Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc:

Lớp trẻ vẫn chưa có “đất” diễn

19 đơn vị nghệ thuật với 29 tác phẩm tham gia Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015, kéo dài đến hơn nửa tháng (từ 21/6 - 6/7) tại tỉnh Thanh Hóa đã khép lại. Những vở diễn đã phản ánh được thực trạng hoạt động sân khấu trên cả nước, với đủ sắc thái vùng miền, sự đa dạng về đề tài, chủ đề. Tuy nhiên, tồn tại của sân khấu kịch nói nhiều thập niên qua vẫn xuất hiện trong cuộc thi lần này.

Một cảnh trong vở kịch “Vũ nữ”.


29 tác phẩm dự thi với nhiều sắc thái phong phú, nhiều góc cạnh của cuộc sống được tái hiện trên sàn diễn, thu hút được sự chú ý của công chúng. Các vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng như “Thời gian không im lặng”, “Tóc mây Lèn Hà” (Nhà hát kịch Quân đội), “Khát vọng của những linh hồn” (Đoàn kịch Công an)… hay những vở mang tính chính luận như “Tai biến”, “Lâu đài cát” (Nhà hát kịch Việt Nam); “Điệp khúc vi rút” (Nhà hát kịch Hà Nội),

 “Đường đua trong bóng tối” (Đoàn kịch Công an, Đoàn kịch Phú Thọ)… đã được công chúng tán thưởng. Rồi những vở diễn mang tính đời thường, giải trí, nhưng vẫn chứa đựng những thông điệp bổ ích cho cuộc sống của các đơn vị kịch phía Nam như “Vũ nữ” (Công ty cổ phần Khánh Vương), “Cõng mẹ đi chơi” (Sài Gòn Phẳng), “49 ngày yêu” (Công ty Biểu diễn nghệ thuật Ước mơ xanh)… đã cho thấy sự đa dạng, phong phú của sân khấu kịch nói trên cả nước hiện nay.

Năm nay, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động và chỉ nhận được sự hỗ trợ không nhiều từ Cục NTBD, các đơn vị xã hội hóa vẫn sẵn sàng bỏ tiền túi để tham gia cuộc thi. Có những đơn vị mới thành lập chưa lâu như Công ty Nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo cũng đã mạnh dạn tham gia. Đạo diễn trẻ nhất cuộc thi, Khắc Duy hồ hởi cho biết: “Lý do quan trọng nhất khi nhóm của Duy quyết định tham gia là mong muốn được khẳng định mình, khẳng định sự dấn thân nghệ thuật của nhóm và tìm kiếm sự ủng hộ…”. NSƯT Ngọc Trinh khẳng định: “Đây là dịp rất quan trọng đối với cá nhân tôi và với các diễn viên của nhóm để cho bạn bè thấy, chúng tôi đã làm được những gì…”.

Tuy nhiên, những vấn đề vẫn còn tồn tại như căn bệnh mà bao năm nay, sân khấu vẫn chưa thể khắc phục được. Đó là sự chưa tin tưởng vào lớp trẻ, khiến rất nhiều khao khát được thử nghiệm, được làm mới chưa có chỗ để thể hiện. Thống kê cho thấy, những tên tuổi đạo diễn từng thành danh từ hơn nửa thế kỷ nay như NSND Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang… vẫn sừng sững đứng đó. Người được coi là khá trẻ, có tài như NSƯT Anh Tú, cũng lập kỷ lục tới 5 tác phẩm dự thi. Nhìn vào số tác phẩm, có thể thấy, nửa số tác phẩm là của ba vị đạo diễn này. 

Kiếm tìm mãi mới có những Minh Béo, Ngọc Trinh, cũng đã sắp vào tuổi “tứ thập”, chỉ duy nhất có Khắc Duy là ở lứa tuổi hai mươi. Lý giải điều này, nghệ sỹ Kim Oanh cho rằng, các đơn vị phía Bắc vẫn bị bệnh thành tích, nên chưa mạnh dạn giao cho giới trẻ thực hiện. “Ngay cả ban giám khảo cuộc thi cũng toàn những người đã có tuổi. Mặc dù các thầy đều là những người rất giỏi, nhưng liệu có thực sự rung động với nhịp sống, nhịp cảm nhận của nghệ sĩ trẻ hiện nay. Tôi thấy ở các cuộc thi nghệ thuật thế giới hiện nay, trong BGK đều phải có đến 30% là người trẻ, trẻ thực sự. Nếu ở Việt Nam cũng như vậy, tôi tin rằng, sẽ có nhiều hơn những gương mặt trẻ tham gia”, nghệ sỹ Kim Oanh tâm sự.

Bên cạnh đó, chất lượng nghệ thuật giữa các đơn vị đóng trên các địa bàn lớn, có điều kiện hoạt động tốt so với các đơn vị nghệ thuật địa phương vẫn còn khoảng cách khá xa. Điều đó có thể thấy tương đối rõ ràng khi một kịch bản được cùng một đạo diễn dàn dựng như trường hợp “Đường đua trong bóng tối” của Đoàn kịch nói Công an nhân dân và Đoàn kịch tỉnh Phú Thọ. Xem cả hai đêm diễn, có phần thương cho đơn vị tỉnh nhỏ như Phú Thọ vì “đuối” hơn ở tất cả các mặt: Từ tố chất, độ nhuần nhuyễn, tay nghề…

Những nuối tiếc vẫn còn đó, song mục đích đề ra cho cuộc thi là sự tổng duyệt lại đội ngũ nghệ sĩ kịch nói sau một khoảng thời gian 3 năm đã đạt được. Những điểm khiếm khuyết, những nét được của đơn vị mình, của các đơn vị bạn đã được các nghệ sĩ cảm nhận. Và rõ ràng, trong dòng chảy tất bật của sân khấu thường nhật, rất cần những sự kiện như thế này để hâm nóng nhiệt tình với nghề cho đội ngũ nghệ sĩ.

Cao Ngọc
Liên hoan toàn quốc sân khấu kịch nói 2012: Hy vọng những khởi sắc
Liên hoan toàn quốc sân khấu kịch nói 2012: Hy vọng những khởi sắc

Cánh màn nhung của Liên hoan toàn quốc sân khấu kịch nói - kịch chủng chủ lực của sân khấu Việt Nam, đã mở ngày 14/7. Có rất nhiều vấn đề người làm nghề quan tâm, công luận chú ý, kêu gọi giải quyết rốt ráo, để tránh đi vào vết mòn của các kỳ liên hoan trước đây...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN