Đạo diễn Trường Nguyễn cho biết: Ê kíp làm phim gồm 5 nhân sự: Đạo diễn Trường Nguyễn, biên tập Giao Nguyễn, quay phim Ngọc Ngọc - Tâm Back và flycam Tuấn Phạm. Để có 15 phút trên phim, cả ê kíp đã ròng rã nhiều ngày, chia nhau thời gian để có thể đến với người dân Long Sơn được nhiều và trọn vẹn nhất.
Từ 19 năm trước, đạo diễn Trường Nguyễn đã biết đến đảo Long Sơn, từng đến nơi này quay một phim ngắn về đạo ông Trần. Lần này, khi dành thời gian để tiếp cận gần gũi với người dân trên đảo, cả nhóm cùng mặc đồ bộ bà ba, đi chân trần như người dân. Nhờ vậy, bộ phim mới có được những khung hình quý hiếm về sinh hoạt đời sống và tín ngưỡng của người dân Long Sơn, nhất là về đám tang, phong tục mai táng và ý nghĩa khác biệt.
Đạo diễn Trường Nguyễn chia sẻ: Giải thưởng là sự khích lệ cho nhóm làm phim tiếp tục quay lại đảo Long Sơn, làm nhiều tập phim nữa về con người và vùng đất này. Công chúng có thể xem phim tại link: https://youtu.be/C5OlQf4TXjk?si=lLRN27R_cD8Xz2P_.
Đạo diễn Trường Nguyễn tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (1997); sau đó tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội - Khoa đạo diễn (2007). Hiện anh là phóng viên, quay phim, đạo diễn tại Ban Chuyên đề, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã có nhiều tác phẩm giành giải thưởng cao tại các liên hoan, cuộc thi. Gần đây nhất là Giải ba Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2018 với phóng sự "Fansipan - Tuyệt tác giữ mây ngàn"; huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2019 với tác phẩm "Phía sau một ca hiến tạng"; huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2022 - Giải B phim khoa học - Giải đặc biệt - phim xuất sắc về đa dạng sinh học với phim "Vũ điệu Tràm chim". Anh cũng đã giành giải A, Giải Báo chí quốc gia 2022 với tác phẩm "HTV từ tâm dịch".
Cuộc thi Sáng tạo và tôn vinh sắc Việt do Intel Việt Nam tổ chức, góp phần gìn giữ và tôn vinh giá trị đậm chất Việt. Chủ đề xoay quanh đời sống đầy sắc màu của người dân như giá trị văn hóa truyền thống, xã hội, con người và cảnh sắc, giá trị nhân văn qua các hoạt động thiện nguyện.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu: Đạo ông Trần pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, truyền bá lối sống đơn giản, tự do, không cần tiếng chuông, tiếng mõ, không ăn chay, không kiêng kỵ và hướng con người đến với chân - thiện - mỹ. Trong đó, ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1856, người Hà Tiên đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp khoảng năm 1900) vẫn dạy con cháu giữ gìn những phong tục, tập quán của ông như mặc quần áo bà ba, đi chân đất, tóc búi gọn gàng…, mang đậm chất con người Nam Bộ.
Ông cũng là người kêu gọi xây dựng Nhà lớn Long Sơn bên sườn phía Đông Núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn. Đây là một quần thể kiến trúc theo lối cổ, mang nhiều nét đặc sắc, lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời, với các tín ngưỡng dân gian và tâm linh độc đáo được khởi công xây dựng từ năm 1910 đến 1929). Tất cả các chi phí xây dựng đều do ông và nhiều người tự nguyện đóng góp... Cho đến nay, khu di tích Nhà lớn Long Sơn vẫn được thế hệ con cháu gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn. Đây cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn, thích hợp cho những ai mong muốn tìm kiếm sự hoài cổ và những trải nghiệm mới lạ khi đến thành phố biển xinh đẹp Vũng Tàu.