Nhiều địa phương vẫn cần tiếng loa

Ở thành phố, tiếng loa không được nhiều người chào đón, nhưng ở các vùng nông thôn, miền núi, vẫn có nhiều nơi rất cần chiếc loa phát thanh. Với họ tiếng loa đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc sống.

 

Chiều nào, chiếc loa phát thanh trên cây cột điện ở đầu xóm nhà ông Đinh Viết Hương (xã Khánh Dương, Yên Mô, Ninh Bình) cũng bắt đầu bằng bản tin tổng hợp các tin trong tỉnh, sau đó là đọc các thông báo mới về mùa màng, dịch bệnh, thông báo phòng trừ sâu bệnh... Rất nhiều thông tin cần thiết được thông báo đến bà con qua tiếng loa. Ở đây, mỗi xóm có 2 cái loa, một chiếc ở đầu xóm, một chiếc ở giữa xóm để bà con nghe rõ, kể cả những người đang làm việc ngoài đồng ruộng vẫn có thể nghe thấy.

 

Đã có thời, người dân xúm xít quanh chiếc loa để nghe những thông tin thời sự.


“Tiếng loa bao năm nay đã bầu bạn với nông dân chúng tôi, tuyên truyền những thông tin rất hữu ích về lịch khảo sát dịch bệnh lúa, hoa màu, hay thông báo bán các loại giống cây trồng, vật nuôi, thông báo lịch phun thuốc trừ sâu, các kế hoạch làm việc của hợp tác xã... Nhiều khi đi làm đồng mệt nhọc, nhưng nghe chương trình ca nhạc phát trên loa cũng thấy hăng hái. Theo tôi việc duy trì các chương trình truyền thanh là rất cần thiết, vì sinh hoạt ở nông thôn hiện khác so với thành thị, người lo việc đồng áng, người lo làm nghề phụ để tăng thu nhập nên bà con cũng ít có thì giờ ngồi xem tivi hay tham gia hội họp. Nếu có thông báo gì mới, kế hoạch gì cứ đọc trên loa truyền thanh xã là ai ở đâu cũng nghe thấy, người người, nhà nhà đều biết mà thực hiện, thế là hiệu quả nhất”, ông Đinh Viết Hương nói.


Ở tỉnh miền núi Yên Bái, chiếc loa phát thanh cũng được bà con chào đón, nhất là các thôn, bản xa trung tâm. Anh Nguyễn Nhật Thanh, cán bộ đài truyền thanh thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) cho biết, ở địa phương anh, vẫn có các điểm loa, có trạm phát và việc thông tin, tuyên truyền được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, anh Thanh cũng cho biết, nhân dân các phường thuộc tổ dân phố khu trung tâm huyện, thị hầu như không có nhu cầu, có gia đình còn có ý kiến xóa bỏ vì tiếng loa to, con em họ không học được.

Những nơi đó, cán bộ địa phương cũng nhận thấy là không cần thiết nên bố trí lắp ít loa và chỉ dùng những khi có việc cần thông báo. Nhưng đối với các tổ dân phố nông nghiệp, các thôn, bản ở xa trung tâm thì chiếc loa truyền thanh của phường, xã vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu, bà con vẫn rất thích và rất cần nghe tiếng loa. Có nhiều thôn, bản còn cử đại diện lên tận đài truyền thanh thị xã để xin được lắp thêm loa ở địa phương mình.

Thông qua hệ thống loa phát thanh, địa phương tuyên truyền để bà con nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, học tập những kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuyên truyền về các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực con cháu hiếu thảo”, xây dựng nếp sống văn minh đô thị… góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí và giữ vững quốc phòng an ninh. Và loa truyền thanh đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng của nhiều địa phương.


“Tiếng loa đánh thức chúng tôi dậy đúng giờ để đi làm đồng. Nhiều khi cấy lúa, làm cỏ hay gặt ở giữa cánh đồng, được nghe tiếng loa phát thanh rất thích, đỡ mệt nhọc hơn. Hay những lúc các chị em trong bản tụ tập nhau vừa đan lát, vừa nghe tiếng loa cũng rất vui. Nhờ những chiếc loa truyền thanh mà chúng tôi học thêm được những biết thêm những kinh nghiệm sản xuất giỏi, kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng gia đình văn hóa…, chúng tôi rất thích nghe”, chị Lò Thị Vân, dân tộc Thái ở bản Phai Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) cho biết.


Anh Nguyễn Hữu Ngân, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở VH,TT&DL Hải Dương kể: “Có lần đi công tác ở thị trấn Cẩm Giàng, lúc 7 giờ tối tôi được nghe tiếng gõ kẻng, rồi tiếng thông báo ngắn gọn trên loa: ‘Bây giờ là giờ học tập’. Tôi nghe tiếng loa thấy hay quá, thân thương và gần gũi đến thế. Đó là một nét văn hóa truyền thống rất đáng quý và đáng được lưu giữ”.


Anh Giáp Văn Phụ, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Mậm (xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, do đặc thù địa hình thôn Đồng Mậm phức tạp, các khu dân cư bị ngăn cách bởi nước hồ, nhìn thì thấy rất gần, nhưng nếu có việc cần thông báo, cán bộ thôn lại phải lên thuyền đi sang, vừa vất vả vừa mất thời gian. Ví dụ như khi trưởng thôn muốn gọi bà con sang nhận thóc giống, cũng phải chèo thuyền đến tận nơi. Nếu như có loa thì việc thông báo ấy đơn giản hơn rất nhiều.


“Chúng tôi thực sự rất cần những chiếc loa đó. Trước đây thôn cũng đã được trang bị mấy chiếc loa chạy pin (vì Đồng Mậm hiện vẫn chưa có điện - PV), những khi có việc cần thông báo với bà con rất tiện ích. Tiếc là giờ những chiếc loa ấy hỏng rồi. Sắp tới, nếu Đồng Mậm có điện, chúng tôi mong muốn được lắp hệ thống loa để người dân ở Đồng Mậm được nghe những thông tin bổ ích, cán bộ thôn như chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn”, anh Giáp Văn Phụ nói.


Phương Lan - Tạ Nguyên

Loa phường có còn cần thiết?
Loa phường có còn cần thiết?

Chiếc loa phát thanh có còn cần thiết hay không, nên tiếp tục duy trì hay là nên dẹp bỏ loại hình thông tin, tuyên truyền này để đỡ tốn kém tiền của Nhà nước?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN