“Ngày cuối cùng của một tử tù” đến với bạn đọc Việt Nam

Sáng 22/4, tại sân khấu Ngày Sách Việt Nam - Công viên Thống Nhất, Hà Nội, NBX Văn học đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách “Ngày cuối cùng của một tử tù” của nhà văn Victor Hugo- tác giả lãng mạn nổi tiếng nhất thế kỷ XIX. Sách do tác giả Nguyễn Mạnh Hùng dịch, giảng viên Trần Hinh hiệu đính.

Giới thiệu về tác phẩm, giảng viên Trần Hinh khẳng định: “Trong tác phẩm nhỏ bé này gần như chứa đựng đầy đủ phong cách, mô típ nhân vật và chủ đề quen thuộc trong sáng tác văn xuôi của Victor Hugo. Đặc biệt hơn nữa, có lẽ đây là tác phẩm chứa đựng nhiều tâm sự sâu kín, những nhức nhối khôn cùng của một nhà văn suốt đời đấu tranh cho quyền “được sống” của con người:Án tử hình và sự xóa bỏ vĩnh viễn nó khỏi cuộc sống nhân loại”.


Những giá trị đặc biệt này của “Ngày cuối cùng của một tử tù” cũng chính là lý do để NXB Văn học quyết định giới thiệu tác phẩm với đông đảo bạn đọc Việt Nam, sau một số tác phẩm nổi tiếng khác của Victor Hugo đã được xuất bản ở Việt Nam, gồm “Những người khốn khổ”, “Nhà thờ Đức bà Paris”, “Chín mươi ba”, “Thằng cười”, “Lao động biển cả”, “Tuyển thơ”, “Tuyển kịch”.


Nhìn bề ngoài, “Ngày cuối cùng của một tử tù” được viết giống như một cuốn tự truyện, đặc biệt hơn nữa, như một loại tự truyện nhật ký. Tuy nhiên, khác với hình thức tự truyện thông thường (được viết ở thì quá khứ đơn), tác phẩm của Hugo lại được viết ở thì hiện tại, thức trình bày. Nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh nhận xét, với lối viết này: "Sự kiện là của một hiện tại dày đặc, như không di động nhưng vẫn trôi, bị ám ảnh bởi tiếng chuông giờ, cắt đứt khỏi một quá khứ đã bị tách rời và đóng kín, khỏi một tương lai khẳng định là sẽ không có".


Nhà văn Nga nổi tiếng thế kỷ XIX Dostoievski, người vốn rất ngưỡng mộ Hugo, đặc biệt với tác phẩm “Ngày cuối cùng của một tử tù”, cũng nhận xét: "Tất nhiên, là truyện kể diễn ra trong nhiều giờ, đứt đoạn do những chỗ ngừng và những chỗ rối ren, lúc thì người đó nói với bản thân mình, lúc thì anh ta nói với một người nghe vô hình, một người phán xét, nhưng trong đời sống thực, cũng vẫn diễn ra như vậy". Dostoievski cho rằng đây thực sự là một kiệt tác của Victor Hugo.


Truyện được kể từ ngôi thứ nhất, cấu trúc trong 49 chương (cũng có thể là 49 đoạn). Bởi lẽ, có những chương tác giả viết chỉ trong đôi ba dòng, các chương đoạn dài ngắn khác nhau tương ứng với mạch cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật - kẻ tử tù - người kể chính, và duy nhất trong tác phẩm. Tầm quan trọng đặc biệt của tác phẩm chính là ở chỗ, nó chứa đựng và phản ảnh gần như tất cả các vấn đề liên quan đến tác giả V.Hugo, từ chủ đề (người tử tù, vấn đề thiện và ác, vấn đề xóa bỏ án tử hình), mối quan tâm và những hoạt động xã hội của Hugo những năm 20-30, phong cách văn xuôi, đến các mô típ nhân vật xuất hiện trong hầu khắp các tác phẩm khác của Hugo sau này


Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Victor Hugo, , tiểu thuyết tuy không phải là sự nghiệp lớn nhất, nhưng lại có thể được coi là quan trọng nhất. Nhờ nó ông đã đi được vào trái tim của nhiều người đọc, không chỉ riêng người đọc Pháp, mà còn trên toàn thế giới.Trong đó, tác phẩm “Ngày cuối cùng của một tử tù” có một vị trí không thể không nhắc đến. Nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh trong chuyên luận “Tiểu thuyết Hugo”, xuất bản từ năm 1985, gần đây được tái bản (năm 2002) đã coi đây là tác phẩm "văn xuôi mạnh đầu tiên" của Hugo, rằng “Ngày cuối cùng của một tử tù” có một vị trí và một ý nghĩa khác hẳn trong sự nghiệp sáng tác văn xuôi của Victor Hugo, đó là "một tác phẩm văn xuôi mạnh đầu tiên của Hugo", một cái mốc quyết định để đi tới sự sáng tạo “Những người khốn khổ".


Nhận xét này hoàn toàn chính xác bởi xét cho cùng, mặc dù “Những người khốn khổ” được thai nghén đầu thập niên 30 của Tthế kỷ XIX, chính thức khởi thảo năm 1845 và mãi đến năm 1861-1862 mới được hoàn tất và xuất bản; nhưng để có được tác phẩm “trái núi” này, Victor Hugo đã có được sự tiếp sức đáng kể của “Ngày cuối cùng của một tử tù”.


Trong số những nhà văn xuôi vĩ đại nhất của nước Pháp thế kỷ XIX, tác phẩm của V.Hugo không chắc đã "đồ sộ" bằng Balzac, hiện đại bằng Flaubert, lãng mạn bằng Mérimé, bay bổng bằng Stendhal, hay sắc lạnh bằng Maupassant..., nhưng chắc chắn ông hơn tất cả các tên tuổi được nhắc đến ở trên, bằng tinh thần nhân đạo. Suốt cả một đời viết cho con người, viết để sự "đói khổ và dốt nát của con người không còn tồn tại", Hugo đã bắt đầu sự nghiệp văn xuôi đồ sộ và mênh mông của mình bằng một tác phẩm "vô cùng tiết chế".


Nhà văn đã gần như đưa tất cả các nhân vật, chi tiết, câu chuyện, kể cả văn phong vào tác phẩm nhỏ bé này. Chúng ta sẽ bắt gặp ở đó đề tài về người tội phạm, mẫu nhân vật người tù khổ sai trong Những người khốn khổ, mô típ tội phạm và kẻ phạm tội, công lý chuộc tội, cảnh xét xử tù nhân, những nhân vật đại diện cho pháp luật (luật sư, cha tuyên úy, thẩm phán, chánh án, cai ngục...), linh mục, nhà thờ... Và dõi theo những dòng tâm tư của kẻ tử tù trước ngày bị kết án trong tác phẩm; ta có thể hiểu được nỗi trăn trở suốt cuộc đời của Victor Hugo: Làm thế nào để trả lại giá trị đích thực cho những người lao động cùng khổ? Làm thế nào để con người không còn phải rơi vào cảnh tù đầy?

PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN