Lan tỏa sức sống di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Sau 6 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang ngày càng lan tỏa và có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của những người con đất Việt.

Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Gìn giữ và lan toả 


Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, kể từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cam kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia, nhằm bảo vệ sức sống, sự lan tỏa rộng rãi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. 


Phú Thọ đã có những chính sách để phục hồi không gian thờ tự, những lễ nghi, diễn xướng liên quan và khuyến khích việc trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ; hoạch định và thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. 


Cụ thể, hàng năm, Phú Thọ đã tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với sự tham gia từ 3 - 5 tỉnh/thành trong cả nước, theo đề án góp giỗ hàng năm, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành và đại biểu nước ngoài tham gia. Phần hội vui tươi lành mạnh, với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Tổ. 

Nhân dân và du khách thập phương về dâng hương tại đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân, tập thể, cộng đồng nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng Hùng Vương, thông qua nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh để có biện pháp tu bổ và định hướng việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong những năm tiếp theo; tôn vinh, bảo vệ các “báu vật nhân văn sống”, là các nghệ nhân, những người nắm giữ, trao truyền di sản... 


Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng nghiên cứu những nguồn thư tịch Hán Nôm tại các di tích thờ Hùng Vương, thờ các danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn 10 tỉnh phía Bắc. Theo đó, đã nghiên cứu, sưu tầm, lập thư mục thống kê và phiên âm, dịch nghĩa được 410 bản thần tích liên quan đến Hùng Vương và vợ con, tướng lĩnh các Vua Hùng. Tổ chức xây dựng ngân hàng dữ liệu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. 


Tổ chức trưng bày chuyên đề về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; thực hiện tuyên truyền giáo dục di sản cho cộng đồng bằng nhiều hình thức; đưa giáo dục di sản vào trường học; hướng dẫn nghi thức, nghệ thuật trình diễn dân gian cho cộng đồng các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương. Một số địa phương, các bậc cao niên đã tự sưu tầm truyền thuyết, dịch các tư liệu chữ Hán ra chữ quốc ngữ, ghi chép các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để khôi phục, lưu giữ, truyền dạy cho lớp trẻ, giới thiệu cho du khách. Các tri thức và kỹ năng liên quan đến thờ cúng Hùng Vương được lưu hành, trao truyền, hướng dẫn thực hành bằng hình thức truyền khẩu. 

Phục dựng lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa nhằm tri ân công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công khai sáng nghề nông trong buổi đầu dựng nước. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản 


Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, sự thành công lớn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Trung tâm thực hành cao nhất nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bởi nơi đây là sự “hội tụ” sâu sắc nhất nghĩa “đồng bào”, ý thức cội nguồn của hàng triệu triệu người dân đất Việt. 


Ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết, ngày 16/1/2018, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, giai đoạn 2017 - 2020. 


Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO về việc bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, đảm bảo di sản mãi trường tồn và luôn giữ được danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh. 

Thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tại Lễ hội đền Hùng năm 2018. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Kế hoạch đề ra một số nội dung chính, gồm: Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình hành động quốc gia và kế hoạch bảo tồn phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương giai đoạn 2016 – 2020, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích nơi thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Tổ chức hội thảo về nghi lễ truyền thống, giá trị, sự lan tỏa, ảnh hưởng của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với cộng đồng trong tiến trình lịch sử dân tộc và trong cuộc sống đương đại. 


Kế hoạch cũng chú trọng đến việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu về thời đại Hùng Vương, các nghi lễ thờ cúng, các phong tục tập quán, các diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương... trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về nội dung, tiến trình thực hành các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, làm chuẩn mực cho những nơi có đền thờ vua Hùng và các tướng lĩnh. Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi các nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, đào tạo đội ngũ kế cận thực hành nghi lễ, đặc biệt là thế hệ trẻ, để có sự tiếp nối đảm bảo di sản mãi trường tồn. 


“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước, và cả với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, với phong tục thờ cúng tổ tiên phát triển tự nhiên trong cộng đồng người Việt từ ngàn đời nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của những người con đất Việt, và ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại”, ông Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh.

Phương Hà/Báo Tin Tức
 Lễ hội Đền Hùng 2018: Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên
Lễ hội Đền Hùng 2018: Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên

Ngày 23/4 (tức ngày mùng 8/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên của các xã, phường vùng ven Khu di tích và Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN