Mỗi bức ảnh là chân dung một con người, một câu chuyện đời, cứ thế, con người Hà Nội, cuộc sống ở Hà Nội được thể hiện một cách giản dị, đời thường nhất qua những bức ảnh của các bạn trẻ thuộc dự án “Humans of Hanoi” (tạm dịch: Con người Hà Nội).
Từ tình yêu Hà Nội
“Humans of Hanoi” lấy cảm hứng từ “Humans of New York” của nhiếp ảnh gia người Mỹ Brandon Stanton. ”Humans of New York” với hàng nghìn bức ảnh chân dung về những con người tại thành phố lớn nhất nước Mỹ, đã trở thành tác phẩm nổi tiếng được yêu thích nhất. Trưởng nhóm Freely Team Hà Nội, Trần Quang Tuấn (sinh năm 1990) cho biết: “Chính sự giản dị trong từng bức ảnh, từng con người của “Humans of New York” đã gợi mở ý tưởng thực hiện “Humans of Hà Nội” của nhóm, vì chúng mình đều yêu thích chụp ảnh, yêu Hà Nội, muốn bạn bè trong và ngoài nước hiểu về Hà Nội một cách gần gũi nhất”.
“Làm công việc này nguy hiểm chứ! Cái nghề là cái nghiệp, nguy hiểm cũng phải chấp nhận thôi em ạ, mình không dấn thân thì sao có thể bảo đảm lưới điện thông suốt cho dân được”. |
Khi bắt đầu thực hiện “Humans of Hanoi” vào tháng 2/2014, nhóm của Tuấn gồm có 5 người bạn Việt Nam và một người bạn Ôxtrâylia gốc Việt. Tất cả đều chưa được qua đào tạo về nhiếp ảnh hay viết báo, nhưng đều là những người trẻ đam mê chụp ảnh. Đa phần các thành viên đều thuộc thế hệ 9x, người trẻ tuổi nhất còn đang là học sinh, cũng có những người đã đi làm.
Mỗi bức ảnh của nhóm là một chân dung con người bắt gặp trên đường phố, hay bất cứ nơi nào tại Hà Nội. Không thể phủ nhận rằng sức hút của những tấm ảnh trong “Humans of Hanoi” chính là chú thích ảnh. Đi kèm với từng nhân vật, là những chú thích chia sẻ cảm xúc, câu chuyện của người trong ảnh bằng song ngữ Việt - Anh, tạo nên một bức tranh đa dạng, đầy màu sắc về cuộc sống của con người Hà Nội.
“Anh làm than cả ngày, mệt thì mệt thật mà chỉ cần về ăn cơm nhà là lại thấy khỏe ra ngay”. |
Nhìn vào mỗi bức ảnh, tưởng như sẽ thật đơn giản để thực hiện nhưng sự thật lại chẳng hề dễ dàng. Trong khoảng một tháng đầu tiên, các bạn trẻ trong nhóm đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận mọi người, làm sao để họ đồng ý cho chụp ảnh và chia sẻ câu chuyện của mình. “Nhiều người e ngại, thậm chí nghi ngờ, cảnh giác về hành động của bọn mình. Nhiều người nhìn bọn mình với ánh mắt kỳ lạ, không ít người thẳng thắn từ chối, xua đuổi, có những người đồng ý trò chuyện song không cho chụp ảnh”, Tuấn cho biết. Tuy nhiên, đến nay, sau 6 tháng thực hiện, nhóm đã thực hiện được hàng nghìn bức ảnh chân dung về hàng nghìn con người khác nhau sống tại Thủ đô Hà Nội. Chia sẻ bí quyết, Tuấn cho biết: “Bí quyết thật ra không có gì, đó chỉ là sự chân thành. Khi mình chân thành và cởi mở với mọi người thì sẽ đón nhận được những điều tương tự”.
Một điều đặc biệt tạo nên nét độc đáo trong từng bức ảnh của “Humans of Hanoi” chính là nước ảnh rất trong, màu ảnh có phần cũ kỹ, rất phù hợp với những nét trầm lắng của Hà Nội ngàn năm, bởi đa phần các thành viên trong nhóm đều chụp bằng máy phim. “Đó không phải là cách cố tình để tạo dấu ấn, mà chúng mình đã làm bằng tất cả những gì mọi người có. Từ tiền mua phim, tráng và rửa ảnh đều do các thành viên tự bỏ tiền túi ra thực hiện. Vì không nghĩ đây là công việc đơn thuần phải làm, mà là đam mê, sự yêu thích, nên không ai nề hà gì”, một thành viên của nhóm Freely Team chia sẻ.
Mỗi người một câu chuyện
Không quản ngại nắng, mưa, ngày, đêm, các thành viên đều hăng hái ghi lại cuộc sống qua ống kính. Với mỗi con người khác nhau, nhóm sẽ có những câu hỏi khác nhau để tạo sự đa dạng cho các câu chuyện. Một thành viên trong nhóm chia sẻ, có đêm Hà Nội mưa to, nhưng những người lao công vẫn chăm chỉ là việc, thế là bạn cũng đội mưa xuống chụp ảnh và chia sẻ câu chuyện với họ: “- Nửa đêm rồi, lại mưa thế này, sao chị không đi trú mưa ạ? - Đã sẵn ướt rồi thì ướt một thể luôn em ạ. Một giờ sáng là xe rác đến, mình phải làm cho xong. - Làm nghề vất vả thế này, chị có bao giờ muốn từ bỏ nó không? - Giờ mình không có bằng cấp; kiếm được công việc tử tế, thu nhập ổn định là tốt lắm rồi. Đã là công việc thì mình phải có trách nhiệm làm cho xong thôi. Mà nhé, mưa càng to mình càng phải làm, vì nếu không rác sẽ trôi đi, tắc hết cống em à”.
“Có lần tôi tới Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đã chứng kiến những người trẻ chơi violin và kèn, tôi nhận ra một điều là mặc dù thế hệ cha ông của các bạn phải chiến đấu với người Mỹ và người Pháp nhưng họ vẫn có thể nghĩ đến việc gửi con em mình tới trường học nhạc. Còn những nước khác, khi họ lâm vào chiến tranh họ chỉ nghĩ tới việc làm cách nào để chiến thắng mà không bao giờ nghĩ tới nghệ thuật hay âm nhạc, đó là điều tôi muốn gửi gắm đến các bạn. Dân tộc các bạn thật tuyệt vời”. |
Hay câu chuyện về một phụ nữ suốt 22 năm nay, ngày nào cũng đưa người con bị bệnh ra phơi nắng với những chia sẻ thật sự thấm thía: “Ngày nào cũng vậy, cô đưa em ra đây suốt 22 năm qua, để em được hít thở không khí trong lành, tắm dưới ánh nắng mặt trời. Nhiều lúc cô cũng cảm thấy buồn lắm chứ, nhưng cô nghĩ em nó còn buồn hơn cô. Bản thân là người mẹ sinh con ra chẳng lẽ lại vứt ra đường, nên cô luôn tự nhủ mình phải thương con 10".
Từ những chân dung con người cụ thể, những cuộc đời cụ thể, Hà Nội hiện ra với những nét gần gũi và mộc mạc nhất. Và cũng từ chính những con người ấy, mà các thành viên của nhóm cũng học được nhiều điều. Trưởng nhóm Freely Team chia sẻ: “Đằng sau mỗi con người là những câu chuyện rất hay và chính những con người bọn mình gặp gỡ, nghe họ chia sẻ câu chuyện đã giúp các thành viên của nhóm thay đổi nhiều điều, về cách nhìn nhận cuộc sống và cách vươn lên trước những khó khăn”. Khi mới thành lập, Freely Team chỉ có duy nhất một thành viên nữ, ban đầu cô khá mông lung về quyết định chọn nghề và con đường tương lai. Ðiều đó đã khiến cô trở nên khó gần, ít cởi mở và sống khép kín, thậm chí rơi vào tình trạng bế tắc. Tuy nhiên, sau khi tham gia dự án, tiếp xúc với nhiều người, nghe câu chuyện của họ thì bạn nữ ấy đã thay đổi. Đến nay, cô cùng một thành viên trong nhóm đã mở một studio chụp ảnh riêng.
Các thành viên dự án “Humans of Hanoi”. Ảnh: Humans of Hanoi |
Còn với bản thân Tuấn, một kỷ niệm mà có lẽ cậu sẽ không bao giờ quên, đó là lần đầu tiên khi Tuấn đến khu dân nghèo ở gầm cầu Long Biên vào một ngày mùa đông rất lạnh. Một cậu bé chỉ mặc một chiếc áo phông dưới trời rét cắt da cắt thịt đã dẫn đường đưa Tuấn vào khu nhà này. Đó là dãy nhà lụp xụp, ẩm ướt, Tuấn đã gặp một phụ nữ tên Chinh, hơn 50 tuổi, quê Hưng Yên, sống tại đây và đã mưu sinh bằng nghề bán hoa quả hỏng, rửa bát thuê, bốc vác... nhiều năm. “Tôi hỏi: “Điều hạnh phúc nhất của cô là gì”, người phụ nữ đó tươi cười nói: “Cô yêu cuộc sống này lắm, cô vất vả đến mấy nhưng 3 đứa con cô đều học giỏi.
Đứa cả thì đang ở bên Nga học cao học, 2 đứa kia đều vào những trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Đấy! Cuộc sống có vất vả thế nào nhưng cô vẫn sẽ cố gắng kiếm tiền lo cho chúng nó ‘tới nơi tới chốn’, thế là cô hạnh phúc lắm rồi”, nghe cô kể chuyện, nhìn vào căn phòng chật hẹp vài m2 chỉ có duy nhất chiếc giường là tài sản quý giá nhất, mình nhận thấy cuộc sống này có quá nhiều điều tốt đẹp”, Tuấn chia sẻ.
Sau vài tháng đi vào hoạt động, với hàng triệu lượt thích, thể hiện sự yêu thích của cộng đồng mạng đối với dự án, nhóm đã thực hiện buổi triển lãm nhỏ tại Hà Nội. Sau hơn 30 ngày mở triển lãm, “Humans of Hanoi” đã đón nhận gần 5.000 người tham dự. Có kẻ cười, người khóc, có người đạp xe hàng chục km, vượt mưa bão đến tham dự triển lãm, đó chính là những động lực lớn lao để nhóm tiếp tục thực hiện “Humans of Hanoi”.
Chia sẻ về dự định tương lai, Tuấn cho biết: "Humans of Hanoi” là một dự án phi lợi nhuận, được thực hiện bằng lòng đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đến giờ nhóm đã có hơn 20 thành viên, tương lai của Humans of Hanoi là do chính các thành viên quyết định, nhưng dù có thay đổi theo hướng nào đi nữa, thì sự chân thành, nhiệt huyết và gắn kết, sẽ luôn là điều mà “Humans of Hanoi” duy trì”.
Thu Trang