Tác giả Phạm Văn Quý:

“Không viết kịch thì không được là chính mình”

Sở hữu “gia tài” trên 100 vở kịch, 10 bộ phim truyền hình được dựng, cùng những tiểu phẩm ngắn viết cho các đài truyền hình… nhà viết kịch Phạm Văn Quý được đồng nghiệp và giới trong nghề gọi là “tỷ phú” ngành sân khấu.


Với ông, không viết kịch thì không được là chính mình. Các tác phẩm của ông dù là về đề tài lịch sử, chiến tranh hay đời sống xã hội…, tất cả đều gắn chặt với số phận của những con người.

Mê kịch đến nghiện

Nhà viết kịch Phạm Văn Quý là người mê sân khấu đến… nghiện. Từ khi còn rất nhỏ, khoảng 8 - 9 tuổi, mỗi lần có đoàn kịch về biểu diễn, ông hầu như không bỏ lỡ vở nào. Nhà nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ ông nhọc nhằn buôn bán nuôi con, nên ông không mấy khi có tiền mua vé xem kịch. Vì mê kịch quá, ông thường đến các đoàn kịch xin được đánh phèng la (quảng cáo mời người dân vào xem), để khi đoàn biểu diễn, được vào bên trong xem kịch. Cũng có khi ông phải trèo tường, chui rào trốn vé vào xem. Nhiều hôm mưa rét, từ nhà đến nơi biểu diễn phải đi qua một cánh đồng và bãi tha ma, dù rất sợ ma, nhưng ông vẫn một mình lặn lội đi xem. Sáng hôm sau, lại dậy sớm, cõng em đến tận nơi đoàn kịch ở, xem các diễn viên sinh hoạt cá nhân, ăn uống, luyện tập… “Khi đó, tôi thấy sân khấu như thiên đường. Nhìn công chúa, hoàng tử trên sân khấu mà thấy như công chúa, hoàng tử ngoài đời vậy”, nhà viết kịch Phạm Văn Quý kể lại.

Nhà viết kịch Phạm Văn Quý.


Nhưng dù rất hâm mộ các diễn viên, cậu bé Phạm Văn Quý hồi đó lại chưa từng mơ trở thành diễn viên, mà chỉ thích làm đạo diễn hoặc biên kịch. Năm 18 tuổi, ông viết vở kịch đầu tiên có tên “Từ nay hết khổ”, vở kịch được đăng trên tạp chí Thái Nguyên. Khi đó ông đang là lính ở Trung đoàn Sông Lô.

Từ năm 1961 đến năm 1970, ông bôn ba từ Trung đoàn Sông Lô, giảng dạy ở trường Kỹ thuật thông tin của Bộ Tư lệnh Thông tin, rồi làm cán bộ công đoàn trong Nhà máy xe đạp Thống nhất. Thời gian này, ông thường xuyên sáng tác thơ cách mạng đăng trên các báo, nên nhiều người vẫn gọi ông là “nhà thơ đỏ”. Năm 1970, ông nghỉ làm ở nhà máy, về phụ trách trang âm của Đoàn Cải lương Chuông vàng.

Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian ngắn, ông lại chuyển sang làm kinh doanh, sản xuất đồ nhựa và trở thành người giàu nhất phố, là chủ nhiệm hợp tác xã trẻ nhất. “Mặc dù khi đó có rất nhiều tiền, mua nhà, cưới vợ, nhưng tôi vẫn thấy cuộc sống như thiếu thốn gì đó, như không được là chính mình…”, nhà biên kịch Phạm Văn Quý chia sẻ.

Lúc khổ nhất, viết nhiều nhất

Sau khi giải tán hợp tác xã nhựa, ông Quý dồn vốn cho vợ ra chợ Đồng Xuân buôn bán. Cuộc sống đang yên ổn thì tai họa ập đến, chợ Đồng Xuân bị cháy, bao nhiêu vốn liếng bị mất hết, vợ chồng ông phải bán đất, bán nhà đi để trang trải nợ nần. Cũng trong thời gian đó, hai con ông bắt đầu vào đại học. Lúc nào cũng tất tả với gánh nặng về cơm, áo, gạo tiền. Trong lúc khó khăn, túng quẫn, anh rể và bạn viết động viên ông viết kịch để kiếm sống. Vậy là ông lại bắt tay vào sáng tác.

Năm 1986, ông cho ra đời kịch bản “Dòng đời vô tận”. Vở kịch được Đoàn Cải lương Chuông vàng dàn dựng. Bắt đầu từ đây, ông viết kịch không chỉ vì đam mê, mà là vì kiếm tiền. Vì kiếm tiền, ông làm việc 18 tiếng/ngày, làm đến “quên chết”. Ai đặt cái gì viết cái đó, không câu nệ, đề tài nào ông cũng viết. Ông viết kịch cho Đài Tiếng nói Việt Nam, viết cả tiểu phẩm cho Đài Truyền hình Việt Nam… Ông kể: “Có thời điểm, con cái thiếu tiền đóng học, tôi suốt ngày ngồi nhà, xoay trần với một chiếc quạt, một cái bàn mọt… đọc tài liệu, sáng tác kịch bản. Suy nghĩ nhiều đến bị đau dạ dày, tôi tự chế thuốc uống rồi lại tiếp tục sáng tác”.

Cũng vì cần tiền trang trải cuộc sống, ông trở thành “thợ săn giải thưởng” ở các cuộc thi viết kịch bản. “Khi đó, cứ ở đâu phát động cuộc thi sáng tác, bạn bè tôi lại mách, tôi lại cặm cụi viết kịch bản dự thi, với hy vọng được giải để lấy tiền nuôi con ăn học. Cũng may là hầu như tham dự cuộc thi nào, tôi cũng giành được giải thưởng, nên cuộc sống dễ thở hơn nhiều”, ông Quý kể lại.

Mặc dù viết theo đơn đặt hàng, viết để “săn” giải thưởng… để kiếm sống, nhưng nhà viết kịch Phạm Văn Quý chưa bao giờ dễ dãi với các tác phẩm của mình. Tác phẩm nào cũng được ông viết một cách nghiêm cẩn, rất nhân văn. Ông viết nhiều thể loại, từ chính kịch tới hài kịch, bi kịch… với những mảng đề tài khác nhau. Có lịch sử, có chiến tranh cách mạng, có đề tài xã hội… ở mảng đề tài nào, những tác phẩm của ông cũng đều khai thác sâu về thân phận con người, về những vấn đề gần gũi với đời sống xã hội. Ngay cả khi viết về chiến tranh, ông không ham cảnh bom đạn, mà tìm đến những góc khuất, những câu chuyện đời thường xảy ra trong chiến tranh, ca ngợi những con người đã thầm lặng hy sinh cho dân tộc…

Cho đến nay, “kho” kịch bản của ông đã lên đến hàng trăm tác phẩm. Nhiều vở kịch nổi tiếng như “Tả quân Lê Văn Duyệt”, “Thái úy Lý Thường Kiệt”, “Thái tổ Lý Công Uẩn”, “Tình sử Thăng Long”, “Người thi hành án tử”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, “Chiến trường không tiếng súng”, gần đây nhất là vở “Những người con Hà Nội”… Ông cũng có nhiều vở hài kịch dài như “Phương thuốc thần kỳ”, “Cưới chạy”, “Đồ rởm”… được khán giả yêu thích. Trong đó, “Phương thuốc thần kỳ” đã lập kỷ lục với 14 đoàn dàn dựng, từ Phú Thọ đến Cà Mau, vở diễn cũng tạo nên kỳ tích khi sáng đèn ở sân khấu 5B Võ Văn Tần liên tục 2 năm liền. Bên cạnh đó, nhiều vở kịch khác như “Cưới chạy”, “Đồ rởm”… cũng sáng đèn hàng năm ở các sân khấu phía Nam.

Bây giờ nhiều lúc nhớ lại, bản thân ông cũng cảm thấy ngạc nhiên vì sức viết của mình. Ông bảo: “Trước tôi viết nhiều để kiếm tiền. Bây giờ, tôi viết vì tình yêu, vì niềm đam mê với sân khấu, bởi sân khấu đã là cái nghiệp, là sự sống của đời tôi”, nhà viết kịch Phạm Văn Quý tâm sự.

Bài và ảnh: Phương Lan
Sức sống của kịch Lưu Quang Vũ
Sức sống của kịch Lưu Quang Vũ

Điển hình yêu kịch Lưu Quang Vũ là Nhà hát Tuổi trẻ và Công ty Đông Đô Show. Với Nhà hát Tuổi trẻ, năm nào trong kịch mục cũng có một vài vở diễn của Lưu Quang Vũ được dàn dựng lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN