'Nhật ký nhà báo' và những bài học vàng cho phóng viên

Được xuất bản từ những năm 1960 nhưng cuốn “Nhật ký nhà báo” của nhà báo Jiro Kowada - người từng là tổng biên tập hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo - đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là những bài học quý giá cho những người theo nghề báo.

Ông Toshio Hara đứng trước tòa nhà Trung tâm Báo chí Nippon ở Tôkyô ngày 9/5.
Ảnh: Kyodo


Qua cuốn sách, người đọc có thể hình dung được quá trình các tờ báo quyết định chọn đăng tin nào trên trang nhất, hay quá trình các biên tập viên, phóng viên căng mình để phản ánh những sự kiện xã hội của Nhật Bản trong thời kỳ đầy biến động - thời mà Nhật Bản phải đối mặt với những vấn đề quan trọng như chính sách an ninh trong kỷ nguyên hạt nhân, ô nhiễm môi trường và cuộc chiến tranh ở Việt Nam.


Bộ nhật ký 5 tập được viết từ tháng 12/1963 đến tháng 10/1968, đã được biên tập lại thành một cuốn sách và gần đây được in lại ở Tôkyô. Ông Ippei Omata, giám đốc nhà xuất bản Yudachi-Sha Ltd, nhận định: “Khi biên tập cuốn sách, tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều vấn đề báo chí đã gây tranh cãi trong suốt hơn 50 qua. Nhiều điểm mà ông Kowada nêu ra vẫn có tầm quan trọng”. Bản thân ông Omata đã hâm mộ Kowada, bút danh của nhà báo Toshio Hara, từ thời ông mới là một phóng viên mới vào nghề tại kênh truyền hình NHK.


Trong cuốn nhật ký, vào ngày 14/2/1964, nhà báo Kowada đã để ý thấy một điều rằng nhiều báo chí lớn ở Nhật Bản đã không chú ý đưa tin về cái chết của một cụ ông 53 tuổi ở tỉnh Ibaraki, người bị nghi là chết do ngộ độc thuốc cảm cúm của một hãng dược lớn. Ông Kowada đã chỉ ra một điểm quan trọng là hãng dược này đã chi một khoản tiền khổng lồ để quảng cáo trên truyền hình và báo chí và cho rằng hãng dược này hẳn đã tiếp cận các tờ báo lớn để can thiệp vào vụ việc. Ông viết: “Tôi thấy các báo chỉ đưa tin giá cổ phiếu của hãng dược giảm nhanh chóng nhưng không có bất kỳ giải thích nào”.


Ngày 29 và 30/1/1965, ông Kowada viết về việc hãng Kyodo quyết định không phát ảnh vụ hành quyết công khai một người được cho là Việt cộng ở Sài Gòn với lý do bức ảnh “quá dã man”. Phản đối quyết định này, ông viết: “Điều dã man chính là thực tế ở miền Nam Việt Nam, chứ không phải bức ảnh. Liệu người đọc có biết ơn báo chí vì họ đã tốt bụng và không đăng những thứ dã man này?”.


Một lần khác, ngày 4/2/1968, hãng Kyodo lại quyết định không đăng ảnh chụp dân thường đứng nhìn một loạt tử thi binh lính ở miền Nam Việt Nam. Ông viết lại bức xúc của mình: “Theo quy tắc thì chúng tôi sẽ không đưa ảnh xác chết vì chúng làm người đọc không thoải mái, mà sẽ phải phát những bức ảnh không có xác chết ngay cả khi đưa tin về chiến tranh. Tôi đã đưa ra ý kiến rằng cần phải phát những bức ảnh đó, nhưng lập luận của tôi đã bị bác bỏ”.


Ngày 8/8/1968, báo chí Nhật Bản rầm rộ ca ngợi, ngưỡng mộ sự kiện một giáo sư trường Đại học Y Sapporo công bố đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ở Nhật Bản. Tuy nhiên, báo chí cũng “ỏm tỏi” về việc có nên tôn vinh ca phẫu thuật này hay không vì bản thân giáo sư, ông Wada, thực hiện ca phẫu thuật đã bị đề nghị truy tố hình sự. Người ta cho rằng ông Wada đã không quan tâm đến nhân quyền và mạng sống của người nhận tim và người cho tim khi đã lấy tim còn đập của người bị chết não cấy cho người chưa đến mức phải thay tim.


Nhà báo Kowada đã dẫn ra ví dụ trên để nhấn mạnh một điều rằng, trước một sự kiện, nhà báo phải tỉnh táo, phải nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh: “Báo chí không chỉ chăm chăm ca ngợi ca phẫu thuật mà còn phải chỉ trích khía cạnh đạo đức của ca phẫu thuật”.


Cuốn nhật ký còn chỉ trích các buổi “tụ tập” thường xuyên của lãnh đạo các cơ quan báo chí và các chính khách cấp cao đương quyền. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Kowada nói ông đã quyết định viết về bản chất công việc thực sự của phóng viên sau khi thấy bất mãn với báo chí Nhật Bản nói chung và tin rằng báo chí cần phải đối diện với những chỉ trích đúng đắn để tự hoàn thiện. Ông nói: “Tôi cho rằng nhà báo và độc giả là đối tác của nhau, cùng nhau vươn tới một xã hội tốt đẹp hơn”.


Nhà báo Kowada hiện đã 88 tuổi và vẫn hoạt động tích cực trong lĩnh vực liên quan đến báo chí. Ông thường tổ chức các buổi nghiên cứu về nghề làm báo và các vấn đề xã hội đương đại. Ông tâm sự: “Đôi khi tôi cho rằng tôi hiểu nghề làm báo là gì, nhưng nói chuyện với nhiều người trong nhiều lĩnh vực khiến tôi cảm thấy rằng tôi mới chỉ chạm vào nghề báo”.


Nhật Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN