Cùng với sự hội nhập quốc tế, các đoàn nghệ thuật tầm cỡ, các nghệ sĩ có “số má” trên thế giới cũng liên tục đến Việt Nam biểu diễn. Tưởng như trong mơ khi có thể xem một đêm ballet “Hồ Thiên Nga” do Nhà hát Talarium Et Lux - nhà hát ballet hàng đầu thế giới diễn ngay tại sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đêm 1/8 vừa qua.Thế nhưng, cùng với sự “khủng” của các đoàn, thì giá vé chương trình cũng vô cùng khủng, và số lượng khán giả có cơ hội xem cũng vô cùng hạn hẹp. Với những khán giả bình dân, thì càng không bao giờ có cơ hội để “mơ”.
Giá vé bằng 1 tháng lươngChương trình ballet 3D “Hồ Thiên Nga” của Nhà hát Talarium Et Lux (diễn ra tối 1/8) đã gây sốt tại Thủ đô trong suốt cả chục ngày trước khi trình diễn. Dù giá vé lên tới 9 triệu đồng/cặp cho loại vé cao nhất, còn trung bình là 2,5 triệu đồng và 3,5 triệu đồng/vé bằng cả tháng lương của người lao động. Cũng chỉ có 500 vé được bán ra. Người đi “lùng” vé xem chương trình rất đông. Tới tận sát giờ diễn, vẫn có người lên các trang mạng “kêu gọi” xem ai còn vé để lại không.
Vở ballet kinh điển “Hồ Thiên Nga” với giá vé lên tới 4,5 triệu đồng/vé, khiến nhiều khán giả không có cơ hội được thưởng thức. |
Theo đánh giá của một người trong giới, giá vé xem “Hồ Thiên Nga” ở Việt Nam như vậy là gần như tương đương với giá vé xem “Hồ Thiên Nga” bản gốc, vẫn được trình diễn lâu nay tại Nhà hát Bolshoi (Moscow), là từ 50 - 200 USD tùy vị trí. Điều này đã minh chứng cho một sự “chịu chơi” của BTC, cũng như sự “chịu chơi” của các khán giả khi dám bỏ tiền ra mua vé đi xem (tất nhiên ở đây không tính tới 3.000 khán giả có vé mời của chương trình).
Tuy nhiên, điều đáng nói và cũng chính là điều những người tổ chức lo ngại, là việc liệu những khán giả đi xem có thực sự là những người muốn được thưởng thức một đêm nghệ thuật thật sự? Một đạo diễn đã chia sẻ: “Điều chúng tôi mong muốn không phải là lấp đầy chỗ ngồi mà là mong muốn tấm vé đến tay tối đa nhất những người muốn thưởng thức. Nếu chỗ ngồi có được lấp đầy nhưng đối tượng khán giả không đúng thì khổ cả khán giả, đơn vị tổ chức và nhất là nghệ sĩ trên sân khấu”.
Trên thực tế, với giá vé khủng như vậy, quả thật những người ít tiền không thể dám mơ, trong số đó, không ít là những nghệ sĩ, diễn viên, đặc biệt là sinh viên những trường ĐH,CĐ nghệ thuật của Việt Nam - những người rất mong muốn có cơ hội để được tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật “để đời” như vậy.
Tình trạng giá vé “khủng” như với “Hồ Thiên Nga” cũng đã xuất hiện ở Việt Nam thời gian qua. Như đêm nhạc Richard Clayderman diễn ra vào hồi cuối tháng 8/2014, với giá vé từ 600.000 - 6 triệu đồng/vé. Tuy nhiên, với chương trình này, có tới 1.500 vé được bán ra, trong tổng số 3.500 vé của chương trình.
“Với các chương trình này, cũng có thể thấy bản thân BTC cũng không “nhắm” tới việc bán vé, mà phục vụ một mục đích khác của mình, bởi số vé bán ra chỉ bằng 1/7 - 3/7 tổng số vé của chương trình. Tuy nhiên, với một chương trình đầu tư công phu, kinh phí tổ chức khủng như vậy; mà chỉ dành cho một lượng khán giả quá nhỏ thì thật sự đáng tiếc và điều quan trọng là đến bao giờ, những khán giả ít tiền mới có cơ hội để được thưởng thức”, một nhà tổ chức chương trình chia sẻ.
Chờ đợi những cơ hội nhỏ
Đó là chia sẻ của các khán giả có mức chi “không thể cao” cho việc thưởng thức nghệ thuật.
“Không thể nghĩ tới cơ hội xem những chương trình biểu diễn của các dàn nhạc, đoàn nghệ thuật nổi tiếng, chúng tôi chọn cách thưởng thức bình dân hơn, ví như chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam tại L’Espace Hà Nội cuối tháng 6 vừa qua, với chùm nhạc Beethoven, có giá vé chỉ 160.000 đồng/vé và giá ưu đãi cho sinh viên là 80.000 đồng/vé”, một khán giả tại Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận có những chương trình biểu diễn nghệ thuật quốc tế, mà BTC đã vượt qua mục tiêu “lợi nhuận” cũng như những mục tiêu khác, để hướng tới với công chúng đông đảo. Mới đây nhất chính là “Liên hoan guitar quốc tế dòng fingerstyle lần đầu tiên tại Việt Nam 2015”, một liên hoan rất nổi tiếng của khu vực châu Á, do Vietnam Fingerstyle Guitar Organization đứng ra đăng cai. Chương trình diễn ra ngày 17/7, với sự góp mặt của 6 nghệ sĩ fingerstyle nổi tiếng đến từ 6 quốc gia của khu vực châu Á, trong đó có nghệ sĩ Paddy Sun, là nghệ sĩ có ảnh hưởng mạnh nhất đển sự phát triển của dòng guitar mới nhất tại Việt Nam này và được đông đảo những người yêu âm nhạc biết đến qua bản hit “Sunflower” ra mắt năm 2009. Với mức vé từ 300.000 đồng - 1 triệu đồng/vé; không phải là mức vé cao, nhưng BTC chương trình đã quyết định giảm 50% giá vé cho tất cả các sinh viên, như một cơ hội để các khán giả trẻ có thể tiếp cận với một dòng nhạc còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.
“Chương trình mục đích hướng tới những khán giả đã đi làm, có điều kiện kinh tế để có thể đi xem được, bởi giá vé này cũng không phải thấp. Tuy nhiên, để phục vụ cho khán giả trẻ, những sinh viên - là những người thật sự đam mê với dòng fingerstyle guitar - thể loại guitar độc tấu mới nhất tại Việt Nam, phát triển mạnh trong những năm gần đây; chúng tôi đã quyết định giảm 50% giá vé, chấp nhận lỗ để có thể tổ chức được chương trình tại Việt Nam, như một cách để quảng bá dòng nhạc mới này”, Đỗ Dương Tùng, người phụ trách Vietnam Fingerstyle Guitar Organization chia sẻ.
Có lẽ, tìm sự hài hòa giữa mục tiêu lợi nhuận với việc mang nghệ thuật tới cho đông đảo công chúng không phải là việc “dễ làm”, nhất là với những nhà tổ chức. Chính vì vậy, vẫn có những chương trình đình đám mà chỉ là dành cho một bộ phận khán giả rất nhỏ của xã hội. Tuy nhiên, với khán giả “ít tiền”, cũng rất cần có sự quan tâm của các nhà tổ chức, để những đêm diễn “có một không hai” không chỉ rơi hẫng và vụt qua trong đời sống nghệ thuật như lâu nay...