Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tổ chức Hội thảo Kỉ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (1925-1989) và ra mắt ấn phẩm “Đất rừng phương Nam” phiên bản đặc biệt. Chương trình có sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đã có thời gian làm việc, gắn bó với nhà văn Đoàn Giỏi. Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17/5/1925, trong một gia đình khá giả, tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông từng theo học tại trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn); cùng gia đình tự nguyện hiến toàn bộ gia sản, đi theo kháng chiến. Trong những năm tháng chống Pháp, Đoàn Giỏi công tác trong ngành an ninh, rồi làm công tác thông tin, văn nghệ. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc và chuyển sang sáng tác, biên tập sách báo. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III; là giảng viên tại Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ có trụ sở ở Quảng Bá, Tây Hồ (nay là Trung tâm văn học và Bảo tàng Văn học Việt Nam).
Tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết thêm: Vốn có tài năng thiên phú nhiều mặt, nhà văn Đoàn Giỏi đã vẽ tranh, viết kịch, làm thơ, viết văn để phục vụ kháng chiến. Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: "Người Nam thà chết không hàng" (kịch thơ, 1947); "Khí hùng đất nước" (ký sự lịch sử, 1948); "Đường về gia hương" (truyện, 1948); "Chiến sĩ Tháp Mười" (kịch thơ, 1949) "Trần Văn Ơn" (truyện ký, 1955), "Cá bống mú" (tập truyện, 1956), "Ngọn tầm vông" (tập truyện ký, 1956)… Với nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật, nhà văn Đoàn Giỏi vinh dự nhận được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tên ông được đặt tên cho một con đường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn Giỏi là một trong số ít nhà văn viết cho thiếu nhi được độc giả mọi lứa tuổi yêu mến. Ông để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong văn học Việt Nam, là một ví dụ đẹp đẽ cho câu nỏi "ai yêu tuổi thơ, người đó được cả thế giới". Cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Đoàn Giỏi là một trong những tấm gương sáng cho các thế hệ nhà văn Việt Nam học tập, noi theo...
Cuốn sách nổi tiếng của Đoàn Giỏi đã được chuyển ngữ tại nhiều quốc gia. |
Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tháng 2/1957, nhà văn Đoàn Giỏi nhận được lời đặt hàng của Hội Văn nghệ Việt Nam viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ trong 4 tháng. Do bận rộn nhiều công việc, ông vẫn chưa động bút, mãi đến tháng 5 khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, lúc đó đang phụ trách việc chuẩn bị thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng đã gặp gỡ ông và bày tỏ mong muốn có một tác phẩm viết về miền Nam cho thiếu nhi đúng thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng vào tháng 6/1957.
Sự khích lệ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cộng với cảm hứng mãnh liệt, nỗi nhớ quê hương da diết, Đoàn Giỏi bắt đầu chấp bút và chỉ trong một tháng, tác phẩm “Đất rừng phương Nam” được hoàn thành. Tác phẩm được xuất bản ngay thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã thành công vượt mong đợi, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, tác phẩm đã được tái bản rất nhiều lần, mỗi lần đều có bổ sung, sửa chữa. Lần hoàn chỉnh cuối cùng là bản in năm 1982, cũng là bản hay nhất được in đi in lại đến ngày nay.
May mắn được gặp gỡ và trở thành học trò của nhà văn Đoàn Giỏi, nhà văn Lê Phương Liên hào hứng: Thầy có một giọng nói Nam Bộ giàu âm sắc, nhưng rất dễ nghe. Chị đã đọc đi, đọc lại các tác phẩm của người thầy và luôn lưu giữ những trang viết tuyệt đẹp đó trong tâm trí. Dù người thầy, nhà văn Đoàn Giỏi đã đi xa hơn 1/4 thế kỉ, tác phẩm “Đất rừng phương Nam” cũng đã gần 60 tuổi nhưng những trang văn nồng ấm tình yêu đất nước, con người, chan chứa ý nghĩa nhân văn của ông vẫn được đông đảo các thế hệ bạn đọc đón nhận.
Nhân kỉ niệm 90 năm Ngày sinh Nhà văn Đoàn Giỏi, Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành ấn bản đặc biệt cuốn “Đất rừng phương Nam” - cuốn sách làm nên tên tuổi của nhà văn Đoàn Giỏi và là một trong những tác phẩm “vàng ròng” của nền văn học thiếu nhi Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
"Đất rừng phương Nam" xoay quanh cuộc đời chìm nổi của cậu bé An bị lưu lạc trong chiến tranh, được người dân vùng sông nước Nam Bộ cưu mang. Tác phẩm được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất viết về thiếu nhi của nước ta, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha… Bộ phim truyền hình "Đất phương Nam" được chuyển thể từ cuốn sách cũng được khán giả vô cùng yêu mến.
Cũng trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã kí hợp đồng với đại diện gia đình nhà văn Đoàn Giỏi để độc quyền xuất bản 11 tác phẩm của ông. Đó là những tác phẩm đã gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam như: "Cá bống mú"; "Đất rừng phương Nam"; "Cuộc truy tầm kho vũ khí"; "Trần Văn Ơn"; "Cây đước Cà Mau"; "Rừng đêm xào xạc"; "Tiếng gọi ngàn"; "Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày"; "Những chuyện lạ về cá"; "Tê giác giữa ngàn xanh"; "Tết Nguyên đán ở Nam Bộ".
Mỹ Bình