Lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần

Hằng năm, cứ vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch, tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định diễn ra nghi Lễ Khai ấn.

Chú thích ảnh
Đông đảo người dân, du khách đến đền Trần để vãn cảnh, chiêm bái cầu mong một năm mới may mắn, bình an… cho bản thân và gia đình.

Đây là một tục lệ cổ tại Tiên miếu nhà Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao, cầu mong quốc thái dân an, mọi nhà chung hưởng lộc ấn "Tích phúc vô cương" của đền Trần. Bên cạnh giá trị văn hóa, Lễ Khai ấn cũng mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Linh thiêng lễ Khai ấn

Tối 11/2 (ngày 14 tháng Giêng âm lịch), thời tiết tại Nam Định rất thuận lợi, trời se lạnh, không mưa, phù hợp cho các hoạt động du Xuân, vãn cảnh. Càng về đêm, lượng người và phương tiện về với Đền Trần càng đông. Ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến các nghi Lễ Khai ấn linh thiêng và muốn xin được những cánh lộc ấn với niềm tin trong năm mới mọi việc được hanh thông, thuận lợi.

Vừa rảo bước về đền Trần, ông Đoàn Văn Sử, phường Nam Phong, thành phố Nam Định chia sẻ, mặc dù Lễ Khai ấn năm nay trùng với những ngày làm việc, nhưng vẫn có rất đông người đến Đền Trần làm lễ. Từ 20 giờ tối nhưng các bãi gửi xe tại đây đã chật cứng phương tiện. "Năm nay, tôi sẽ ở đây để chờ đến lúc nhà đền thực hiện xong nghi Lễ Khai ấn, sau đó sẽ vào làm lễ trong những giờ đầu của ngày 15 tháng Giêng và xin lộc ấn", ông Đoàn Văn Sử cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, Lễ Khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc, bản chất của bốn chữ khắc trên ấn là "Tích phúc vô cương" mà vua Trần ban cho con cháu với muốn giữ gìn gia phong, kỷ cương, tích phúc thật tốt thì mai sau lộc hưởng mới bền vững. Hiện nay, Lễ Khai ấn Đền Trần đã được tổ chức đầy đủ các nghi lễ truyền thống với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách.

Theo kế hoạch, từ 22 giờ 40 phút sẽ tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn từ đền Cố Trạch, nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần, kiệu rước sẽ được đặt trước ban thờ Trung Thiên. Trong không gian linh thiêng tại ngôi đền cổ, lãnh đạo UBND thành phố Nam Định sẽ đọc diễn văn ca ngợi công lao to lớn của Vương Triều Trần đã có công dựng nước, giữ nước với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Khẳng định Lễ Khai ấn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Từ 23 giờ 15 phút, nghi Lễ Khai ấn sẽ được thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống, 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng cùng đại diện một số ban, ngành, đoàn thể vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu Khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Trưởng từ Đền Trần sẽ chịu trách nhiệm cất giữ những lá ấn này để dâng lên các đình, chùa trên địa bàn. Trong thời gian làm Lễ Khai ấn, cửa đền Thiên Trường sẽ được đóng để đảm bảo sự tôn nghiêm.

Từ 23 giờ 55 phút đền Trần được mở cửa trở lại để nhân dân và du khách vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ sáng ngày 12/2 (ngày 15 tháng Giêng), nhà đền sẽ tổ chức phát ấn tại nhà Giải Vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa.

Nhiều hoạt động đặc sắc

Lễ hội Khai ấn Đền Trần là một trong những lễ hội mùa Xuân tiêu biểu của vùng đất Thiên Trường xưa - Nam Định nay, nơi phát tích của Vương triều Trần, thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa, trở thành điểm du lịch tâm linh không thể thiếu của người người dân mỗi độ Xuân về. Theo Ban quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, từ đầu năm Ất Tỵ 2025 đến nay, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến với Đền Trần để tham quan, chiêm bái.

Sau hơn 5 năm thi công, đến nay dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng với nhiều điểm nhấn trong kiến trúc, các hoạt động hội ngày càng được mở rộng với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc thu hút đông đảo khách du lịch.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tại các địa điểm trong khuôn viên Khu di tích Đền Trần, Quảng trường Đông A, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian, trưng bày, triển lãm sẽ được tổ chức như: biểu diễn múa rối nước, múa lân - sư - rồng, chọi gà, thi đấu cờ người, trưng bày sinh vật cảnh, trưng bày các sản phẩm OCOP tại tỉnh Nam Định, triển lãm ảnh "Thành Nam những mốc son lịch sử", trưng bày ảnh đẹp du lịch Nam Định…

Để bảo đảm an ninh, an toàn cho Lễ Khai ấn, Công an tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch, huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ chia thành 5 vòng thực hiện các phương án đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống tội phạm ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng ăn xin, tội phạm trộm cắp, móc túi trong khu vực lễ hội. Đặc biệt, trong đêm diễn ra nghi lễ Khai ấn, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phân luồng các phương tiện vào địa bàn thành phố từ xa, hạn chế những loại phương tiện lớn vào khu vực tổ chức lễ hội.

Bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết, Ban tổ chức đã triển khai các phương án đảm bảo công tác y tế, vệ sinh môi trường tại các địa điểm diễn ra chương trình lễ hội, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian diễn ra lễ hội để tạo ấn tượng đẹp với du khách, lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong Lễ hội Khai ấn đầu Xuân...

Bài và ảnh: Công Luật (TTXVN)
Đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Khai ấn Đền Trần 2025
Đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Khai ấn Đền Trần 2025

Để Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra an toàn, Công an tỉnh Nam Định đã huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ thực hiện các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy cũng như phòng, chống tội phạm trong khu vực lễ hội và di tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN