Khám phá những ngôi nhà xây bằng sò mỏ ở làng biển Diễn Châu

Về các vùng miền biển huyện Diễn Châu (Nghệ An), du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà cấp 4 lợp ngói vảy âm dương mang dáng vẻ cũ kỹ, rêu phong bình dị, giữa những ngôi nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại. Những ngôi nhà này là từ hàng chục năm đến gần 100 năm, có điều đặc biệt là được xây dựng bằng vật liệu sò mỏ có sẵn trong tự nhiên, chìm sâu dưới lòng đất. Mỗi ngỗi nhà đều gắn liền với quá sinh an cư, lạc nghiệp của từng gia đình trong công cuộc xây dựng làng xóm nơi miền chân sóng.

Chú thích ảnh
Ngư dân làng biển thường xây những ngôi nhà cấp 4 bằng sò mỏ có dáng thấp, mái lợp ngói vảy (hình vảy cá). Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Độc đáo những ngôi nhà từ sò mỏ

Người dân xứ Nghệ từng truyền tụng câu “nhất đá đỏ, nhì sò mỏ” để ví sự quý giá của nguồn sò mỏ ở đất Diễn Châu chỉ đứng sau đá đỏ ở “thủ phủ” miền khoáng sản Quỳ Châu. Từ 50 năm trước, sò mỏ là nguồn vật liệu gần như duy nhất được người dân ở các xã ven biển huyện Diễn Châu dùng để xây nhà. Các cụ cao niên kể lại, trước kia, vật liệu xây dựng rất hiếm, người dân phải dùng sò mỏ thay gạch, đá, xi măng để làm nhà. Sò mỏ là vỏ sò biển tích tụ, dồn nén, lắng đọng, đông kết dưới lòng đất có niên đại hàng vạn năm nên độ cứng, bền rất cao. Đặc biệt, vật liệu này kháng mặn rất tốt, không thấm nước, chống chọi được gió mang hơi nước biển thổi quanh năm. Sò mỏ có đặc tính càng cứng, bền, chắc chắn theo thời gian. Khi khai thác phải đào sò mò từ lòng đất ở độ sâu từ 2- 3m và dày công đẽo gọt tỉ mỉ bằng dao để tạo hình khối vuông vắn với kích thước cao, rộng, dài khác nhau. Trong đó có nhiều viên sò mỏ có vân lóng lánh, sáng như thủy tinh. Để dựng nên được một căn nhà cấp 4, số lượng sò mỏ cần đến hàng nghìn viên, phải mất công khai thác, tích lũy gom góp từ 3 tháng đến cả năm mới đủ.

Ngày nay, tại các làng biển ở xã Ngọc Bích, Diễn Kim, Diễn Trung, Diễn Thịnh, Hùng Hải (huyện Diễn Châu) còn nhiều ngôi nhà được cất dựng, xây bằng sò mỏ. Tuy lớp vỏ bên ngoài ít nhiều đã phong hóa bởi thời gian, gió biển và những trận ngập lụt, bão tố nhưng vẫn vững chãi, an toàn. Nhìn bề ngoài, hàng trăm viên sò biển được xếp đặt chồng lớp, kết dính với nhau bằng lớp vôi vữa đơn sơ. Hàng nghìn mảnh vỏ sò biển như đang bám chặt lấy những bức tường nhà. Dù có mưa lớn dài ngày thì nước mưa vẫn không thẩm thấu vào trong. Đặc trưng khí hậu miền Trung mưa, nắng khắc nghiệt và thất thường nhưng trong những ngôi nhà này, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ.

Ông Trần Văn Cảnh, chủ nhân ngôi nhà cấp 4 xây bằng sò mỏ ở xóm Quyết Thắng, xã Ngọc Bích cho biết: Ngôi nhà có 4 gian, 5 vầy, cha mẹ ông mua lại từ người dân trong làng, đến nay cũng được gần 80 năm. Một vài diện tích tường bao đã được tu bổ, gia cố lại để hợp với nhu cầu sử dụng. Các phần còn lại vẫn được gìn giữ vẹn nguyên để thờ tự tiên tổ.

Chú thích ảnh
Một bức tường nhà xây bằng những viên sò mỏ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Cụ Hoàng Văn Phượng, hơn 80 tuổi, xóm Quyết Thành, xã Ngọc Bích thông tin, sò mỏ có 2 loại là sò cốm và sò gân. Sò cốm có màu vàng nhạt, độ tuổi trầm tích trong lòng đất ít hơn và trọng lượng nhẹ hơn sò gân, thường dùng để xây các bức tường bên hông, vách, hiên, đốc. Còn sò gân có màu đen hoặc nâu sẫm, cứng hơn rất nhiều, độ tuổi trầm tích lâu hơn, thường dùng để xây nền móng. Kết cấu, hình dáng mỗi căn nhà xây bằng sò biển đều mang đặc điểm thấp, nhiều gian, ít cửa sổ, mái lợp bằng ngói vảy (hình vây cá) và một lớp ngói vuông. Điều này liên quan đến điều kiện tự nhiên vùng miền và nét sinh hoạt đặc trưng của cư dân miền biển. Các xã ven biển, bãi ngang Diễn Châu có gió biển thổi mạnh, mưa bão tập trung từ tháng 9-11 hằng năm, nắng gay gắt như đổ lửa từ tháng 4-7. Những ngôi nhà xây bằng sò mỏ có đặc điểm như vậy để “hóa giải”, hạn chế các điều kiện bất lợi của tự nhiên.

Bên trong nhà đều có những bức vách gỗ liên kết với cấu trúc mộng, cột đơn giản nhưng chắc chắn, ngăn cách các gian phòng. Mái nhà được nâng đỡ bởi hệ thống cột gỗ đã bào nhẵn, kê trên những tảng đá xanh nhằm chống ẩm mốc, mối mọt. Hệ thống hoành, văng, sà, kèo được làm bằng gỗ có trang trí, chạm trổ hoa văn mang tính cách điệu, tượng trưng, giá trị thẩm mỹ. 

Phía ngoài nhà, rêu phong phủ bám trên những bức tường. Tường nhà là hàng ngàn viên sò mỏ, xếp chồng, gắn kết bít mạch bằng cát sông Lam và vôi tôi (đá cuội đã nung chín) nhào nhuyễn thành vữa. Phần “đốc bít” bên hiên, ở vị trí cao nhất, dễ thấy những hình khối, họa tiết hoa văn lạ mắt, năm khởi dựng ngôi nhà, hoặc hình ảnh ngôi sao năm cánh được đắp nổi. Mái nhà được lợp một lớp ngói vảy (hình vây cá) bên trên và lớp ngói vuông bên dưới. Ngói vảy và ngói vuông nhào nặn bằng đất sét, tạo hình thủ công và được nung chín từ nguồn nhiệt rất cao trong lò nung.

Dải cồn sò “Cao Xá Long Cương” xưa

Lý giải nguyên do chỉ có các xã miền biển huyện Diễn Châu mới có nguồn sò mỏ này để làm dựng, các cụ cao niên xã Diễn Thịnh cho biết, xưa kia làng Thịnh Mỹ (xã Hương Ái, Tổng Cao Xá, huyện Đông Thành, nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) có tồn tại dải Cao Xá Long Cương (gò Rồng). Đây là Cồn Sò hình thành cách ngày nay hàng vạn năm, chạy dọc suốt từ núi Mộ Dạ, đền Cuông (xã Diễn An) xuống cuối sông Bùng (xã Bích Ngọc) tạo thành một thế đất hình con rồng đang nằm.

Sách Đại Nam nhất thống chí cũng có đoạn đề cập đến bãi sò Diễn Châu “Bãi sò phía tây huyện Đông Thành, có tên nữa là Ngọa Long Cương, cũng có tên là Xác Long Cương. Trong khoảng đất từ núi Mộ Dạ đến sông Phùng đều có vỏ sò, vỏ trai kết chặt, cứng rắn như đá; có mấy đường sống nổi lên khi nối, khi đứt, người địa phương lấy để xây tường, xây nhà và làm đá tảng, phủ thành Diễn Châu xây bằng đá sò đều lấy ở đây”.

Chú thích ảnh
Phần “đốc” (tường hiên) của căn nhà cấp 4 xây dựng năm 1981, dù đã qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo nhưng vẫn giữ được hình dáng và các hình khối, hoạt tiết hoa văn xưa cũ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nhiều nguồn sử liệu cũng đề cập dải “Cao Xá Long Cương” là một bãi sò lớn thuộc địa phận hai làng Hương Ái (xã Diễn Thịnh ngày nay) và Tiên Lý (xã Ngọc Bích ngày nay), kéo dài từ phía Nam chân núi Mộ Dạ, đền Cuông đến sông Phùng. Sóng biển đánh vỏ sò dạt vào bờ, lâu ngày chất thành đống, tạo thành những cồn bãi cao, sâu đến 4-5 thước. Dải cồn sò (gò Rồng) có chiều dài chiếm khoảng 2/3 huyện Diễn Châu, cao dần lên ở phía gần ven biển. Trên chính gò Sò (nay thuộc thôn Phú Trung, thị trấn Diễn Thành) có một ngôi đền là đền Sò, có từ thời vua Trần Thánh Tông, thờ Long Xà, được các triều ban nhiều sắc phong là Thượng đẳng thần. Tại đền có tấm bia đá "Càn bi đế vương Võ Sơn Long Xà” để ghi lại truyền thuyết của thần, các nhà đóng góp công đức xây dựng, tu sửa đền.

Trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” xưa thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu, gồm: Dạ sơn linh tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ), Cao Xá Long Cương (Gò rồng Cao Xá), Bùng giang thu nguyệt (Trăng thu trên sông Bùng), Bích hải quy phàm (Cánh buồm về cửa Bích), Thiên uy thiết cảng (Kênh sắt oai trời), Diễn thành thạch bảo (Thành đá phủ Diễn Châu).

Các cụ cao niên còn nêu rõ, xưa kia xã Diễn Ngọc (xã Ngọc Bích ngày nay) có tên là Tiên Lý. Vùng đất cát bên cửa biển Lạch Vạn này có 3 làng là Lý Nhân, Hữu Bằng và Phú Lộc cũng có vài ba cồn sò thuộc gò Long Cương nổi lên, cao từ 2-3m so với mặt ruộng. Trong vùng cao nhất có cồn Hỏa Hiệu (được đắp trên một cồn sò, thuộc xóm Tây Lộc, xã Ngọc Bích). Cồn này có chức năng truyền tải thông tin khẩn cấp, nhanh nhất về triều đình bằng cách đốt lửa ban đêm, hun khói ban ngày làm hiệu. Trong lịch sử, đã có những trận lụt lớn, sóng biển dâng cao, bất ngờ nhấn chìm vùng Tiên Lý, nhiều gia đình may mắn thoát nạn nhờ chạy lên cồn Hỏa Hiệu và các cồn sò để tránh nước.

 Ngay từ thời khốn khó, khi bắt tay vào việc dựng làng, định nghiệp gắn với môi trường sông biển, luồng lạch,  người dân ở những “miền chân sóng” đã biết đến nguồn vật liệu sò mỏ để dựng nhà. Đó là một sự phát triển mang tính bước ngoặt của cư dân làng biển trong tiến trình tạo lập nên những quần cư ban đầu, để xây dựng nên những thôn, xóm trù phú, sầm uất như ngày hôm nay, cụ Nguyễn Hữu Hà, xóm Đông Lộc, xã Ngọc Bích chia sẻ.

Hải An - Xuân Tiến (TTXVN)
Độc đáo những ngôi nhà xây bằng sò mỏ ở làng biển Nghệ An
Độc đáo những ngôi nhà xây bằng sò mỏ ở làng biển Nghệ An

Từ giai đoạn 1960 - 1990, nguồn vật liệu xây dựng hiếm hoi, sò mỏ là nguồn vật liệu duy nhất, chủ đạo được người dân ở các xã ven biển huyện Diễn Châu (Nghệ An) dùng để xây nhà. Ngày nay, tại các làng giáp biển huyện Diễn Châu vẫn còn những ngôi nhà cấp 4 có độ tuổi từ 40 đến gần 100 năm được cất dựng, xây dựng bằng vật liệu sò mỏ. Kết cấu, hình dáng mỗi căn nhà đều chứa đựng những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo, đặc trưng của cư dân nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN