Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các cơ quan chức năng và huyện Xuyên Mộc đã làm việc với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nhằm rà soát các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến hành nghiên cứu và bảo tồn di tích này.
Di tích Vòng Thành Đá Trắng nằm ở ấp Gò Cát, xã Phước Thuận được xem là di tích quan trọng, tiêu biểu bởi tính quy mô và những nét đặc trưng riêng về loại hình di tích di vật.
Di tích Vòng Thành Đá Trắng được phát hiện trong đợt điều tra khảo cổ học năm 2002, nằm trên gò đất có diện tích rộng 1 km2, cao 12m so với mực nước biển. Theo những người cao niên ở đây, trước năm 1980 khu vực này vẫn còn rừng rậm, vòng thành còn lộ trên mặt đất, cao khoảng 0,4 - 0,5m.
Việc phát hiện ra di tích Vòng Thành Đá Trắng có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng phát hiện được di tích kiến trúc thành hào (thành có hào bao bọc).
Đây là di tích thành cổ còn nguyên dạng nhất có thể nhận biết bằng mắt thường so với các di tích đã biết trên vùng đất Nam Bộ như: Lũy Phước Tứ (Bà Rịa - Vũng Tàu), thành Biên Hòa, Tuy Hạ (Đồng Nai), thành Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh)… Hầu hết các di tích thành lũy này đã bị phá hủy hoặc vùi sâu trong lòng đất, chưa một thành nào có thể quan sát được một cách rõ ràng, cụ thể như di tích Vòng Thành Đá Trắng. Vết tích tường thành xây bằng đá ong được xác định ở trung tâm di tích là kiến trúc đầu tiên xây bằng đá ong được phát hiện ở vùng Nam Bộ.
Theo Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, di tích Vòng Thành Đá Trắng chỉ mới được điều tra, đào thám sát, song đã mang lại nhiều kết quả. Tại các hố đào thám sát thăm dò đã tìm thấy trong vòng thành một bộ sưu tập đồ gốm rất đa dạng thuộc loại hình đồ gốm Champa và đồ gốm thời nhà Minh (Trung Hoa). Cho đến nay, Vòng Thành Đá Trắng là di tích khảo cổ duy nhất ở vùng Nam Bộ phát hiện được gốm Gò Sành thuộc văn hóa Chăm Pa. Qua đó, góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ các vấn đề văn hóa - tộc người trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: Tư liệu thu được ở Vòng Thành Đá Trắng sơ bộ có thể đoán định là di tích khảo cổ thuộc văn hóa Champa hoặc của một tộc người nào đó sống trên vùng đất Đông Nam Bộ chịu ảnh hưởng văn hóa Champa có quan hệ với các quốc gia khác ở bên ngoài. Niên đại di tích là vào khoảng thế kỷ XV đến XVII.
Di tích đã được điều tra, khảo sát nhiều lần vào các năm 2002, 2007, 2012. Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ, di tích đang dần bị hủy hoại theo năm tháng bởi việc canh tác của người dân nơi đây.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng cho rằng, việc tiếp tục điều tra, khai quật khảo cổ di tích Vòng Thành Đá Trắng là rất cần thiết, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, sau khi tiến hành khai quật di tích này chúng ta sẽ có cái nhìn tổng thể, từ đó có phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Dự án sẽ làm tiền đề để xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia, góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.
Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - đơn vị được giao trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện khai quật di tích Vòng Thành Đá Trắng cho biết sẽ tiến hành các bước khai quật: Phối hợp với địa phương đền bù hoa màu cho chủ sở hữu trên khu đất tồn tại di tích; xin giấy phép khai quật khảo cổ học từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện nhiệm vụ khai quật; tiến hành rà phá bom mìn. Nhóm thủ tục này sẽ hoàn thành trong tháng 3/2021.
Từ tháng 4 đến tháng 9/2021 sẽ khai quật tại hiện trường, sau đó hiện vật được đưa về Bảo tàng tỉnh, tiến hành nghiên cứu niên đại, lập hồ sơ hiện vật. Dự kiến trong tháng 11/2021 sẽ tổ chức hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu.