Đạo Phật – tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc

Một mùa Phật đản lại đến trong niềm hoan hỷ của những người con Phật. Những ngày này, khắp các cơ sở tự viện, từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, đâu đâu cũng rực màu cờ hoa mừng ngày đản sinh của đức Phật. Mùa Phật đản đến lại gợi nhắc cho mỗi tăng ni, Phật tử nhớ tới lời dạy của đức Phật: "Này các thầy Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả để truyền bá Chánh pháp, vì lợi ích cho quần sinh, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.

Lễ mừng Đại lễ Phật đản 2015 - Phật lịch 2559 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào sáng 1/6. Ảnh: TTXVN


Có thể nói, năm 2015, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đón một mùa Phật đản với những thành tựu Phật sự viên mãn, các tăng ni trong Giáo hội đã làm tốt sứ mạng hoằng pháp, đưa đạo Phật tới đồng bào các dân tộc vùng cao miền núi và hải đảo. Với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, Giáo hội đã hoàn thành việc thành lập tổ chức của mình tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của đạo Phật – một tôn giáo yêu nước, luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với đồng bào, với Tổ quốc.

Cùng với việc kiện toàn Ban trị sự Giáo hội tại các địa phương, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng các doanh nghiệp xây dựng nhiều ngôi chùa ở các vùng biên giới, hải đảo như chùa Phật Tích Bản Giốc, Trúc Lâm Tà Lùng (Cao Bằng), chùa Tân Thanh (Lạng Sơn), chùa Xã Tắc (Móng Cái - Quảng Ninh) và các chùa trên quần đảo Trường Sa… Việc làm này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là những cột mốc bảo vệ biên giới, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam .

Trong Thông điệp Phật đản Phật lịch 2559 – dương lịch 2015 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định đây là Phật sự rất ý nghĩa khi cả nước kỷ niệm 40 năm nước nhà được thống nhất, giấc mơ lớn của dân tộc thành hiện thực, Việt Nam hội nhập toàn diện với thế giới, sánh vai với các nước năm châu. Phật giáo Việt Nam cũng tự hào đã góp phần vào sự thành công đó, bởi Phật giáo đã tích cực góp phần làm nên cốt lõi của bản lĩnh, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam .

Không chỉ thực hiện tốt các hoạt động Phật sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn phát huy tinh thần lục hòa, đoàn kết, vận động tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, đạo gắn với đời. Ở khắp mọi miền của Tổ quốc, các tăng ni, Phật tử và nhà chùa đã có nhiều đóng góp vào phát triển giáo dục mầm non, bảo trợ xã hội, dạy nghề, khám chữa bệnh cho người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu... Những nồi súp tình thương cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Bình Dương, phòng khám đa khoa từ thiện chữa bệnh miễn phí ở Vĩnh Phúc, Sóc Trăng, lớp học tình thương nuôi dạy trẻ em nghèo hiếu học, trẻ khuyết tật tại Lâm Đồng, Thừa Thiên – Huế, Thành phố Hồ Chí Minh hay những phần quà Tết làm ấm lòng đồng bào dân tộc ở khắp các địa phương trên cả nước là những hoạt động mang đậm tính nhân văn, việc làm cao quý, thể hiện sâu sắc tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật.


Đón một mùa Phật đản an vui, thắm tình đạo vị là mong ước của mỗi tăng ni, Phật tử và cũng là lời chúc tốt đẹp được lãnh đạo Đảng, nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương dành cho người con của Phật trong ngày lễ trọng này. Trong buổi đi thăm và chúc mừng Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân Đại lễ Phật đản năm nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Đảng, nhà nước ta trước sau như một tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; luôn biết ơn những đóng góp, sự hy sinh to lớn của các tôn giáo nói chung, đặc biệt là Phật giáo nói riêng. Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc, thực hiện tốt đời, đẹp đạo.

Sự khẳng định đó không chỉ thể hiện qua các thành tựu Phật sự trên mà còn hiển hiện rõ qua hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước. Cùng với những cơ sở tự viện được xây dựng, trùng tu, những chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo cởi mở của Nhà nước đã tạo điều kiện cho các tăng ni, Phật tử được tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo – một quyền đã được Hiến pháp năm 2013 quy định “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều đó đã tạo cho các tôn giáo có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cung rước xá lợi Phật chào mừng Phật đản 2015
Cung rước xá lợi Phật chào mừng Phật đản 2015

Tối 31/5/2015, tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Chùa Quán Sứ, Hà Nội), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản 2015 (PL.2559) với các nghi thức rước xe hoa, cung nghinh Xá lợi Phật và cầu nguyện Quốc thái dân an.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN