ngày 25/4/1882, đại tá Henri Riviere đã cho 4 tàu chiến đánh thành Hà Nội, vấp phải sự kháng cự của quân đội do Hoàng Diệu chỉ huy nên phải tạm thời rút lui.
Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, trận chiến diễn ra đầy anh dũng, thậm chí đã có lúc Phó Bảng Nguyễn Long đã đẩy lui được quân địch, giải phóng cổng phía Đông. Hình ảnh những anh hùng gắn bó với lịch sử Hà Nội hiện lên hiên ngang trong trang viết của “bác đầu xứ Tố”: “Giữa giờ Thìn, ngoài thành về mặt cửa Đông, thấy có tiếng reo ầm ầm, một phát thần công trên thành bắn xuống trúng vào một đám quân Pháp, ba tên lính Pháp vỡ đầu vỡ ngực mà chết. Mấy trăm khẩu trên thành hết thẩy chĩa xuống mà bắn, quân Pháp chết hại rất nhiều, súng ở dưới thành bắn lên càng dữ. Hoàng Diệu vẫn xông pha trên thành dốc chiến!
Quân ta tuy đã nhiều người phải đạn nhưng vẫn hăng hái súng bắn không lúc nào dứt tiếng, dưới thành khói tỏa mù mịt,người chết ngổn ngang.
Cuối giờ Thìn, quân ta có chiến thắng thế, Cửa Đông mở toang, Phó bảng Long tay cầm đao đem 50 võ sĩ xấn xổ đánh ra, cả toán quân Pháp đó đều chĩa súng bắn vào. Nhanh như cắt, dữ như cọp, Phó bảng Long xông thẳng vào đám quân Pháp, chém dọc, chém ngang, thanh gươm trong tay quay tít như cái chong chóng.
Gươm đưa đến đâu,quân địch cụt đầu xả vai đến đó, 50 võ sĩ hết thảy liều chết tiến lên, chém giết lung tung, quân Pháp không kịp bắn súng phải quay lưỡi lê mà đâm, Henri Rivière dốc một toán ở mạn cửa Bắc xuống cứu cửa Đông. Trên thành tiếng nổ càng kịch liệt, trong thành ngoài thành, tiếng reo và tiếng vỗ tay vang một góc trời.”
Sau này, quân Pháp dùng mưu đốt kho thuốc súng của Hà Nội, thừa cơ phá được cổng Tây của thành Hà Nội. Hà Thành thất thủ.
Hoàng Diệu đã ra lệnh cho tướng sĩ rút lui để tránh thương vong. Mình ông thảo tờ di biểu, trong đó có đoạn: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất”, rồi ra trước Võ Miếu dùng khăn bịt đầu để thắt cổ tự tử.
Di tích của trận công phá thành Hà Nội lần này, chính là những vết đạn đại bác hằn sâu vào đoạn thành Cửa Bắc. Về sau, quân Pháp cố tình giữ lại coi như “chiến tích”. Còn đối với chúng ta, đấy là di tích buổi đầu chống Pháp và nhớ đến người chỉ huy tiết tháo giữ thành.
Kể về những người thân cận với Tổng đốc Hoàng Diệu, Ngô Tất Tố ghi: “Ông Phó Bảng Long, ông Cử Thiện và những võ sĩ đã can đảm xông vào lửa đạn, sau khi biết rằng Tôn Thất Bá nội công rất là phẫn uất đã toan cùng nhau liều chết, song nghĩ như vậy cũng vô ích. Bèn về mở trường dạy võ.”
Ở một tài liệu khác là Tạp chí Tri Tân số 9 năm 1941, ở mục “Sử liệu sống” có bài ghi chép với nhan đề “Một chuyện tù sổng” mô tả hai cụ Võ Phó bảng Nguyễn Long và Võ cử Nguyễn Đình Trọng đã cùng xông pha bắt được 12 tên giặc cướp đã đâm chết chủ ngục rồi bỏ trốn khỏi nhà ngục thành Hà Nội.
Người dân thương tiếc Hoàng Diệu, người con của đất Quảng Nam (làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn), có tâm với mảnh đất Hà Nội. Ông được thờ trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa cùng với Nguyễn Tri Phương.
Nhớ lại những ngày lịch sử thiêng liêng của Hà Nội, đọc lại tiểu thuyết lịch sử “Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang nước ta đến ngày nay” để thêm hình dung dáng hình những con người “sống vì dân, chết cũng vì dân” - những con người ‘sống mãi’ với thành Thăng Long.