PGS.TS Ngô Văn Doanh và đoàn khảo sát con đường đá Chăm Pa |
Từ lòng đất đến không gian
Sa Huỳnh là nơi đầu tiên trên thế giới có những phát lộ trong lòng đất minh chứng cho một trong những nền văn hóa cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam – Văn hóa Sa Huỳnh. Đặc biệt, khu vực đầm An Khê (huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi) còn hiện hữu những điều kiện thuận lợi và các dấu tích về không gian sinh tồn của cư dân Sa Huỳnh xưa. Và chính không gian văn hóa Sa Huỳnh là câu chuyện kể độc đáo, sinh động về nền văn hóa còn nhiều bí ẩn này.
Quảng Ngãi là nơi có sự phân bố dày đặc và liên tục các di chỉ khảo cổ, hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh cách nay hơn 3000 năm. Văn hóa Sa Huỳnh giao thoa mạnh mẽ với Văn hóa Đông Sơn, Óc Eo cùng niên đại và các văn hóa khác như: văn hóa Hoa Lộc, Phùng Nguyên, Bàu Tró… Đây là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất về việc xác định người Sa Huỳnh cổ là nhóm cư dân bản địa chứ không phải du nhập từ nơi khác đến. Ngoài ra, “những di vật tiếp nối Văn hóa Sa Huỳnh còn hiện hữu ngay trên mặt đất cũng mang nét độc đáo hiếm có trên thế giới, như bia ký Chăm Pa còn vẹn nguyên 10 dòng chữ bí ẩn khắc trên tảng đá cao lớn, cầu đá bắc qua sông ngang cạnh đầm An Khê”, theo PGS.TS Ngô Văn Doanh (chuyên gia về Văn hóa Chăm).
“Xét về góc độ môi trường sống, khu vực đầm An Khê có điều kiện thuận lợi hình thành nên điểm tụ cư sớm và đông đúc” – theo PGS.TS Vũ Cao Minh. Chỉ cách biển khoảng 150 m, đầm An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất từ vùng ven biển Thừa Thiên Huế trở vào Bình Định. Đây là nguồn nước ngọt dồi dào, ổn định quanh năm, đáp ứng được lượng nước sinh hoạt, canh tác lâu dài. Với diện tích hơn 347 ha, nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú.
Ngoài ra, dải thềm cát cổ chạy dọc phía Đông Bắc đầm là nơi thích hợp làm chỗ ở sơ khai vì đồi cát rộng, bằng phẳng, thuận lợi cho đi lại giữa biển và đầm, dễ phát hiện thú dữ. Nói về địa hình, nơi đây hội đủ các dạng địa hình đồi núi ven biển rừng nhiệt đới, phong phú những loại cây có quả có thể hái lượm để sử dụng. Khu cánh đồng giữa núi là loại đất thịt, có địa hình tương đối rộng, phẳng, sẵn nước, có thể sử dụng để trồng lúa nước, trồng rau hoa màu. Bên cạnh đó, nguồn đất sét cao lanh vẫn còn được khai thác cũng chính là nguồn gốc tạo ra những sản phẩm gốm đầy tính thẩm mỹ của cư dân Sa Huỳnh xưa. Các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, đồ gốm,…và đặc biệt là nguồn muối quý giá được làm từ đầm nước mặn cạnh đầm An Khê là những loại hàng hóa duy trì quá trình giao thương lâu dài, rộng rãi của cư dân Sa Huỳnh xưa. Như vậy, tại khu vực đầm An Khê - không gian văn hóa Sa Huỳnh tại thế kỷ XXI vẫn còn lưu giữ phần lớn những điều kiện tự nhiên thuận lợi làm nên một nền văn hóa giá trị trong lịch sử.
Trải qua hàng nghìn năm biến thiên của lịch sử, sự vận động của tự nhiên và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không gian Văn hóa Sa Huỳnh tại khu vực đầm An Khê vẫn khiến ta dễ dàng nhận ra các “hóa thạch văn hóa” đang tồn tại trong đời sống của cộng đồng người dân bản địa. Các phương thức sản xuất vẫn còn giữ được nét thô sơ. Những ruộng bậc thang cổ xưa vẫn hàng ngày được chăm bón hoàn toàn bởi nắng, gió, đất và nước của thiên nhiên. Những chiếc ghe nhỏ thô sơ, ngư cụ và cách đánh bắt thô sơ truyền thống vẫn được gìn giữ để khai thác sản vật trong đầm An Khê và vùng ven biển. Những cánh đồng muối Sa Huỳnh không chỉ nổi tiếng về sản lượng và chất lượng mà nó còn là hiện thân của “vàng” trong quá khứ, một nguồn tài nguyên quý giá, làm nên "con đường muối"thống trị giao thương cả một vùng rộng lớn từ đồng bằng đến vùng cao và ra hải đảo.
Không gian văn hóa Sa Huỳnh còn có những ngôi làng cổ, những giếng nước cổ, con đường làng nối làng được xếp đá ngay ngắn vẫn giữ yên nét cổ kính, huyền bí. Tất cả những điều thú vị trên chính là sự ngưng đọng của quá khứ hàng nghìn năm, các hoạt động thường nhật vẫn gắn liền với đồi núi, cồn cát, đầm, bàu, biển cả, cuộc sống tự cung tự cấp vẫn được cộng đồng gìn giữ, bảo lưu trong vô thức vì nơi đây không theo kịp tốc độ của cơn lốc phát triển kinh tế - xã hội như những vùng miền khác hiện nay.
Di sản chồng lên di sản
Các chuyên gia khảo sát nơi có dấu tích được cho là thuộc thời kỳ văn hóa Chăm tại khu vực đầm An Khê. |
Nếu xét về mặt không gian thì không gian văn hóa Sa Huỳnh là cả một vùng rộng lớn của dải đất miền Trung Việt Nam, trải dài từ cao nguyên ra hải đảo, rộng ra cả Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong phạm vi hẹp, không gian văn hóa Sa Huỳnh gần như phủ kín cả tỉnh Quảng Ngãi và đây cũng là nơi đã được các nhà nghiên cứu khẳng định là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh.
Hơn nữa, không gian văn hóa Sa Huỳnh còn kéo dài đến huyện đảo Lý Sơn - hòn đảo duy nhất của tỉnh hiện đang thuộc vùng lõi của Công viên địa chất Lý Sơn. Bộ hài cốt song táng có niên đại 2.500 tuổi được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Xóm Ốc và nhiều hiện vật khác là minh chứng quý giá cho sự xuất hiện và định cư lâu dài của cư dân Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Các giá trị của Công viên địa chất Lý Sơn càng được nâng cao hơn khi không gian văn hóa Sa Huỳnh chồng lên các giá trị địa chất, địa mạo, môi trường... Đây là điểm cộng rất lớn để hướng đến công nhận Công viên địa chất toàn cầu, là điều độc đáo, khác biệt thu hút đông đảo du khách đến với Quảng Ngãi.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Đề án xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, xúc tiến việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới. Đồng thời, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương hoàn thiện hồ sơ di tích cấp Quốc gia đặc biệt và lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho không gian văn hóa Sa Huỳnh. Không gian văn hóa Sa Huỳnh nếu được công nhận là Di sản văn hóa thế giới sẽ là động lực hỗ trợ rất lớn cho Công viên địa chất toàn cầu và Quảng Ngãi sẽ sở hữu cùng lúc hai di sản thế giới, nối dài thêm Con đường di sản miền Trung Việt Nam.