Người quảng bá văn hóa đồng quê Việt ra thế giới

Múa rối nước là một môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc, riêng có của người Việt Nam mà không một nơi nào khác trên thế giới có được.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm và mô hình múa rối nước thu nhỏ tại nhà. Ảnh: dantri.com.vn

Ra đời từ nhiều thế kỷ trước từ làng quê, đến nay múa rối nước đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của người Việt Nam. Vượt ra khỏi biên giới Tổ quốc, múa rối nước đã trở thành niềm tự hào của người Việt khi quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nghệ sỹ múa rối Phan Thanh Liêm cũng đã góp phần đưa rối nước đến với nhiều nước trên thế giới với sân khấu múa rối mi ni – một mô hình độc đáo riêng có ra đời từ tâm huyết của người gắn bó với nghệ thuật truyền thống của dân tộc…

“Sứ giả của nghệ thuật đồng quê Việt”

Ngày Gỗ nghệ thuật thế giới diễn ra hàng năm vào ngày 21/3 để tôn vinh vai trò quan trọng của gỗ trong đời sống và quảng bá các sản phẩm văn hóa do con người sáng tạo từ gỗ. Thông qua đó, người nghệ sỹ thể hiện tài năng sáng tạo đặc biệt của mình và góp phần quảng bá văn hóa đất nước.

“Rễ” là chủ đề của Ngày Gỗ nghệ thuật thế giới năm 2017 sẽ diễn ra tại Loong Beach, California, Mỹ từ ngày 19-27/3/2017. Đây cũng chính là nơi mà nghệ sỹ rối nước Phan Thanh Liêm cùng các “con cưng” của mình trình diễn với tư cách khách mời danh dự, một cơ hội quảng bá rộng rãi cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Những ngày này, Phan Thanh Liêm đang rất bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi sang đất Mỹ. Anh chia sẻ: Sau nhiều năm hoạt động trong nghề múa rối truyền thống anh nhận ra sân khấu rất cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn ít người. Thế nên anh bắt tay mày mò thiết kế sân khấu rối nước thu nhỏ từ những năm 1990. Sau 10 năm lao tâm khổ tứ, phải đến năm 2000, sân khấu rối nước mini chính hiệu “made in Phan Thanh Liêm” mới ra đời. Một năm sau đó, khán giả yêu rối nước bắt đầu được thưởng thức chương trình đầu tiên.

Dưới bàn tay, tâm huyết của người nặng lòng với rối nước, sân khấu rối nước mini vẫn giữ nguyên được những yếu tố cơ bản rối nước truyền thống, nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều. Toàn bộ thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1m2, chứa khoảng 2/3m3 nước, con rối cao nhất chỉ 20cm và chỉ cần 1 người biểu diễn. Tất cả sân khấu, đạo cụ... có thể tháo lắp dễ dàng trong thời gian ngắn, thậm chí có thể xếp trong một chiếc hòm để đèo bằng xe máy. Với sân khấu rối nước thu nhỏ này, một mình Phan Thanh Liêm đảm đương mọi công đoạn, từ tạo hình con rối, lắp ráp, hậu đài, điều khiển con rối...

Cứ thế, suốt 16 năm qua, Phan Thanh Liêm cùng sân khấu múa rối thu nhỏ độc đáo rong ruổi biểu diễn không chỉ trên dải đất hình chữ S thân thương mà còn đến với nhiều ngày hội văn hóa ở Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Canada, Italy, Ba Lan... Phan Thanh Liêm được ví như là “sứ giả của nghệ thuật đồng quê Việt”. Đến thời điểm này, anh cũng là nghệ sĩ múa rối hoạt động độc lập đầu tiên của Việt Nam gặt hái nhiều thành công ở nước ngoài.

Cũng từ nhiều năm nay, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm mở sân khấu rối nước mini ngay tại căn nhà anh và gia đình đang ở trong một ngõ nhỏ phố Khâm Thiên, Hà Nội. Tại đây, khán giả không chỉ được xem biểu diễn múa rối nước mà còn được khám phá rối nước từ cách làm con rối, điều khiển rối cho đến việc được trải nghiệm cách sinh hoạt, làm nghệ thuật của một nghệ sĩ múa rối nước thực thụ.

Tham gia Ngày Gỗ nghệ thuật thế giới 2017, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sẽ trình diễn múa rối nước cũng như trưng bày, giới thiệu cách chế tác con rối. Cùng đi với với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là nhà điêu khắc Phan Văn Hùng. Trong nhiều năm qua, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của cô gái trẻ Hương Giang – cháu nội của nhạc sĩ Hoàng Giác, cháu họ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Cô là chủ nhân một quán hàng ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh – nơi có một sân khấu múa rối nước mini phục vụ miễn phí cho thực khách có nhu cầu xem rối nước.

Bảy thế hệ nối nghề

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đang tạc những pho tượng, con rối. Ảnh: dantri.com.vn

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm luôn tự hào cho rằng chính tình yêu đối với nghệ thuật rối nước cổ truyền đã thôi thúc anh sáng tạo, đổi mới để làm phong phú hơn cho nghệ thuật truyền đời độc đáo của cha ông ta. Tình yêu với múa rối của anh được vun đắp bởi truyền thống của gia đình. Đến đời anh là đời thứ 7 gia đình làm nghề múa rối nước.

Phan Thanh Liêm sinh ra tại thôn Rạch, xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nơi đây là một vùng quê có truyền thống về nghệ thuật múa rối nước dân gian lâu đời. Đây cũng là một trong những “nôi gốc” về múa rối nước cổ truyền của Việt Nam. Ông nội anh là nghệ nhân Phan Văn Huyên, từng là bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình rối nước truyền thống.

Cha anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, là người đã góp công đào tạo nghệ thuật của rối nước truyền thống cho nhiều thế hệ diễn viên của Nhà hát múa rối nước Trung ương và của các địa phương. Ông cũng là người góp công nghiên cứu tạo tác ra nhiều trò rối nước và thiết kế thành công mô hình sân khấu múa rối nước di động. Nhà thủy đình di động do ông thiết kế nay vẫn được các nhà hát múa rối nước từ Trung ương đến các địa phương sử dụng. Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng đã trưng bày “Chú Tễu” một con trò rối nước do ông tạo tác…

Từ khi còn nhỏ sống ở làng quê, Phan Thanh Liên đã được ông nội và cha kèm cặp, dạy những bí quyết tạo hình con rối, kỹ thuật máy rối, cách thức biểu diễn các trò rối nước làm hấp dẫn người xem. Học tập tinh hoa của ông cha, sân khấu rối nước thu nhỏ ra đời đã góp phần giúp Phan Thanh Liêm hiện thực hóa mong ước của người nghệ sỹ: Đưa rối nước đến gần hơn với công chúng, vượt ra khỏi biên giới nước nhà, đến với bạn bè 5 châu để người người được biết đến nét văn hóa độc đáo của làng quê Việt Nam. Và rõ ràng, mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không nhỏ hẹp như trường học, cơ quan, gia đình… Đặc biệt, mô hình này cực tiện lợi khi biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa và biểu diễn ở nước ngoài.

Với mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ, khoảng cách giữa sân khấu và khán giả cũng xích lại gần hơn. Người nghệ sĩ biểu diễn và công chúng khán giả có cơ hội để giao lưu giới thiệu, tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cũng khẳng định: Với sân khấu thu nhỏ, khoảng cách từ cánh tay người biểu diễn tới con rối ngắn hơn, các con rối được tạo tác nhỏ hơn sẽ nhẹ hơn giúp diễn viên điều khiển con rối sinh động hơn, hấp dẫn hơn .. .

Song song với việc tiếp tục khai thác, phục hồi các trò rối nước dân gian truyền thống của ông cha, Phan Thanh Liêm tìm tòi và sáng tạo ra những trò rối nước mới, phản ánh được những vấn đề của con người và cuộc sống hôm nay như văn hóa giao thông, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường sống…Anh luôn tâm niệm phải đứng thật vững trên nền tảng truyền thống mới có thể tìm tòi, sáng tạo các tiết mục mới, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật múa rối nước của công chúng khán giả trong nước và đưa múa rối nước cổ truyền của Việt Nam vươn xa tới các châu lục.

Thanh Giang (TTXVN)
Cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa rối nước
Cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa rối nước

Suốt 25 năm qua, ông Phùng Quang Oánh (46 tuổi), nghệ nhân làm con rối nước duy nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn miệt mài cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN