(Tin tức) - Nhà viết kịch Phạm Văn Quý là người đạt kỷ lục khi có tới 10 kịch bản sân khấu về Thăng Long - Hà Nội. Ông đã được trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2009 cho 10 kịch bản đó, cùng một loạt giải thưởng tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp trên các loại hình: Kịch nói, chèo, cải lương… 2009 và 2010. Tính sơ sơ trong năm 2010, ông đã có tới 6 kịch bản được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp. Luôn làm mới mình, đó là một bí quyết để thành công mà Phạm Văn Quý đã chia sẻ với báo Tin Tức.
Với gia tài hơn 10 đầu phim, hơn 100 vở kịch được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp, ông nghĩ gì khi có người gọi ông là “thợ kịch”?
Vâng, tôi là thợ. Thợ lành nghề và chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ cái hẹn trả hàng, từ hợp đồng giá cả đến cách ứng xử với kịch bản sau khi đã trao vào tay đạo diễn. Đó là không bắt bẻ, không đòi giữ đoạn này đoạn kia, không “cấm sửa chữa”, cấm “sáng tạo”. Bởi lẽ, dẫu mình có viết hay đến mấy thì cũng không thể bằng anh đạo diễn và diễn viên - những người sáng tạo trực tiếp trên sàn diễn. Họ biết chỗ nào nên cười, chỗ nào không nên cười và chỗ nào cần nhấn mạnh…
Đúng là không thể phủ định rằng Phạm Văn Quý đang “đắt sô” loại nhất hiện nay. Tên của ông như một sự đảm bảo cho những vở hài kịch không hời hợt và những vở chính kịch không ế ẩm. Bí quyết gì để tạo nên sự thành công cho riêng mình?
Mỗi năm các đơn vị nghệ thuật chỉ dựng 1 đến 2 vở, vở đó yêu cầu phải có chất lượng nghệ thuật cao và phải có sức hấp dẫn để “gọi” khán giả đến rạp hát. Theo tôi, nhiều tác giả hiện nay viết quá nặng, đặt những vấn đề triết lý quá cao siêu khiến người xem khó hiểu. Một vở diễn dẫu là chính kịch, thì tác giả kịch bản phải làm sao đáp ứng được tầm nhận thức và gu thẩm mỹ của khán giả. Khi viết họ phải đan cài những yếu tố giải trí, hài mang tính vui vẻ. Hiện nay, các nhà viết kịch có tuổi thì đại đa số tư duy và cách viết quá cũ, các tác giả trẻ thì chưa tự bứt phá để tạo dấu ấn riêng. Theo tôi, nhà viết kịch phải làm mới lại mình.
Vở “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, kịch bản Phạm Văn Quý. Ảnh: CTV
Nhìn vào chất lượng và đề tài khai thác đều thấy thiếu vắng những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội. Sự thiếu hụt trầm trọng những kịch bản về đời sống hiện đại đã làm sân khấu ngày càng thiếu đi sức hấp dẫn với người xem. Ông nghĩ gì về nhận định này?
Trong tình hình sáng tác kịch bản hiện nay, có một vấn đề là các nhà viết kịch của ta dường như đang lỗi nhịp với cuộc sống hiện đại, đưa ra những sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của các đơn vị nghệ thuật. Một nghịch lý là lực lượng viết kịch bản sân khấu rất đông, ngày càng có thêm những tên tuổi mới, nhưng số kịch bản được dàn dựng và thực sự hấp dẫn khán giả lại không nhiều. Nhìn vào chất lượng và đề tài khai thác đều thấy thiếu vắng những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội. Các nhà viết kịch nên phản ánh những điều mà xã hội quan tâm. Ngay cả đề tài lịch sử cũng cần có tính hiện đại và với những góc nhìn của người hôm nay. Tôi rất mừng khi năm 2010 có 3 đơn vị dựng kịch bản Người thi hành án tử của tôi và cả 3 vở diễn đều có doanh thu tốt.
Thành công và giành nhiều giải thưởng về đề tài lịch sử, bí quyết nào để một tác giả viết kịch thành công về đề tài lịch sử, thưa ông?
Theo tôi đó là các yếu tố sau: Người viết phải dày dặn về lịch sử và thực sự yêu mảnh đất, con người mà mình tái hiện. Hà Nội là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nên tôi yêu và gắn bó như máu thịt của mình. Phải biết cách viết đề tài lịch sử, tuyên dương lịch sử. Hiện nay, một số nhà viết kịch và một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu có chiều hướng dựng những nhân vật và sự kiện không có trong lịch sử, gây sốc cho khán giả. Khán giả đã phản ứng rất mạnh. Khi viết kịch bản lịch sử, tác giả phải có hư cấu, nhưng không được làm sai sự thật cũng như bản chất của sự vật, hiện tượng và con người.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngân Ca (thực hiện)