Xẩm bên cạnh việc là một loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc còn mang trong mình một chức năng vô cùng độc đáo, là một kênh truyền thông bằng tiếng hát rất hữu hiệu để cổ vũ, động viên tinh thần cũng như truyền tải những thông điệp của đời sống xã hội đến với nhân dân.
Xẩm “Tiễu trừ cướp biển”
MV xẩm “Tiễu trừ cướp biển” của nhóm Xẩm Hà Thành ra mắt đã trở thành một “hiện tượng” âm nhạc độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn bài “Tiễu trừ cướp biển”. |
Tiếng tù và vang vọng báo hiệu Tổ quốc lâm nguy, tiếng trống dồn dập như giục giã đoàn quân ra trận:
“Lệnh truyền hỏa tốc, hời hỡi các cấp mau mau/ Giặc cướp ở Biển Đông quyết tâm trừ diệt/… Phải trừ cho hết cái lũ giặc kia chọc phá bấy lâu, dân ta nhức nhối/… Luật biển công bằng mà nghiêm chỉnh ấy là hay nhất/… Hoàng Sa là của Việt Nam, đem quân ra cướp rồi bảo của nước mình, ấy là tai ác…”.
Giọng nam chỉn chu dõng dạc khi đọc những lời hịch khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, tố cáo những hành động sai trái ngang ngược của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, phun vòi rồng, đâm vào tàu kiểm ngư, tàu cá của Việt Nam… Giọng ông già lè nhè chế giễu, một giọng bà già giống như tiếng mẹ Đốp bốp chát như mắng, như quát vào những hành động sai trái xâm phạm vào chủ quyền biển đảo của Việt Nam… tất cả tạo nên sự hóm hỉnh, dí dỏm nhưng cũng đầy mỉa mai trong bài xẩm “Tiễu trừ cướp biển”, một sáng tác của nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho biết: Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, anh cùng các thành viên nhóm Xẩm Hà thành đã hoàn thành và cho ra mắt MV xẩm “Tiễu trừ cướp biển”. Đây là một dự án âm nhạc phi lợi nhuận thể hiện tình yêu, sự đồng lòng của nhóm Xẩm Hà thành và nhân dân trong việc lên tiếng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Âm nhạc sử dụng chính trong MV là điệu Xẩm Sai, điệu xẩm này được khai thác từ điệu Hát Sai - một trong những điệu hát trừ tà ma, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân mà các thầy cúng thường sử dụng ngày xưa. MV còn khai thác cách đọc hịch, đọc đồng dao, lối hát xướng, hát xô rất đặc trưng ở đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp với cách hát nói truyền thống nhưng có tiết tấu, giai điệu khá tương thích với hai dòng nhạc hiện đại được giới trẻ ưa chuộng hiện nay là rap và hiphop…. Sự hòa trộn đó đã tạo nên một tác phẩm âm nhạc hấp dẫn, thu hút người nghe, nhất là giới trẻ. Chỉ một tuần sau khi phát hành trên các mạng xã hội, đã có khoảng một trăm ngàn lượt truy cập bài xẩm đặc sắc này.
Kênh truyền thông hữu hiệu
Xẩm là một loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc, cũng được coi là một “nghề” để kiếm sống của những người khiếm thị xưa. Nghệ thuật hát xẩm còn mang trong mình một chức năng vô cùng độc đáo, đó là một kênh truyền thông bằng tiếng hát rất hữu hiệu. Theo nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, ngay từ khi ra đời, xẩm luôn là một “kênh” thông tin thời sự bằng âm nhạc, được dùng để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, truyền tải những thông điệp mang tính thời sự của xã hội. Điều này đã được minh chứng một cách rõ nét qua những bài xẩm của các nghệ nhân từ xưa đến nay.
Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, đế quốc Mỹ liên tục đánh phá cầu Hàm Rồng, huyết mạch giao thông quan trọng nối liền Bắc-Nam. Để động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ trong trận tuyến, quyết giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng, nghệ nhân xẩm Minh Sen (Thanh Hóa) đã ôm cây đàn nhị đi khắp mọi nơi trên mặt trận, mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sĩ. Ông sáng tác bài xẩm "Con đường cùng của đế quốc Mỹ", trong đó có đoạn: "Đồng bào ơi ta gìn giữ nước non nhà/Chúng còn bén mảng ắt là thua đau/Hãy liệu hồn cuốn gói cút cho mau/Quan quan tướng tướng bảo nhau mà chuồn/Nếu không nghe thì liệu cái thần hồn/Rừng sâu biển cả là mồ chôn chúng mày/Con đường cùng của đế quốc Mỹ là đây…". Bài xẩm đã làm nức lòng người dân Thanh Hóa, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa.
Rồi nghệ nhân xẩm đất Ninh Bình là bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “người đàn bà hát xẩm” cuối cùng của thế kỷ XX, tuy không hề biết đến mặt chữ, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ đã sáng tác ra bài xẩm “Theo Đảng trọn đời” theo điệu thập ân với những câu: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề…”.
Người đầu tiên sáng tạo và đưa điệu Hát Sai vào trong nghệ thuật hát xẩm là nghệ nhân Vũ Ðức Sắc với bài “Tiễu trừ giặc dốt”, hưởng ứng Phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ năm 1945. Tác phẩm này đã được phát rất nhiều lần trên Đài tiếng nói Việt Nam thời đó, để tuyên truyền, cổ vũ cho người dân tích cực tham gia vào phong trào Bình dân học vụ. Đến năm 2007, nhạc sĩ Thao Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam) cũng cho ra mắt bài xẩm "Tiễu trừ tham nhũng” khá hóm hỉnh. Tác phẩm này khi được biểu diễn tại chiếu xẩm Đồng Xuân đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo khán giả. Tác phẩm “Tiễu trừ cướp biển” của nhạc sỹ Nguyễn Quang Long có thể coi là phiên bản thứ 3 của điệu Xẩm Sai.
Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long cho biết, MV “Tiễu trừ cướp biển” là hoạt động khởi đầu cho giai đoạn mới của nhóm Xẩm Hà Thành. Sau 5 năm thành lập, nhóm Xẩm Hà Thành gồm các nghệ sĩ: Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Khương Cường, Quang Long, Đình Dũng, Văn Hải… đã sáng tạo hàng chục bài xẩm, đã tổ chức biểu diễn ở nhiều nơi, thậm chí đã đưa xẩm ra biểu diễn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Với mục tiêu mang xẩm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, nhóm Xẩm Hà Thành sẽ tiếp tục khai thác những đề tài được xã hội quan tâm, vận động để có thêm sáng tác mới dựa trên những vấn đề xã hội quan tâm theo góc nhìn của hát xẩm và thể hiện qua lăng kính của nghệ thuật hát Xẩm, khơi gợi cái hay, cái độc đáo trong các bài xẩm, đồng thời để cho lớp trẻ thấy, đến với nghệ thuật hát Xẩm, các bạn sẽ học được nhiều điều hay, mới lạ và sáng tạo…
Đây cũng là một trong những phương pháp bảo tồn âm nhạc truyền thống một cách hữu hiệu, như GS. Hoàng Chương (Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam) đánh giá: “Đây chính là con đường ngắn nhất, gần nhất để xẩm mang hơi thở thời đại và đi vào lòng công chúng, đặc biệt là đến với các bạn trẻ. Đồng thời là cách làm cần thiết để giữ gìn, bảo tồn và phát huy xẩm trong giai đoạn hiện nay”.
Phương Lan