Mỗi một vùng quê, mỗi một dân tộc trên dải đất hình chữ S thân yêu đều có những điệu hát, những câu hò, những câu hát dân ca mang âm hưởng của từng vùng, miền, từng dân tộc. Tuy được thể hiện bằng nhiều hình thức, nhiều giai điệu khác nhau, nhưng những điệu hát, câu hò ấy đều mang trong mình hình ảnh về quê hương xứ sở, lắng đọng tinh hoa văn hóa của dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người. Muốn yêu Tổ quốc, phải yêu khúc hát dân caTrong hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh có kể một câu chuyện xúc động về tình yêu cả Bác dành cho những khúc dân ca. Chuyện kể rằng, vào những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của mình, Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc có một mong muốn thật giản dị: Người “thèm” được nghe một câu hò xứ Huế, một câu hát ví, giặm Nghệ Tĩnh, rồi một làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh... mong muốn ấy tuy giản dị, nhưng vô cùng sâu sắc. Bác Hồ đâu phải chỉ muốn nghe hát, mà Người muốn mang theo những hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước, mang theo những âm hưởng dân ca thắm đượm tình quê cùng mình vào cõi vĩnh hằng. Nhưng đồng thời, Người cũng muốn nhắn nhủ đến các thế hệ con cháu sau này, hãy yêu và gìn giữ những câu hát dân ca. Câu chuyện xúc động ấy đã được nhạc sỹ Trần Hoàn kể lại bằng bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” với lời nhắc nhở cuối cùng rằng: “Muốn yêu Tổ quốc mình, thì càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”.
Bác Hồ yêu những khúc hát dân ca, bởi những câu hát ấy là kết tinh từ những giọt mồ hôi của người lao động, từ những khát vọng sống hòa bình của mỗi con người. Những khúc dân ca mang trong mình hình ảnh về quê hương, đất nước, cũng đã trở thành nơi lắng đọng của tình yêu, của tinh hoa, của bản sắc văn hóa của dân tộc. Nó cũng là điểm tựa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay.
Những câu hát quan họ luôn thắm đượm tình quê hương. |
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang trong mình một sự đa dạng về sắc tộc, về địa hình cư trú, về những phong tục, tập quán, tín ngưỡng... và đặc biệt là những kho tàng âm nhạc dân gian hết sức phong phú.
Đến với vùng miền núi phía Bắc, khắp các bản làng nơi đây luôn vang lên những câu hát sli, hát lượn, hát then của người Tày - Nùng, tiếng Khắp của người Thái, Rang của người Mường... rồi những điệu múa xòe, múa sạp, múa khèn... rộn ràng trong tiếng đàn tính tẩu, tiếng kèn môi, khèn bè, cồng chiêng... Xuống vùng châu thổ sông Hồng, chúng ta lại được hòa mình trong những câu hát quan họ, hát xoan, hát ghẹo, hát trống quân, hát chầu văn, hát chèo, hát đúm... Đến miền Trung là những làn điệu dân ca ví, giặm của Nghệ An - Hà Tĩnh. Vào đến Huế, ta được nghe những điệu lý, câu hò thân thương, đến Quảng Nam, Đà Nẵng thì được nghe bài Chòi... Đi sâu xuống vùng văn hóa Nam Bộ, chúng ta lại được nghe những điệu hò trên sông nước, nghe những câu ca vọng cổ, hay những làn điệu dân ca Khmer, dân ca Chăm...
Có thể nói, dọc theo chiều dài đất nước, dân tộc nào, địa phương nào những khúc hát dân ca cũng luôn hiển hiện trong đời sống, sinh hoạt thường ngày của các làng quê, của mỗi gia đình, mỗi người con dân đất Việt. Những khúc hát sâu lắng, đằm thắm mà dung dị ấy đã gắn bó mật thiết với con người Việt Nam, cho dù có đi xa quê hương, mỗi khi nghe những âm điệu dân ca gần gũi thân quen nơi quê nhà vang vọng, hẳn trong sâu thẳm cõi lòng những người con xa xứ lại trào lên bao nỗi niềm thương nhớ, với những ký ức buồn vui ngọt bùi cay đắng.
Giá trị giáo dục từ câu hát dân ca
Các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, cũng như các nhà khoa học có liên quan đã khẳng định, một trong những dấu tích của dân ca đã xuất hiện cách chúng ta khoảng trên dưới 2.500 năm. Qua các hoa văn trên trống đồng từ thời văn hóa Đông Sơn đã cho thấy, người Việt cổ đã sử dụng các hình thức âm nhạc để múa hát. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, từ những đòi hỏi bức thiết trong đời sống xã hội, các loại hình âm nhạc dân gian khác nhau lần lượt ra đời và được nhân dân lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi cho đến nay, Việt Nam đã có hàng trăm làn điệu, hàng nghìn bài hát dân ca được cha ông ta sáng tạo, đúc kết từ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Điều đáng nói là trong số hàng ngàn bài hát dân ca, bên cạnh những bài hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, có rất nhiều bài hát được đúc kết thành những kinh nghiệm sống, dạy con người về nết ăn, nết ở, dạy cách đối nhân xử thế, dạy làm người...
Nhạc sỹ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển âm nhạc Việt Nam khẳng định, giá trị sâu sắc nhất của những khúc hát dân ca không chỉ là những làn điệu âm nhạc truyền thống đặc sắc, mà trong đó còn chứa đựng tình yêu nước, giáo dục con người cách đối nhân, xử thế. Bởi lẽ, những câu hát dân ca của cha ông ta thường được sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân Việt Nam. Trong đó có nhiều bài hát giáo dục con người về cách sống, dạy con người biết sống có nề nếp, biết yêu quý cha mẹ, anh em, đả kích thói hư tật xấu của con người... Ví như bài hát “Mời nước, mời trầu” của dân ca quan họ Bắc Ninh, nói về việc tiếp đón khi khách đến nhà. Hay như bài “Ví đò đưa sông Lam” dạy con người biết sống sao cho có tình có nghĩa: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh/Thuyền em lên thác xuống ơ ơ ghềnh/Nước non là nghĩa là tình ai ơi...”.
Bên cạnh đó, nhiều bài hát dân ca có tính giáo dục lịch sử, bởi nội dung những bài hát ấy kể về những vị anh hùng dân tộc. Ví như trong bài “Hò bơi thuyền”:
cho dù có đi xa quê hương, mỗi khi nghe những âm điệu dân ca gần gũi thân quen nơi quê nhà vang vọng, hẳn trong sâu thẳm cõi lòng những người con xa xứ lại trào lên bao nỗi niềm thương nhớ, với những ký ức buồn vui ngọt bùi cay đắng. |
“Nước sông lam dào dạt/Đây cảnh đẹp Nam Đàn/Ai đi chợ Sa nam/Mà xem thuyền xem bến/Ngày xưa Mai Hắc Đế quyết cứu nước phất cờ...”. Hay như trong nghệ thuật hát chầu văn, có rất nhiều bài hát kể về công trạng của các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ - Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí - ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - ông Hoàng Bơ, bà Lê Chân - Thánh Mẫu Bát Nàn... nhờ nghe những bài hát này mà nhiều người đã hiểu thêm câu chuyện về những vị anh hùng.
Nhạc sỹ Thao Giang kể, cách đây mấy chục năm, khi ông còn trẻ, có tham gia biểu diễn phục vụ các chiến sỹ ngoài chiến trường, có một vị tướng đã chia sẻ với ông một nguyện vọng hết sức đơn giản: Chỉ mong chiến tranh kết thúc, mong đến ngày chiến thắng, để được về quê nghe hát bài Chòi. Và vị tướng ấy đã nói: “Mình cố gắng chiến đấu cũng chính là để giành lại những làn điệu đó cho con cháu sau này đấy thôi”. Bản thân nhạc sỹ Thao Giang cũng thừa nhận, những lần đi công tác ở nước ngoài, mỗi khi nghe được một câu hát dân ca, là ông lại nhớ nhà “không chịu nổi, thậm chí còn cảm thấy ngột ngạt, như thiếu dưỡng khí”.
Câu chuyện đi xa nghe hát nhớ quê nhà cũng được khắc họa một cách chân thực, rõ nét qua bài thơ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” của nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, khi ông đang du học ở nước Nga. Bài thơ được cố nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng cùng tên, đã lay động công chúng hàng chục năm nay, đặc biệt là với những người con đất Việt đang sống và làm việc ở nơi đất khách quê người, mỗi khi nghe “câu hò xứ sở, lại cảm thấy “thắm đượm tình quê”.
“Tình yêu quê hương, đất nước bắt nguồn chính từ những tình cảm của con người với những hình ảnh thân thuộc, gần gũi với chúng ta. Đó có thể là cây đa, bến nước, sân đình, cũng có thể là con phố nhỏ, con ngõ nhỏ thân quen hàng ngày ta vẫn đi về... Và những hình ảnh thân thuộc ấy luôn hiển hiện trong những câu dân ca Việt Nam từ bao đời nay”, nhạc sỹ Thao Giang nhấn mạnh.
Phương Hà