Người giữ nét văn hóa Vân Kiều trên đất Quảng

Ông Hồ Văn Thương, bản Khe Dây, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là trưởng họ của một trong hai họ lớn nhất của người Vân Kiều tại Quảng Bình và cũng là một trong những người còn lưu giữ và rành chơi các loại đàn truyền thống như: Sáo, khui, cập a chung, kèn ca lui... của người Vân Kiều nơi đây. Qua gần nửa thế kỷ, ông đã lưu giữ và nâng niu các nhạc cụ này như một thứ không thể chia lìa với đời sống văn hóa bản làng. Ông được bà con yêu mến gọi là người giữ hồn cho các nhạc cụ dân tộc Vân Kiều trên đất Quảng Bình.

Mảnh đất rộng phía đầu bản là nơi để tất cả mọi người tụ hội trong những dịp lễ, Tết. Nơi đó, mỗi khi lễ hội diễn ra là lúc tiếng đàn, tiếng sáo... của người Vân Kiều lại nổi lên. Ai ai cũng chan chứa niềm vui và hòa mình trong lời ca tiếng hát. Những ngày đó, người đàn ông nhỏ thó Hồ Văn Thương lại mang những nhạc cụ truyền thống mà bấy lâu nay vẫn gìn giữ trong nhà ra để già, trẻ, gái, trai cùng nhau ca múa, vui hội.

Ông Hồ Văn Thương - người giữ hồn cho các nhạc cụ dân tộc Vân Kiều trên đất Quảng Bình. Ảnh: Nguyễn Đức Thọ


Ông Thương kể, xưa kia, các nhạc cụ này được chơi phổ biến và nhiều người biết chơi, nhưng dần dần khi kinh tế ngày càng phát triển và nhiều mảng văn hóa khác du nhập vào cộng đồng người Vân Kiều, các lớp trẻ dần quên đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của bản làng mình. Thế nhưng, người đàn ông 64 tuổi này đã cố gắng gìn giữ và vào các dịp sắp có lễ lớn ông lại đem các loại nhạc cụ gìn giữ được và khuyến khích đám thanh niên trong làng tập chơi và biểu diễn trong ngày lễ hội.

Ông Đặng Văn Bình, Bí thư chi bộ xã Trường Xuân cho biết: Hầu như trong hơn 740 người dân Vân Kiều ở nơi đây, duy nhất chỉ có ông Thương còn giữ lại được những loại nhạc cụ truyền thống và ông cũng là một trong những người thể hiện các điệu nhạc và khúc hát trong các ngày lễ lớn của bản làng.

Trong căn nhà sàn của ông Hồ Văn Thương, một loạt các loại nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều được ông gìn giữ, bảo quản và đặt nơi trang trọng nhất. Ông Thương cho biết: Trong các ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Vân Kiều như: Tết cổ truyền, mừng lúa mới, lễ đâm trâu, cưới hỏi... hòa cùng với các làn điệu hát, điệu múa là sự xuất hiện âm thanh của các nhạc cụ sáo khui, cập a chung, kèn ca lui... biến đổi theo tâm trạng của người hát.

Năm xưa, khi chàng thanh niên Hồ Văn Thương bắt đầu múa hát và chơi được tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều thì cũng là lúc ông cuốn hút được người phụ nữ của riêng mình. Ông kể: Vào ngày đầu của mùa xuân đến, khi mọi người tập trung ở khoảng đất trống trong bản để vui lễ hội, ông đã gặp được một người con gái xinh đẹp như nụ hoa vừa mới nở. Ông đã tiến đến và cất lên bài hát về tình yêu để tán tỉnh, yêu đương và rồi người con gái đó đã cảm tiếng hát, tiếng nhạc của ông mà về làm vợ ông đến hôm nay. Trong căn nhà nhỏ, tiếng sáo cất lên ông đã hát lại bài hát năm xưa khi ông đã hát để cảm bà. Bài hát “Hoa bay bướm lượn”: Em ví như loài hoa/Hoa đến kỳ thì hoa nở/Anh ví như con bướm/Ngày ngày lượn lờ bên hoa/Và tình yêu bắt đầu từ đó/Và chúng ta sẽ thuộc về nhau...

Những câu ca lời hát kèm theo tiếng nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều đến nay vẫn còn được ông Hồ Văn Thương lưu giữ. Ông khẳng định: “Khi nào tôi còn sống thì những giá trị về văn hóa của người Vân Kiều ở Quảng Bình vẫn còn được lưu giữ. Tôi cũng đang khuyến khích lớp thanh niên trong làng bản cố gắng học tập và gìn giữ nét truyền thống của dân tộc mình. Nhưng hiện nay thanh niên trong làng đang hát những bài hát của giới trẻ hiện đại nên cũng rất khó để truyền thụ hết nét tinh hoa của văn hóa Vân Kiều. Liệu sau này có còn ai nhớ đến những nhạc cụ hay những lời hát truyền thống của người Vân Kiều trên đất Quảng Bình nữa hay không?”, Ông Hồ Văn Thương tâm sự.

Nguyễn Đức Thọ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN