Nhà thơ Bằng Việt: Thơ vẫn còn tri kỷ

Một ngày tháng 5, tôi lại thăm nhà thơ Bằng Việt sau những hẹn hò cách ngăn bởi dịch giã. Thật mừng là ở tuổi 81, nhà thơ vẫn mạnh khoẻ, giàu nhiệt huyết, nhạy bén và minh mẫn. Ông vừa từ miền Trung trở về sau khi tham dự hội thảo về thơ Hồ Xuân Hương. Trong câu chuyện về những năm tháng đã qua, ông nhắc về chuyến chúng tôi cùng sang Nga năm 2008 để tham dự Những ngày văn hoá Hà Nội tại Moskva cùng những kỷ niệm khác. 

Chú thích ảnh
Nhà thơ Bằng Việt (phải) và Nhà báo Trần Mai Hưởng- Moskva, 2008.

Bằng Việt là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1968, trong điều kiện gay go ác liệt của chiến tranh, việc xuất bản tập thơ Hương Cây-Bếp Lửa của Lưu Quang Vũ- Bằng Việt, hai nhà thơ tài hoa theo hai cách khác nhau, là một dấu ấn mạnh mẽ với bạn đọc và những người yêu thơ thời gian ấy .

Hình ảnh về người bà, về quê hương trong những vần thơ sâu lắng, thấm đượm ân tình của ông, cùng những bài thơ khác trong tập, làm ấm lòng những người lính trẻ trên những nẻo đường chiến trận:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!

                                             (Bếp lửa)

Sau tập thơ đầu tay, Bằng Việt tiếp tục cho ra mắt những tập thơ Đường Trường Sơn, cảnh và người ; Những gương mặt, những khoảng trời; Đất sau mưa, Khoảng cách giữa lời...

Nhiều bạn đọc còn nhớ mãi những câu thơ đẹp mang ký ức của một thời của ông:

Một thế hệ người làm thơ lại đã đi qua…
Thầm thì hoa sấu rơi, quả sấu rụng bàng hoàng trên mái cũ,

                                           (Trò chuyện với thành phố của đời mình)

Nhà thơ Bằng Việt là người được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, từng có mặt ở Trường Sơn trong chiến tranh, là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng văn học ở trong và quốc tế. Ông còn là một dịch giả, một nhà hoạt động văn hoá, một nhà quản lý nhiều kinh nghiệm. Nhiều năm ông là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Hà Nội, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp văn hoá ở thủ đô.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Bằng Việt (phải) tặng sách cho tác giả.

Nhưng sau tất cả, Bằng Việt vẫn là một nhà thơ nhiều suy tư, gắn bó với con người, cuộc sống. Trong cuộc gặp lần này, ông tặng tôi tập Thơ Bằng Việt, 1986-2016 (Nxb Văn Học, 2020). Đây là tuyển thơ Bằng Việt trong thời kỳ Đổi mới, được chọn từ 5 tập thơ: Phía Nửa Mặt Trăng Chìm (1995), Ném Câu Thơ Vào Gió (2001), Thơ Trữ Tinh (2002), Nheo Mắt Nhìn Thế Giới (2008) và Oẳn Tù Tì (2016).

Những bài thơ trong tuyển tập mang dấu ấn về một thời kỳ rất quan trọng trong lịch sử đất nước và mỗi con người Việt Nam, hàm chứa nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ, được sắp xếp thành các phần: Bất chợt từ tâm trạng, Những ấn tượng không ranh giới, Sợi chỉ nối về quá khứ, Muôn mặt chuyện đời và Khoảnh khắc trải nghiệm.

Chú thích ảnh

Trong tuyển thơ này còn in những cảm nhận về thơ Bằng Việt của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nghiên cứu. Xin trích một số ý kiến về thơ ông qua các bài viết trong tập: Nhà thơ Bình Nguyên Trang cho rằng “Thơ Bằng Việt là thế giới tinh thần của cả một thế hệ mang trên vai nỗi đa đoan và sự hứng khởi, vận mệnh tràn ngập niềm vui và quặn đau thao thức của đời sống nửa sau thế kỷ 20”. Nhà phê bình Văn Tâm cảm nhận: “Do thi tứ chân thành nên Bằng Việt được tin yêu, từ đó tăng thêm năng lực thâm nhập thâm hồn người đọc”. Nhà văn Thiên Sơn nhận xét "Bằng Việt là vậy, đa diện, đa tài, đa đoan. Đấy là nhà thơ để lại dấu ấn riêng trong thế hệ mình bởi một thứ thơ sang trọng, hài hoà giữa lý trí và cảm nhận".

Thật đáng trân trọng tấm lòng nhà thơ lão thành Bằng Việt, ở tuổi ngoài bát thập, hơn 60 năm tâm huyết, gắn bó với thơ, có nhiều thành công được ghi nhận mà vẫn đau đáu, khắc khoải nỗi băn khoăn về sứ mệnh của Thơ với Con Người và Cuộc Sống:

Thơ có còn tri kỷ nữa hay không
Đời đột biến mà thơ đi quá chậm
Đời hết sức thẳng thừng. Thơ vòng vèo, lẩn thẩn...
Đời trả giả hết mình, thơ khi nhớ khi quên...

Và:

Cao đạo để làm chi? U uẩn để làm chi?
Những khám phả nhỏ nhoi sánh đâu tầm vũ trụ?
Ngàn gay cấn rát lòng... Thơ vẫn là ngoại trú.
Thơ có còn tri kỷ nữa hay chăng?!

                                                           (Lại nghĩ về thơ)

Với những băn khoăn như thế, câu hỏi đã là sự trả lời. Chúc nhà thơ Bằng Việt luôn mạnh khoẻ, dồi dào năng lượng sáng tạo để viết tiếp những vần thơ tri âm tri kỷ với đông đảo bạn đọc yêu mến thơ ông!

Trần Mai Hưởng
Nhà thơ Hoàng Cầm: Tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại
Nhà thơ Hoàng Cầm: Tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại

Nhà thơ Hoàng Cầm là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, được mệnh danh là nhà thơ của vùng đất Kinh Bắc. Thơ ông hấp dẫn các thế hệ người đọc khác nhau, vì ngoài những tìm tòi cách tân về nghệ thuật, ông vẫn giữ cho riêng mình một vốn ngôn ngữ và hình ảnh đặc trưng Kinh Bắc, độc đáo, tài hoa. Ông sinh ngày 22/2/1922, cách đây tròn 100 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN