Lao tâm khổ tứ nhất với đề tài về chiến tranh, cách mạng. Theo đuổi nghiệp vẽ sen gần nửa thế kỷ, xuất bản 3 tập tản văn... nhưng họa sỹ Lê Trí Dũng lại được biết đến và nhớ nhiều nhất với những bức tranh vẽ ngựa. "Hình như kiếp trước tôi là ngựa, nên kiếp này tôi rất mê ngựa, có duyên với ngựa. Và ngựa cũng đã "thồ" tôi thành người nổi tiếng", họa sỹ Lê Trí Dũng nói vui.
Duyên trời
Họa sĩ Lê Trí Dũng vốn là "con nhà nòi". Cha ông, họa sĩ Lê Quốc Lộc là một danh họa chuyên sơn mài nổi tiếng của Việt Nam (đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật). Lớn lên, Lê Trí Dũng thi vào trường mỹ thuật, theo đuổi nghiệp vẽ của cha. Năm cuối cùng của đại học, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những năm 1972 - 1973. Trong suốt thời gian tham gia chiến đấu, họa sỹ Lê Trí Dũng đã vẽ rất nhiều ký hoạ chiến trường và những bức tranh với đề tài về chiến tranh, cách mạng đã trở thành một mảng sáng tác lớn trong nghiệp cầm cọ của ông. Ngoài đề tài chiến tranh, cách mạng, họa sỹ Lê Trí Dũng còn rất say mê vẽ tranh sen, viết tản văn. Đến nay, ông đã cho ra đời 3 cuốn tản văn mang tên “Những hòn cuội nhặt dọc đường”.
Nói về cơ duyên đưa ông đến với tranh ngựa, họa sỹ Lê Trí Dũng kể lại: "Có lẽ là ‘duyên trời’ nên tôi có nhiều dịp gần gũi với con ngựa và vẽ nó. Khi còn là sinh viên mỹ thuật đi thực tập, tôi ở ngay cạnh một trại huấn luyện ngựa của bộ đội biên phòng ở Mộc Châu (Sơn La). Hình ảnh những con ngựa biên phòng trên đường tuần tiễu, rồi hình ảnh con ngựa thồ hàng của nông dân Việt Nam đã gắn sâu trong tâm khảm, nên tôi ngày càng thích ngựa. Sau này, tôi có điều kiện đi nhiều, được tận mắt nhìn thấy nhiều giống ngựa quý, từ ngựa ở Nêvađa (Mỹ) đến ngựa đua nòi Anh quốc.
Từ ngựa chiến Mông Cổ đến những con ngựa thuần chất Việt như ngựa cỏ, ngựa Lâm Đồng”. Cũng theo họa sỹ Lê Trí Dũng, trong số 12 con giáp, ngựa là con vật có hình thể đẹp nhất, hơn nữa, ngựa lại là con vật hội tụ đầy đủ những tính cách nổi bật đáng quý về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Dũng - đó là những đức tính cần có ở con người. Bên cạnh đó, ngựa cũng là con vật gần gũi với con người nhất. Trong chiến tranh, ngựa là con vật có công rất lớn, cùng với các tướng sỹ chinh chiến ra trận đánh đuổi quân xâm lăng, bảo vệ biên cương, bờ cõi. Trong cuộc sống hàng ngày, ngựa cũng là con vật có nhiều đóng góp rất lớn như chở hàng, vận tải, cày ruộng... chính vì thế, con ngựa luôn gần gũi, thân thiết, gắn liền với đời sống của người Việt Nam.
Họa sỹ Lê Trí Dũng bên bức tranh ngựa của ông (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Họa sỹ Lê Trí Dũng cho biết, nhân duyên đưa ông đến với "nghiệp" vẽ ngựa "chuyên nghiệp" bắt nguồn từ bức tranh mang tên "Quân doanh Từ Công". Họa sỹ Lê Trí Dũng kể lại, vào năm 1983, ông vẽ bức tranh "Quân doanh Từ Công" (Trong doanh trại tướng quân Từ Hải), theo câu chuyện trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Bức tranh vẽ cảnh tướng quân Từ Hải đang ôm Thúy Kiều, Thúy Kiều đang gảy đàn, phía sau lưng hai người là con ngựa chiến của tướng quân Từ Hải. Một ông khách người nước ngoài khi mua tranh có nói đùa một câu: "Tôi mua bức tranh không phải vì đôi trai gái này, dù họ cũng rất đẹp, mà tôi mua tranh vì con ngựa trong tranh, nó quá đẹp”.
“Thế là tôi nảy ra ý nghĩ, tại sao mình không tách con ngựa ra để vẽ riêng nó, không nhất thiết phải vẽ cùng với Từ Hải và Thúy Kiều. Từ đó con ngựa được tôi tách riêng thành một con ngựa chiến”, họa sỹ Lê Trí Dũng thổ lộ.
Vẽ ngựa bằng tâm hồn
Trong tâm thức của mình, người Việt Nam cũng rất coi trọng ngựa. Với nhiều người, con ngựa đã trở thành linh vật, là biểu tượng mang lại may mắn và hạnh phúc, mang lại điềm lành cho họ cả trong tín ngưỡng lẫn trong đời sống thực hàng ngày. Chính vì vậy mà không phải đến năm ngựa mới chơi tranh ngựa, mà có nhiều người, hầu như năm nào cũng mua tranh ngựa về treo để mang may mắn vào nhà. Vô hình trung, tranh của họa sỹ Lê Trí Dũng đã thành một thứ “tranh Tết thời hiện đại” của nhiều người Việt Nam, giống như tranh Đông Hồ ngày xưa. Chính vì vậy mà mỗi năm, cứ đến dịp năm hết Tết đến, họa sỹ Lê Trí Dũng lại nhận được hàng trăm đơn đặt hàng vẽ tranh năm mới. Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng là một trong những người “mê” tranh ngựa của Lê Trí Dũng, đã sưu tầm rất nhiều và có cả một phòng trưng bày tranh ngựa của họa sỹ.
Nhẩm tính trong khoảng 30 năm qua, họa sỹ Lê Trí Dũng đã vẽ đến vài nghìn con ngựa. Điều khiến ông cảm thấy tự hào là dù vẽ rất nhiều, nhưng ngựa trong tranh của ông không con nào giống con nào. Họa sỹ Lê Trí Dũng tâm sự, để làm được điều đó, bên cạnh việc phải tìm những hình tượng khác nhau trong hội họa, từ cành cây, hoa đào, hoa mai, cỏ lau, cây cối, đến những biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, chim chóc... thì trong mỗi bức tranh đều chứa đựng tâm tư, tình cảm của ông trong đó. Mỗi một bức vẽ là một trạng thái tình cảm khác nhau, nên mỗi con ngựa cũng toát lên thần thái, khí phách khác nhau. Con thì phóng vun vút, con phi như bay, con dầm mình trong mưa, còn thì thả mình trong cỏ hoang đồng nội... Màu sắc những con ngựa trong tranh của ông cũng đa dạng, không chỉ là ngựa bạch, ngựa ô (đen), ngựa có lông màu nâu thẫm, mà còn có cả những con ngựa sắc đỏ, xanh, vàng, tím...
Tranh ngựa của Lê Trí Dũng có đủ màu sắc sặc sỡ, nhưng con ngựa ông thích nhất lại là một con ngựa đơn sắc, gần như chỉ có hai màu đen trắng. Hỏi lý do vì sao, ông nói rất chân thành: “Khi vẽ ngựa nhiều quá, tôi không còn vẽ ngựa nữa, mà chỉ mượn hình tượng con ngựa để nói lên tâm thế của con người. Tôi cố gắng không biến mình thành một chiếc máy ảnh chụp lại và vẽ con ngựa như mắt ta nhìn thấy, mà vẽ con ngựa như trong tâm trí ta nghĩ đến nó. Lúc đó, con ngựa biểu lộ chính mình phải là con ngựa đơn sắc, không màu mè, không diêm dúa, không cầu kỳ. Nó chỉ là con ngựa đơn giản, sắc lông màu nâu sẫm, dáng đi ngạo nghễ, ngoảnh lưng lại người xem thẳng tiến về phía chân trời...”.
Hỏi thăm về những con ngựa ông vẽ cho năm ngựa (Giáp Ngọ - 2014) này, họa sỹ chia sẻ, ngựa trong tranh ông năm nay không giống như những con ngựa cách đây 12 năm. Năm nay, những con ngựa trong tranh của Lê Trí Dũng chủ yếu là ngựa xích thố (sắc đỏ). Giải thích cho sự thay đổi này, họa sỹ cho biết: “Năm Giáp Ngọ 2014 thuộc hành Kim, đáng ra nên vẽ con ngựa trắng. Nhưng năm nay, phần lớn mọi người đều thích con ngựa Xích Thố có sắc đỏ, vì nhiều người quan niệm, kinh tế khó khăn, phải dùng ngựa đỏ để mang may mắn vào nhà”. Có lẽ vì thế mà từ đầu "mùa" tranh Tết đến giờ, trong số khoảng 300 bức tranh ngựa của ông đã bán, có quá nửa là những con ngựa màu đỏ.
Ngoài những bức tranh vẽ ngựa, món quà mừng năm ngựa của họa sỹ Lê Trí Dũng còn có một cuốn sách 72 con ngựa vừa mới được NXB Mỹ thuật xuất bản và phát hành, được nhiều người yêu thích.
“Tôi thực sự biết ơn những con ngựa, vì trong giai đoạn khó khăn của đất nước về kinh tế, những con ngựa đã “cứu” tôi thoát khỏi sự túng thiếu. Những con ngựa trong tranh đã đưa tôi đến gần bạn bè hơn, cho tôi cuộc sống tốt đẹp”, họa sỹ Lê Trí Dũng vui vẻ nói.
Phương Lan