Từ phía quốc lộ 32C đi vào sân trung tâm lễ hội, du khách sẽ thấy bức tranh gốm đồ sộ nhiều màu sắc tươi mới phía khán đài B, ngay dưới chân đồi Phân Đậu. Phía trên đồi, màu xanh của rừng thông như làm nền để tôn thêm vẻ đẹp cho bức tranh.
Bức tranh “Ngày hội non sông trên đất Tổ” được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bảo đảm độ bền lâu dài. Các họa sỹ Mai Văn Kế và Lê Ngọc Hân, kiến trúc sư Ngô Thanh Tùng và các cộng sự đã sử dụng 1.400 bức gốm sản xuất từ làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Kích thước mỗi viên là 90 x 60 cm, dày 1,3 cm, được nung ở nhiệt độ 1.280 độ C. Tổng kinh phí xây dựng trên 24 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Bức tranh có diện tích khoảng 700 m2, với chiều dài 72 m, điểm cao nhất 9,9 m, hai bên là hai cột phù điêu. Trung tâm bức tranh là hình tượng vầng nhật nguyệt tượng trưng cho trời, hai bên nằm trong vòng bán nguyệt tượng trưng cho đất, một bên là rồng và một bên là phượng. Phía dưới hình tượng mặt trời là 6 cô gái xếp hình đôi dâng lễ vật bánh chưng, bánh dày. Đây là những lễ vật đặc trưng trong ngày giỗ Tổ từ nhiều đời nay được con Rồng cháu Tiên dâng lên Vua cha, để thể hiện tấm lòng thành kính với bậc tiền nhân, đồng thời cũng là dịp để kính cáo anh linh các Vua Hùng về một vụ mùa bội thu, bách gia trăm họ đều no ấm. Xuyên suốt chiều dài bức tranh là hình tượng truyền thuyết bọc trăm trứng. Bố cục trong quả trứng là các lễ hội truyền thống như rước kiệu, rước lúa thần, rước chúa gái, hội phết. Đây là ý tưởng hay, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc, khởi nguồn của hai tiếng đồng bào, khẳng định người Việt Nam có chung cội nguồn dân tộc, có lòng tương thân tương ái, luôn tôn trọng và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.
Bức tranh là một dòng chảy lịch sử. Mở đầu bức tranh (từ bên trái) là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ với đàn con đang hăng say lao động. Kết thúc là hình tượng tỉnh Phú Thọ đang được xây dựng văn minh, hiện đại hôm nay và giàu đẹp trong tương lai. Xen kẽ là các lễ hội truyền thống của Phú Thọ, như: Bơi thuyền, đánh đu, đánh trống, đâm đuống, kéo co, hát xoan... Trên bầu trời rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ lễ hội với những đàn chim từ bốn phương trời quy tụ về nơi đất Tổ. Đó cũng là điểm nhấn của bức tranh, thể hiện quyết tâm của tỉnh Phú Thọ khi được vinh dự thay mặt nhân dân cả nước trông coi Thái miếu tổ tiên, khẳng định Phú Thọ quyết tâm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhưng vẫn giữ gìn những nét đẹp của văn hóa truyền thống. Đồng thời thể hiện mong muốn của mọi người dân đất Việt đều hướng về đất Tổ cội nguồn mỗi dịp mùng 10 tháng 3.
Chia sẻ những cảm xúc khi đến với Đền Hùng, ông Trần Thanh Hải (62 tuổi) đến từ tỉnh Hà Nam nói: Lần thứ hai tôi về đất Tổ, thấy bức tranh “Ngày hội non sông trên đất Tổ” thực sự ấn tượng. Bức tranh nhiều màu sắc thể hiện tâm huyết của các nhà thiết kế đối với vùng đất thiêng của dân tộc. Công trình này góp phần tôn thêm vẻ khang trang lộng lẫy của khu di tích, đồng thời khắc họa những nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta, đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình đoàn kết giữa các dân tộc, ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn minh lúa nước. Đồng thời đó cũng là truyền thống tri ân công đức tổ tiên, hướng đến cái đẹp của mỗi người dân Việt Nam. Cùng với đó, diện mạo khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay có sự thay đổi rõ rệt. Các nơi thờ tự, đường giao thông, cảnh quan đã được tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới rất đàng hoàng, vệ sinh môi trường được coi trọng, thêm nhiều bãi gửi xe... đã tạo thuận lợi cho du khách thập phương về với đất Tổ Vua Hùng. Nơi đây thật xứng đáng là khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.
Trương Văn Quân