Thông tin trên được đạo diễn Phan Điền, con trai nhà thơ Phan Vũ, cho biết vào sáng 17/7. Tang lễ của nhà thơ Phan Vũ sẽ diễn ra tại nhà tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh (đường Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Thời gian cụ thể sẽ được gia đình thông báo sau.
Nhà thơ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Khi mới 20 tuổi ông đã có mặt tại hai mặt trận ác liệt ở miền Đông và Tây Nam Bộ. Sau đó ông được cử vào Ban chấp hành Văn nghệ Nam Bộ. Năm 1954 ông ra Bắc, tham gia chỉ đạo Đoàn Văn công tổng hợp Nam Bộ tham gia Đại hội Văn công toàn quốc 1956. Sau đó ông về làm biên kịch cho Đội kịch Trung ương và tiếp đó là Xưởng phim Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, trở lại phương Nam, ông về công tác tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Phan Vũ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông được biết đến trong nhiều vai trò: nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh và họa sỹ. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông được công chúng mến mộ như: tập thơ "Hà Nội – Phố", kịch "Lửa cháy lên rồi" (giải thưởng Văn học năm 1955), "Thanh gươm và bà mẹ", kịch bản phim “Dòng sông âm vang”, tuyển tập thơ “Ta còn em”… Ông còn từng đạo diễn các phim nổi tiếng như “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”... Đầu những năm 1990, Phan Vũ vẽ tranh và có một số triển lãm chung và riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Trần Văn Tuấn chia sẻ: Nhà thơ Phan Vũ là người đa tài và tâm huyết với nghệ thuật. Ông vừa là nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn và sau này là họa sỹ. Ông hết sức say mê nghệ thuật, làm thơ tâm huyết, đạo diễn nhiều phim có tiếng vang.Tuy nhiên, nhiều người biết đến ông hơn cả với vai trò nhà thơ.
Họa sỹ Đỗ Hương, một người bạn thân thiết của gia đình nhà thơ, cho biết, nhà thơ Phan Vũ là người hào sảng, sống mạnh mẽ, nhân hậu, lãng tử và đầy cảm xúc nghệ sỹ. Ông hào sảng từ giọng nói đến cách nghĩ.
Nhà thơ Phan Vũ được công chúng nhớ và nhắc nhiều nhất qua tác phẩm “Em ơi, Hà Nội phố”, bài thơ sau này được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc và rất nổi tiếng.
Nhà thơ Phan Vũ viết "Em ơi, Hà Nội phố" vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún. Hồi đó, nhà thơ thân với họa sỹ Bùi Xuân Phái nên hay đi cùng ông Phái. Ông Phái vẽ phố, còn ông nghĩ về phố.
Trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” (hay nói chính xác là một bài thơ trường thiên) không chỉ có 21 câu như trong ca khúc của nhạc sỹ Phú Quang mà là khúc trữ tình dài 443 câu, được chia thành 24 đoạn. Trường ca này chủ yếu đến với độc giả qua con đường truyền miệng. Tác phẩm này được in một lần duy nhất vào năm 2008, tuy nhiên do ít phổ biến nên không được nhiều bạn đọc biết đến.
Trong lần trở lại mới nhất do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành năm 2017, bên cạnh bản “Em ơi, Hà Nội phố” trọn vẹn nhất, còn có bảy phụ bản do nhà thơ Phan Vũ vẽ và tám bức chân dung tự họa của ông, tạo thành tập trường ca giản dị, xúc động về Hà Nội.