Lễ hội Diều Huế 2019 gồm các hoạt động như: thả diều nghệ thuật, triển lãm diều nghệ thuật, làm và vẽ trang trí diều nghệ thuật cùng nhiều hoạt động khác.
Mỗi buổi chiều trong thời gian lễ hội, trên sân Hàm Nghi, thuộc quảng trường Ngọ Môn, Huế bầu trời trong xanh càng trở nên đẹp và rực rỡ hơn bởi những cánh diều muôn màu, muôn kiểu. Như là biểu tượng cho sự thanh bình, tự do và khát vọng, những cánh diều từ từ cất cánh rồi bay lượn trên bầu trời lộng gió.
Đầu tiên là những con diều rồng dũng mãnh, diều phượng hoàng kiêu sa, những cánh diều biểu tượng chim công đỏng đảnh, diều bướm dễ thương, diều cá tinh nghịch… tấp nập nối đuôi nhau tạo nên một sân khấu múa rối trên không vô cùng hấp dẫn người xem.
Từ lâu, thú chơi diều ở Huế được biết đến như là nét văn hóa truyền thống, bởi hiếm có địa phương nào mà người chơi diều lại tạo được cho những cánh diều nét đặc trưng riêng biệt, nâng cánh diều lên thành một nghệ thuật, một nét văn hóa vùng miền.
Diều Huế là sự kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật, chất liệu và kỹ thuật, tạo được dấu ấn riêng. Diều Huế không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến rộng rãi ở các quốc gia khác. Không ít lần nghệ nhân Huế đã mang cánh diều quê hương đi tham dự các lễ hội quốc tế.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng, một người chơi diều lâu năm ở Huế cho biết, ông đã nhiều lần mang diều đi tham gia Festival diều quốc tế tại Pháp, Thái Lan hay triển lãm trao đổi các ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Ấn Độ, tổ chức tại Ấn Độ...
Lần ấn tượng nhất đối với nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng là đến với Festival diều quốc tế lần thứ XIII tại Pháp có 34 nước tham gia. Câu lạc bộ diều Huế do nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng và nghệ nhân Nguyễn Văn Cư đã đem đến liên hoan hơn 40 con diều với nhiều loại như: Diều rồng, diều phụng, diều hạc, diều đại bàng cắp công chúa... Sự đa dạng và phong phú về mẫu mã của diều Huế đã nhận được lời tán thưởng từ ban tổ chức và sự thích thú từ phía khán giả.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng, nhiều địa phương trong nước làm diều nhưng diều Huế nổi trội hơn vì người làm diều rất công phu và mô phỏng gần giống với thực tế. Chẳng hạn, khi đi thi quốc tế, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới có diều rồng. Nhưng diều rồng của Huế được kết cấu chặt chẽ hơn nên có thể thả khi gió mạnh.
Ở trong nước, ông đã cùng với các nghệ nhân Câu lạc bộ diều Huế tham gia hội chợ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, các kỳ Festival diều tại Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị, Hội An, Nha Trang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Huế…
Diều Huế đã đạt được nhiều giải thưởng cao trong các hội thi diều toàn quốc. Hiện Câu lạc bộ diều Huế mang tên Anh Vũ tham gia hầu hết các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, hội thi sản phẩm lưu niệm, quà tặng do tỉnh và thành phố tổ chức.
Trong quá trình làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đã tự thiết kế và tự chế tác 16 sản phẩm diều dùng để thả, những sản phẩm diều được nhân dân, du khách đón nhận, thừa nhận sản phẩm có chất lượng cao.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng còn nổi tiếng với các sản phẩm tự thiết kế và ứng dụng như: Diều rồng (dùng trong trang trí nội thất, hàng lưu niệm và quà tặng), diều "lưỡng long chầu nguyệt", diều "cá vàng", "rồng bay", diều "cá chép hóa rồng", diều "rồng cuộn", diều châu chấu, diều chim gõ kiến, diều ruồi, diều tôm, diều rắn, diều ốc sên, diều gà trống, diều bạch tuộc, diều hoa sen, diều chú tiểu đi cà kheo, diều biểu trưng, diều thợ lặn, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Âu Cơ - Lạc Long Quân.
Đáng chú ý, trong thời gian Lễ hội diều Huế 2019, cùng với việc thả những cánh diều no gió lên bầu trời cố đô còn diễn ra đêm trình diễn bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Viết Bảo. Bộ sưu tập lấy ý tưởng từ họa tiết những cánh diều và hình tượng phụng từ dân gian đến những cánh diều tung bay trên bầu trời.
Bộ sưu tập bao gồm những hình ảnh ngộ nghĩnh của trò chơi thả diều trong dân gian được nhà thiết kế khéo léo đưa lên tà áo dài của người mẫu cũng như các em nhỏ, bộ sưu tập khiến người xem thích thú vì sự gần gũi và bắt mắt bởi màu sắc và họa tiết đẹp...