Sự ra đời của các không gian nghệ thuật công cộng trên địa bàn Thủ đô đã tạo ra màu sắc mới cho đô thị Hà Nội, hình thành các điểm vui chơi giải trí cho người dân và là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật của một số đơn vị, tổ chức. Trong đó, Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, Phố bích họa Phùng Hưng được coi là hình mẫu trong việc biến những nơi ô nhiễm, nhếch nhác thành không gian văn hóa, nghệ thuật. Tuy vậy, sau một thời gian hoạt động, một số không gian nghệ thuật công cộng bắt đầu bị xuống cấp, cần được sớm chỉnh trang.
Những mảng màu hoen cũ
Nếu đầu năm 2020, người dân khu phố 1 và 2, thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vô cùng phấn khởi khi một bãi rác ô nhiễm ven sông Hồng biến thành Con đường nghệ thuật với những tác phẩm được sáng tạo từ những vật liệu tái chế thì đến nay lại rơi vào trạng thái trái ngược khi các tác phẩm nghệ thuật đang trong tình trạng xuống cấp. Nhiều tác phẩm bị rơi, gãy các chi tiết, có tác phẩm bị người dân che lấp bởi các vật dụng khác. Tác phẩm "Thuyền" của họa sĩ Vũ Xuân Đông vốn được gắn kết bằng các chai lọ bỏ đi, đến nay các chi tiết của con thuyền bị rơi rụng, số còn lại nhuốm rêu, bụi bặm. Thậm chí, ngay cạnh khu vực sắp đặt tác phẩm “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn còn bị người dân chiếm dụng bán hàng nước. Tác phẩm "Múa lân" của họa sĩ Xuân Lam cũng bị bong tróc, sứt vỡ, màu sơn đang bạc dần. Tác phẩm "Làm cho Hà Nội xanh và sạch" của tác giả George Burchett cũng bị cây và rêu bao phủ. Sinh hoạt của người dân cũng tác động rất lớn đến Con đường nghệ thuật như bày bán hàng, đặt bàn ghế đá, lắp dựng dụng cụ tập thể thao... Đến Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, giờ đây người ta chỉ còn nhận ra tác phẩm “Thành phố bên sông” của tác giả Nguyễn Ngọc Lâm, “Rồng của dòng sông” của tác giả Del Valle Cortizas Diego do cơ bản giữ được sắc màu. Các tác phẩm còn lại đều bị xuống cấp trầm trọng.
Không gian Phố bích họa Phùng Hưng trước kia là điểm “check-in” lý tưởng của người dân Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ và là nơi diễn ra hàng loạt các sự kiện văn hóa đặc sắc trong khu Phố cổ Hà Nội. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hoạt động cũng không thường xuyên tổ chức ở đây, lượng người đến vui chơi cũng vắng dần. Đặc biệt, sự xuống cấp của không gian Phố bích họa Phùng Hưng đã khiến một điểm đến hấp dẫn trở nên ảm đạm. 19 bức họa về ký ức Hà Nội đã nhuốm màu thời gian, thậm chí bị vẽ bẩn hay bị rách góc. Cụ thể như bức “Phố Hàng Mã – Phố của tuổi thơ” của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế và Lê Đăng Ninh đã rách một mảng lớn phía góc dưới và bị người dân vẽ bậy lên tranh. Bức “Bách hóa tổng hợp” của Lee Seung Hyun đã bị tháo ra, chỉ còn chiếc xe cup hoen gỉ đặt phía trước. Bên cạnh đó, rất nhiều bức họa phải tháo ra để lại những khoảng trống lớn.
Là người sinh sống gần không gian Phố bích họa Phùng Hưng, bà Lê Thị Thu cho biết, khi mới đưa vào hoạt động, không chỉ ngày cuối tuần hoặc dịp lễ mà cả ngày thường có rất đông người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh. Nhìn các bức tranh bị xuống cấp, bà Thu rất tiếc và rất mong quận Hoàn Kiếm sớm tu bổ lại.
Một không gian nghệ thuật công cộng khác là Con đường gốm sứ ven sông Hồng cũng bị xuống cấp nặng nề, nhiều mảng tranh bị bong tróc, vỡ nứt. Trước đó, khu vườn tượng ở ven hồ Hoàn Kiếm sau một thời gian lắp đặt cũng bị hư hỏng và giờ buộc phải di dời. Trong khi Hà Nội đang rất thiếu các không gian nghệ thuật công cộng mang tính văn hóa, nghệ thuật thì việc xuống cấp các không gian hiện có là điều đáng tiếc. Nhất là khi những nỗ lực đưa nghệ thuật vào cuộc sống đang gặp nhiều trở ngại do vấn đề nhận thức, cơ chế, nguồn lực cùng nhiều yếu tố khác. Khi Hà Nội đang thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong cuộc sống thì những không gian nghệ thuật công cộng như trên cần được khuyến khích phát triển.
Giữ lấy không gian nghệ thuật công cộng
Theo đánh giá của giới hội họa, điêu khắc, tuổi đời của các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời thường kéo dài từ 3 – 5 năm bởi chúng chịu sự tác động rất lớn từ yếu tố thời tiết, con người. Vì vậy không gian Phố bích họa Phùng Hưng khánh thành vào đầu 2018 nên bị xuống cấp là điều dễ hiểu; còn Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân đưa vào hoạt động đầu năm 2020, vẫn trong ngưỡng đảm bảo. Nhưng khu vực Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân nằm ven đê sông Hồng, chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết khi mưa to, gió lớn. Hơn nữa, khu vực này rất đông người dân ra vui chơi vào cuối giờ chiều, tình trạng trẻ nhỏ đá bóng vào các tác phẩm thường xuyên diễn ra. Vì vậy, tuổi thọ của các tác phẩm tại đây sẽ không lâu bền như các nơi khác.
Họa sĩ Xuân Lam, người tham gia sáng tạo tác phẩm ở cả Phố bích họa Phùng Hưng và Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân cho rằng, yếu tố thiên nhiên, con người tác động là khá lớn, bên cạnh đó còn có nguyên nhân vật liệu chưa bền vững. Với kinh phí hạn hẹp thì khi tác phẩm xuống cấp sẽ không dễ để khắc phục. Để các không gian sạch đẹp, bảo vệ được tác phẩm nghệ thuật lâu bền, phía chính quyền nên duy trì một quỹ bảo trì để sửa chữa khi tác phẩm hư hỏng.
Trước thực trạng các không gian nghệ thuật công cộng bị xuống cấp thời gian gần đây, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Quận đã giao cho hai phường sở tại là phường Hàng Mã và phường Phúc Tân khảo sát thực trạng, làm việc với nhóm nghệ sĩ, có thể tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để chỉnh trang, tu sửa lại các tác phẩm đã xuống cấp. Quận cũng xem xét phương án tìm nguồn kinh phí phù hợp từ ngân sách quận để hỗ trợ một phần trong việc chỉnh trang, tu sửa.
Dù hơi muộn nhưng những người quan tâm đến không gian Phố bích họa Phùng Hưng, Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân vẫn hy vọng các tác phẩm được hồi sinh, tiếp tục trở thành điểm đến của đông đảo người dân và du khách. Riêng Con đường gốm sứ ven sông Hồng cũng đang được thành phố chủ trương cho đầu tư tu bổ, chống xuống cấp. Hiện, đơn vị thi công đang thống kê hiện trạng xuống cấp, đề xuất khối lượng thực hiện, xây dựng dự toán đầu tư. Dự kiến việc thực hiện đầu tư tu bổ được triển khai vào năm 2023.
Mới đây, thành phố cũng phát động cuộc thi thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng trong khu Phố cổ Hà Nội nhằm đẩy mạnh hiện thực hóa các sáng kiến khi thành phố tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Nhưng trước mắt, việc giữ lấy các không gian nghệ thuật công cộng vốn có là điều cần sớm thực hiện.