Kỷ niệm 20 năm di tích Cố đô Huế là di sản thế giới

Ngày 22/9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (1993 - 2013); 10 năm Nhã nhạc Huế - Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2003 - 2013). Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quốc Việt – TTXVN


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những năm qua, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới ở các địa phương luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh để các địa phương chủ động triển khai các hoạt động khảo cổ, nghiên cứu, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị các di sản văn hóa; đồng thời có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân chung tay đóng góp vào sự nghiệp này. Đối với Huế, từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới kể cả văn hóa vật thể và phi vật thể, quần thể di tích Cố đô Huế ngày càng được bảo tồn, tôn tạo nhằm giữ gìn toàn vẹn những di sản vô giá của dân tộc cho các thế hệ mai sau và phát huy giá trị trong việc thu hút khách du lịch.


Bà Katherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn di sản của Huế trong thời gian qua, đồng thời khuyến nghị địa phương cần tiếp tục xây dựng kế hoạch quản lý di sản thế giới một cách hiệu quả và thiết thực hơn; đặc biệt là khắc phục một cách hệ thống những ảnh hướng đối với di sản cả do con người và thiên nhiên gây ra.


Đánh giá kết quả công tác trùng tu di tích, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: Từ năm 1996 đến nay, gần 100 công trình được phục hồi, trùng tu tôn tạo; hàng trăm công trình được bảo quản chống xuống cấp; nhiều công trình có giá trị tiêu biểu đã được tu bổ như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, Trường lang, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Lăng Gia Long, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, 10 cổng Kinh Thành... với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng. Những thành tựu đó là động lực quan trọng thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

 

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố hoàn thành, đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và phát lệnh thông xe dự án đầu tư nâng cấp nền và mặt đường của đường tránh Huế.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, dịch vụ để khai thác tốt hơn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài trong việc thu hút khách du lịch, kể cả trong và ngoài nước, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu đưa Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Quốc Việt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN