Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà viết kịch, nhà văn, đạo diễn Lộng Chương (ảnh) - cây đại thụ của nền sân khấu cách mạng Việt Nam, đã diễn ra ngày 3/7, tại Hà Nội, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, đạo diễn, nhà viết kịch, diễn viên, bạn bè tâm giao của ông. Chương trình do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, như là sự tri ân, tưởng nhớ dành cho người nghệ sỹ lão thành của sân khấu cách mạng Việt Nam đương đại, người đã dành cả đời cho sự nghiệp sáng tác, hoạt động của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và hướng dẫn nghề cho nghệ sỹ đàn em.
Nhà viết kịch, nhà văn, đạo diễn Lộng Chương (1918-2003) tên thật là Phạm Văn Hiền, quê quán tại Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương. Dù không theo học văn chương, nhưng ông đã sớm bộc lộ tố chất của một người hoạt động văn học nghệ thuật từ rất sớm, đặc biệt là với sân khấu. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Lộng Chương đã sử dụng kịch nghệ như một vũ khí hiệu quả của người chiến sĩ với tâm nguyện cống hiến hết mình cho nền văn học, nghệ thuật của đất nước. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 (năm 2000).
Ngay sau lễ tưởng niệm, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam đã diễn một trích đoạn trong vở "Tình sử Loa thành" của tác giả Lộng Chương. Vở diễn do NSND Nguyễn Ngọc Phương đạo diễn, ra mắt lần đầu vào năm 1979 và biểu diễn kéo dài đến năm 1993 với hàng nghìn buổi diễn.
Cũng nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Lộng Chương, nhà xuất bản Sân khấu và nhà xuất bản Hội Nhà văn cùng gia đình ấn hành 3 tác phẩm mới về ông là: “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến” (tập kịch và những sáng tác khác); “Lộng Chương trong trái tim bè bạn” (tập hợp các bài viết của nhiều tác giả) và “Lộng Chương, Ta - bạn và đời” (tập thơ).
Thanh Giang