Người đi tìm gương mặt quá khứ

Chúng tôi lên thăm Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á ở Kim Bôi- Hoà Bình, một cơ sở nghiên cứu khoa học phi chính phủ thuộc loại đầu tiên ở nước ta theo lời mời của TS Nguyễn Việt, người xây dựng và sáng lập Trung tâm.

Trung tâm được xây dựng trên một vạt đồi cao, khang trang, không xa trục đường chính. TS Nguyễn Việt đưa chúng tôi đi thăm trụ sở, các hầm chứa hiện vật khảo cổ, các gian trưng bày. Qua lời giới thiệu, chúng tôi hiểu rằng ông đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho trung tâm này suốt hai mươi năm qua.

Chú thích ảnh
Trung tâm được xây dựng trên một vạt đồi cao, khang trang, không xa trục đường chính.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng có nhiều loại cổ vật, TS Nguyễn Việt bày lên bàn ba đồ gốm cổ mới sưu tập được - một con cừu, một con rắn và một con voi. Tất cả đều nhỏ bé, khá tinh xảo, lớp ngoài qua thời gian ngả màu đen bóng.

Ông hồ hởi giới thiệu: "Đây là những cổ vật mới tìm thấy ở vùng sông Chu, Thanh Hoá. Những người dân làm nghề xúc hến ven sông, vốn có quan hệ với chúng tôi từ lâu, đã gửi về trung tâm. Chúng tôi đang làm công việc xác minh nhưng sơ bộ có thể thấy, chúng đều có tuổi khoảng từ 2000 đến 3000 năm!".

Chú thích ảnh
Con cừu, con rắn, con voi có tuổi khoảng 2000 - 3000 năm.

Từ những hiện vật, Nguyễn Việt say sưa nói về nói về nghề gốm, nghề trồng lúa nước... của một vùng văn hoá cổ. Câu chuyện dần được mở ra rộng hơn với những làn sóng di cư cách đây hàng ngàn năm từ thời tiền sử, gắn với việc hình thành các tộc người Việt, các trung tâm văn hoá theo thời gian, với một cái nhìn nhạy cảm của một nhà khoa học dành cả cuộc đời cho lĩnh vực khảo cổ.

Nói chuyện với TS Nguyễn Việt rất cuốn hút. Nhà khoa học chạm ngưỡng tuổi 70 này có nhiều nét tương phản hấp dẫn: Là con trai phố cổ Hà thành nhưng ham phiêu bạt, khám phá, những năm cuối đời lại lên ở hẳn một vùng núi cao theo đuổi niểm đam mê của mình. Là người làm khoa học giàu mơ ước khám phá nhưng lại cũng rất quyết liệt: Hai mươi năm trước, khi còn đang sung sức, ông đã rời cơ quan nhà nước để lập trung tâm tiền sử Đông Nam Á theo mô hình phi chính phủ, hoạt động bằng chính chuyên môn của mình cho đến nay. Sắp đến tuổi "xưa nay hiếm" ông vẫn rất năng động, tự lái xe đi các nơi điền dã, dự các hội thảo, sự kiện; thông thạo mấy ngoại ngữ, thường xuyên đi lại trên toàn cầu, tham gia các hợp tác nghiên cứu với các trung tâm lớn trên thế giới!

TS Nguyễn Việt là người dấn thân và theo đuổi đến cùng lựa chọn của mình. Tốt nghiệp khoa sử, Đại học tổng hợp HN, ngoài 4 năm đời quân ngũ của một chiến sỹ hải quân như bao bạn bè cùng thế hệ, ông dành trọn vẹn những năm tháng cuộc đời cho khảo cổ; trong đó có hơn 20 năm đầu ở Viện Khảo cổ học, và hai mươi năm sau cho Trung tâm tiền sử ĐNA trong khuôn khổ quỹ mang tên người thày của ông, GS Phạm Huy Thông.

Với trung tâm này, Nguyễn Việt là người sáng lập và gây dựng từ những ngày đầu tiên. Có nhiều câu chuyện về sự say mê của Nguyễn Việt, như chuyện ông đã từng sống chung với những xác ướp trong ngôi nhà của mình; ông tìm kiếm những chiếc cọc Bạch Đằng và đóng lại những chiến thuyền ngày ấy. Ông mô phỏng nỏ thần Cổ Loa; phục dựng những gương mặt người thời tiền sử...

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Việt say sưa giới thiệu về khảo cổ.

Theo Nguyễn Việt, qua 20 năm hoạt động , đến nay Trung tâm đã lưu trữ khoảng 30 ngàn hiện vật; tham gia nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học; có quan hệ với khoảng 200 cơ sở nghiên cứu và bảo tàng trong và ngoài nước. Với tư cách giám đốc và là nhà khoa học, TS Nguyễn Việt đã hoàn thành 20 đề tài nghiên cứu và tham gia vào 20 đề tài khác. Các kết quả nghiên cứu đã được trình bày ở nhiều hội nghị chuyên ngành khảo cổ học có uy tín trên thế giới.

Tôi hỏi TS Nguyễn Việt: "Một trung tâm nghiên cứu khoa học phi chính phủ, một chuyên ngành hẹp, không nhận tiền từ ngân sách nhà nước, trung tâm dựa vào nguồn tài chính nào để tồn tại và hoạt động?".

Ông trả lời: "Nhiều người đã nêu câu hỏi ấy, trong đó có cả các nhà lãnh đạo. Thực sư trung tâm chúng tôi sống bằng các chương trình, học bổng hợp tác, nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và với điều kiện VN hiện nay, điều ấy có thể thực hiện được!".

Một khía cạnh nữa qua câu chuyện với Nguyễn Việt tôi cảm nhận được: Cùng với việc bảo đảm chất lượng nghiên cứu, sự năng động, sáng tạo trong việc tìm kiếm các cơ hội, tiềm năng hợp tác rất quan trọng. Về mặt này thì sự nhạy bén của một chàng trai phố cổ cùng với thực tế 10 năm làm nghiên cứu, hoạt động ở nước Đức thời Đông Âu sụp đổ cũng đã đem lại cho Giám đốc Nguyễn Việt nhiều kinh nghiệm bổ ích.

Chú thích ảnh
Những cổ vật được trưng bày tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

TS Nguyễn Việt vẫn đang năng động trong nhịp sống và hoạt động khoa học mỗi ngày. Lịch làm việc của ông vẫn kín các chương trình ở trong và ngoài nước. Sau khi tiếp chúng tôi, ông sẽ vào Tây Nguyên dự hội thảo về thời đá cũ, chuẩn bị tham dự kỷ niệm 731 năm chiến thắng Bạch Đằng... Ông vẫn đang mải miết theo đuổi mong muốn góp phần tìm hiểu và phục dựng lại gương mặt quá khứ của người Việt trong quá trình hình thành và phát triển, những nghiên cứu không chỉ cần thiết cho hôm nay và cả mai sau. Được hỏi về dự định của mình, nhà khoa học có mái tóc điểm bạc ấy trả lời:

- Tôi vẫn đang thực hiện những công việc nghiên cứu, với mong mỏi Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tiếp tục được duy trì và phát triển - Với thoáng suy tư, ông tâm sự: - Ở tuổi này, các con đều lập nghiệp ở xa, tôi còn phải cố gắng tìm và bồi dưỡng được người có đủ phẩm chất và năng lực để thay mình ở trung tâm trong tương lai!

Rất đáng trân trọng tấm lòng ấy, mong mỏi ấy của ông!

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Bảo tồn và phát huy di chỉ khảo cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai
Bảo tồn và phát huy di chỉ khảo cổ tại thị xã An Khê, Gia Lai

Thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai là địa điểm được nhiều nhà khoa học chú ý, bởi đây là nơi đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ học có giá trị cao. Với trên 20 di tích sơ kỳ Đá cũ, vùng đồi gò thung lũng An Khê là bằng chứng về sự hiện diện của một cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam. Thị xã An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị “văn minh nhân loại” này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN