Nhà máy xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội trở thành các tổ hợp sáng tạo

Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội sẽ được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo nhằm đánh thức di sản để tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển Thủ đô.

Đây là điểm nhấn chính trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 nhằm khơi “dòng chảy” di sản, nhất là các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo đặc sắc.

Chú thích ảnh
Pavilion “Không gian Kiến trúc và Nghệ thuật Phân xưởng nóng” (bản phác họa). Ảnh: BTC cung cấp

Nhà máy xe lửa Gia Lâm lần đầu được biết đến với tư cách một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhờ vào việc cải tạo, thiết kế, sắp đặt các không gian nhà xưởng, kho bãi thành những không gian nghệ thuật, đồng thời với việc tổ chức hàng loạt hoạt động sáng tạo. Hệ sinh thái nhà máy bao gồm các phân xưởng 3B1, 3B2, 5B hay trạm điện 33B... sẽ được biến đổi để trở thành các không gian triển lãm với 16 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ. 

Các không gian Pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động...) mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn khác biệt, một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật. Trong đó, kho 10B của nhà máy cũng được biến đổi trở thành Pavillion Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại”. Pavilion triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp của Hà Nội và khai phá tinh thần sáng tạo thông qua việc đổi mới thiết kế không gian, tạo ra những giá trị văn hóa mới.

Tại phân xưởng gia công nóng B1, TOOB Studio thiết kế nên Pavilion “Không gian Kiến trúc và Nghệ thuật Phân xưởng nóng” để trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam. Tại đây, các chương trình nghệ thuật như: Trình diễn sân khấu Graffiti ''King Royal Pride 2023" thực hiện bởi Diton Kin, trình diễn âm thanh “Âm cảnh Ga Hà Nội” bởi nghệ sĩ Trí Minh hay trình diễn nghệ thuật “Đối thoại Đôi bờ” sẽ đem đến những trải nghiệm “đánh thức” di sản công nghiệp gần 120 năm tuổi. 

Chú thích ảnh
Không gian kiến trúc Pavilion “Bến chờ”. Ảnh: BTC cung cấp

Khu vực Cầu lăn chìm của nhà máy sẽ được biến đổi thành không gian kiến trúc Pavilion “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạch - Công ty kiến trúc nội thất AVALO thực hiện. “Bến chờ” có chức năng làm công trình biểu trưng cho Lễ hội và là sân khấu chính của các sự kiện. Thiết kế Pavilion kiến trúc “Bến chờ” được lấy cảm hứng từ ký ức của nhà ga đường sắt, nơi trung chuyển, nơi mang đến ký ức buồn vui qua những cuộc chia li, đợi chờ… Đây là một thiết kế sân khấu tương tác ngoài trời của các nghệ sĩ và công chúng, là nơi diễn ra chương trình nghệ thuật “Khơi dòng”.

Ở các hoạt động nghệ thuật trình diễn, lần đầu tiên âm nhạc, thời trang được mang lên không gian nhà máy cũ này. Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như: Trình diễn cổ phục "Vân Long lưu vũ", show nhạc Rock "Dòng chảy", show Acoustic "Giai điệu tự hào", trình diễn âm thanh “Âm cảnh Ga Hà Nội” hay trình diễn nghệ thuật "Đường trường", "Đối thoại Đôi bờ”…

Nhiều triển lãm cũng được trưng bày tại không gian sáng tạo của Nhà máy xe lửa Gia Lâm như: "Thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian Ga”, triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2”, triển lãm tư liệu “Thủy phủ”, sắp đặt hội họa “Tiếng gọi”…

Chú thích ảnh
Triển lãm Thủy Phủ diễn ra tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: BTC cung cấp

Đặc biệt, triển lãm “Thí điểm kiến trúc và sắp đặt không gian Ga” được thực hiện bởi kiến trúc sư Đặng Ngọc Tú và cộng sự, còn được diễn ra tại 3 địa điểm: Ga Long Biên, ga Gia Lâm, ga Hà Nội. Đây là triển lãm đầu tiên được phối hợp thi công, sắp xếp giữa 3 nhà ga có tuổi đời lịch sử. Thí điểm kiến trúc, sắp đặt không gian này sẽ mang đến những hình ảnh mới mẻ về việc định hình 3 nhà ga dưới một vài góc nhìn cục bộ nhưng toát lên tinh thần di sản không bị chi phối bởi môi trường xung quanh. Đó còn là góc nhìn kết hợp hài hòa giữa kiến trúc, nghệ thuật đường phố, trưng bày, coi di sản là một phần chính trong nghệ thuật đời sống.

Trong dịp này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng tổ chức tuyến tàu di sản ga Hà Nội - Long Biên - Gia Lâm. Tuyến tàu trải nghiệm kết nối hai bên bờ sông Hồng, xuất phát từ nhà ga Hà Nội, đến ga Long Biên, qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động sáng tạo. Được biết, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường các toa tàu nghệ thuật đặc biệt, trên đó trưng bày các tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm “Chuyển động ngoại biên #2”.

Những hoạt động sáng tạo trên nền di sản công nghiệp thực sự là cơ hội tạo ra những trải nghiệm mới, biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo. Với tầm nhìn này, Nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhiều di sản công nghiệp khác hoàn toàn có thể trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo hấp dẫn.

Đinh Thuận (TTXVN)
Giữ hồn cốt và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Khu Di sản Tràng An
Giữ hồn cốt và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Khu Di sản Tràng An

Ngày 3/11, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Vùng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN