Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2009-2014 được đánh giá là một mùa giải thành công. Ban tổ chức đã nhận được gần 500 tác phẩm của các tác giả. Sau vòng sơ loại và chung khảo, đã có 32 tác giả đoạt giải thưởng cho hai thể loại thơ và văn xuôi.
Để từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH; từ năm 2009, Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã “bắt tay” thực hiện chương trình “Xây dựng và phát triển văn học về đề tài công nhân và công đoàn giai đoạn 2009-2020”. Giai đoạn đầu của cuộc phát động sáng tác viết về đề tài này được thực hiện từ năm 2009 - 2014. Cuộc vận động khuyến khích nhiều đối tượng tham gia, từ các nhà văn, các cây bút chuyên nghiệp cho đến công nhân, công đoàn đều có thể gửi tác phẩm đến ban tổ chức.
Trao giải cho những tác giả đoạt giải về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2009 - 2014. |
Theo nhà văn Đào Thắng, Trưởng ban Văn học chuyên đề, Hội Nhà văn Việt Nam, các tác phẩm đoạt giải vẫn đi theo mạch nguồn về đề tài công nhân, đề tài từng “phát sáng rực rỡ vào các thập niên 60, 70 của thế kỷ XX với nhiều tên tuổi và tác phẩm xuất sắc còn vang mãi đến ngày nay”. Các tác phẩm đã phản ánh đậm nét đời sống của những người thợ mỏ, lái xe, công nhân trong các khu công nghiệp; các cán bộ công đoàn tâm huyết, tận tụy…
Điều đáng trân trọng là, những tác giả đoạt giải cao lại chính là những người từng trải qua những năm tháng vất vả, gian khổ của những người công nhân, những người thợ thực thụ. Trong đó, nhà văn Trần Tâm, tác giả của tiểu thuyết “Đất bỏng”, đoạt giải nhất thể loại văn xuôi, từng có hơn 30 năm làm thợ mỏ ở Quảng Ninh. Tác giả Hoàng Việt đoạt giải nhất thơ với tác phẩm “Xóa hay không xóa” từng là thợ xây dựng; và khi chồng chị - nhà văn người lính Triệu Bôn bị đột quỵ, chị đã kiếm sống nuôi chồng bằng tiền công của người thợ bốc vác.
Tác giả trẻ, nhà văn Dương Thị Thu Hường đã gửi dự thi cả tiểu thuyết, tập thơ, tập truyện ngắn và ký tham gia là công nhân khâu giầy tại khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai. Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng, tác giả tiểu thuyết “720 góc luân hồi” (Giải nhì thể loại văn xuôi) đang là thợ lái cẩu tại Hải Phòng…
“Chúng ta hoan nghênh và cảm ơn những nhà văn, những tác giả đẫm mình bụi than, áo lấm bùn đất, nung người trong xe bò tót, trên máy cẩu với trí tuệ của những người công nhân trí thức của thời kỳ CNH-HĐH và với tài năng của những nhà văn nghệ chính hiệu và chân chính”
(Nhà văn Đào Thắng) |
Nhà thơ, cựu chiến binh Đặng Bá Tiến, tác giả của trường ca “Rừng cổ tích” (giải nhất thể loại Thơ) nguyên là phóng viên báo Lao động thường trú tại Tây Nguyên. Gần 30 năm gắn bó với Tây Nguyên (có thời gian là công nhân lâm nghiệp) thì văn hóa Tây Nguyên và rừng Tây Nguyên là hai thứ ông quan tâm hơn cả. “Hai vấn đề này gắn với nhau rất chặt chẽ. Nhưng văn hóa Tây Nguyên thì đang biến dạng, rừng đang tan tác. Thời kỳ tuổi trẻ bận bịu với những tin bài thời sự cho tòa soạn, nghỉ hưu gần hai năm nay mới dành thời gian viết trường ca “Rừng cổ tích”, chính là đề cập đến hai vấn đề này”, nhà thơ Đặng Bá Tiến cho biết. Nhân vật chính của trường ca là anh lính xứ Nghệ yêu văn hóa và rừng Tây Nguyên. Khi chiến tranh kết thúc, anh đã tình nguyện ở lại trồng rừng và bảo vệ rừng, cống hiến hết cả thời thanh xuân cho mảnh đất này.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, giải ba thể loại thơ với trường ca “Những người bốc vác” viết về những người bốc vác ở vùng đất cảng Hải Phòng quê hương với đầy trắc ẩn. Công việc vất vả, chế độ đãi ngộ thấp, cả một thời gian dài trong chiến tranh chỉ có một mức lương khởi điểm. Nhưng những người bốc vác đã đóng góp rất nhiều vào các công trình của đất nước. Trong khi những vận động viên cử tạ được tung hô thì họ có những thành tích âm thầm. Đó là những người tìm được giới hạn của chính mình với trọng lượng.
“Tôi từng đi bốc vác để kiếm tiền. Trong tôi có một người bốc vác và tôi muốn chia sẻ điều đó”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho hay. Trường ca này cũng đã được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đưa vào cuốn Trường ca ngắn - Kịch thơ, ra mắt bạn đọc cách đây vài tháng.
Rõ ràng, sự trải nghiệm, vốn sống, và cả sự dấn thân, cộng với niềm say mê văn học của các tác giả đã để lại cho đời những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đầy chân thực và sinh động. Mảng đề tài về công nhân, công đoàn đã thực sự tìm được “mỏ vàng” khi có những tác giả cũng chính là những người thợ cần mẫn trong nhà máy của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Ban tuyên giáo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc vận động sáng tác giai đoạn 2009 - 2014 cần được phổ biến rộng rãi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động. Thông qua các tác phẩm này nhằm cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, đặc biệt là những quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng về “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng;… đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”. Cuộc vận động sáng tác về đề tài này sẽ còn tiếp tục được thực hiện ở giai đoạn tiếp theo (từ năm 2015 - 2019) để hình thành hệ thống những tác phẩm văn học mới ca ngợi giai cấp công nhân và người lao động trong thời đại mới.
Bài và ảnh: Hoàng Linh