Khi Lê Cát Trọng Lý làm phim

Cũng “dị” chẳng kém gì dòng nhạc cô chơi, phim của Lý khiến khán giả ngỡ ngàng về những khuôn hình giản đơn song đầy sức trẻ và niềm vui. Bộ phim “Vui Tour: Hành Trình của Lê Cát Trọng Lý” kể về chuyến đi 4 tháng ròng, Lý cùng ê kip du ca 3.000 km xuyên Việt bắt đầu công chiếu hôm 18/4 tại Hà Nội. Bộ phim đang thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng trẻ.


“Bụi sương cũng vui…”


Năm 2011, Lý cùng ê kip thực hiện tour diễn xuyên Việt mang tên “Vui”. Điều kỳ lạ của tour là những show diễn ngẫu hứng, miễn phí cho mọi đối tượng khán giả. Cuộc hành trình bắt đầu ở TP Hồ Chí Minh, rồi ngược ra Đà Nẵng, Đông Hà (Quảng Trị), Đồng Hới (Quảng Bình). “Những đêm diễn đó, khán giả thành phố thường nêm kín khán phòng”- ê kíp làm phim chia sẻ.

Ê kip thực hiện bộ phim "Vui Tour: Hành trình của Lê Cát Trọng Lý" (từ trái qua: Lê Cát Trọng Lý, đạo diễn Lê Kim Hưng, đạo diễn Trần Nguyên Hiệp).


Song những chặng đường sau, Lý đã chọn những cung đường hoang vu để làm… show. “Bởi ở những nơi, có những con người chưa từng một lần được ai đó đến hát cho nghe. Những khoảnh khắc tôi gặp những con người ấy đến tự nhiên, và tôi bật hát. Đôi khi âm nhạc không phải là để thưởng thức, nó như một ngôn ngữ để chia sẻ với những người mình không biết họ là ai và họ không biết mình là ai”- Lê Cát Trọng Lý cho hay.


Khi xem phim, khán giả không khỏi nao lòng với hình ảnh một cô gái tóc xoăn, đàn ca mê mải giữa cánh đồng lúa chín bên quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa. Bà con nông dân ngơi tay xúm quanh nghe những ca từ lạ lẫm: “Và xin hãy đến đây tôi kể cho nghe/ Câu chuyện về một người điên rất vui/ Cô yêu từng hàng cây, trò chuyện cùng hòn đá/ Cô mong làm mây bay hóa kiếp thành con gió/ Cô yêu vạn người dưng, yêu thêm ngàn người điên/Yêu tuổi trẻ bỏ hoang, cùng kiếp sống ơ hờ...”.


Âm nhạc, hình ảnh, cả những câu nói ngô nghê của các nhân vật đã khiến bộ phim lấy được nụ cười của nhiều khán giả. Theo bật mí từ nhà sản xuất, đa phần các cảnh quanh trong phim đều được quay… lén. Chín máy quay được gắn khắp chiếc xe của đoàn du ca cùng các tay máy lẻ cũng “luôn phải dấm dấm dúi dúi”. Bởi vậy, cảnh vật, lời thoại tự nhiên như hơi thở.


Cái “Vui” của Lý không chỉ là khoảnh khắc mà nó lắng lại, khiến người xem chiêm nghiệm nhiều điều. Theo Lý, đêm diễn khiến Lý vui nhất là đêm diễn tại trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái). “Show” đó, sân khấu là bậc thềm trường học, đôi ba ánh nến, khán giả là vài chục học sinh, thầy cô trong trường vẫn đang ngơ ngác hỏi nhau không biết điều gì đang diễn ra.


Song khi Lý cất tiếng hát, sân trường nhỏ im bặt: “Xin miếng cơm luôn đong đầy/ Tình yêu cũng dâng/ Xin áo mới đến cho người khắp nơi/ Xin tiếng ca đây không ngừng/ Bụi sương cũng vui/ Xin sống vô tư cho ngày tiếp theo…”.

Lê Cát Trọng Lý đem tiếng hát phục vụ những người nông dân.


Bên cạnh ven ánh sáng rất đẹp trong khuôn hình về Lý, trong đêm diễn này, máy quay lia rất khéo làm khán giả thấy rõ sự chuyển biến trên gương mặt các em học sinh vùng cao theo giọng ca Lý. Từ lạ lẫm, các em dần ham thích rồi như mê say theo giai điệu của cô gái dưới xuôi. Đêm diễn khép lại bằng khuôn hình chiếc ô tô lấm bùn của đoàn du ca với những dòng chữ viết nguệch ngoạc của các em học sinh: “Cám ơn các anh, các chị đã đến trường THPT Mù Cang Chải hát!”


Sau Mù Cang Chải, điểm dừng chân cuối cùng của đoàn làm phim trước khi về Hà Nội là Sapa. “Lúc này, cả đoàn mệt quá rồi, định nghỉ ngơi trước khi về. Song nửa đêm, Lý vẫn ôm đàn, một mình đàn ca trên những con đường gập ghềnh tại phố núi. Những quán hàng đã đóng cửa dần mở ra. Những người công nhân đang trên đường về gác trọ cũng xúm vào. Với tôi, đêm đó là đêm diễn tuyệt vời nhất. Vì chẳng hiểu sao, những con đường quanh co ở Sapa cùng gió núi lại cộng hưởng với giọng Lý nghe rất phiêu”- Nhiếp ảnh gia Maika Elan, thành viên đoàn làm phim chia sẻ tại buổi ra mắt phim “Vui Tour: Hành trình của Lê Cát Trọng Lý”.


Cái lý của Lý


Sau bốn tháng chạy tour, bộ phim được đoàn làm phim dựng miệt mài trong suốt hai năm. “Vì khối lượng dữ liệu quá lớn, và quá nhiều cảnh đẹp, khiến việc gói bộ phim còn 70 phút khiến chúng tôi phải cân nhắc, bàn bạc nhiều” - Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp chia sẻ.


Bộ phim đặc sắc, công phu là thế, song khi phát hành, giá của phim là 3.000 đồng. Theo Lý, việc phát hành online giúp đoàn làm phim hạ được giá thành sản phẩm. “Đồng thời, Lý không thể quay lại để gặp từng nhân vật trong phim tặng họ đĩa nên Lý nghĩ phát hành online sẽ khiến họ dễ tiếp cận với phim hơn. Bên cạnh đó, việc phát hành DVD bản đẹp cũng nằm ngoài khả năng tài chính của Lý cũng như những người yêu Lý”- Lý chia sẻ.


Nghĩ lại về chặng đường đã qua, Lý cho biết: “Khi đang trên đường thực hiện tour, đoàn nhận được tin đơn vị tài trợ sẽ cắt giảm kinh phí khiến chuyến du ca sẽ chỉ còn đi được một nửa chữ S. Song dù có một mình, Lý cũng quyết đi xuyên Việt. Lúc ấy, tôi đã bảo những người còn lại trong đoàn, họ có thể đi về hoặc tiếp tục đi cùng. Và tất cả đã ở lại, đi nốt cuộc hành trình. Cũng bởi vậy, đoạn sau của hành trình hoàn toàn là ngẫu hứng. Chúng tôi tự chọn điểm đến, tự vạch lộ trình từng ngày. Cứ thế là đi, hát và vui. Sau bộ phim, Lý vẫn sẽ tiếp tục hành trình vui, hát và đi”.



Lệ Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN