Lễ hội mùa Thu Sa Pa được tổ chức nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông năm 2018, được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của các dân tộc huyện Sa Pa.
Lễ khai mạc tạo điểm nhấn với Chương trình nghệ thuật “Thu vàng Sa Pa” gồm những tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương, đất nước, vẻ đẹp, hấp dẫn của Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung... Theo ông Lê Mạnh Hảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã có bước phát triển đáng kể; doanh thu từ du lịch, dịch vụ tăng hàng năm.
Lễ hội mùa Thu khai mạc đúng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, không chỉ tạo điều kiện thu hút đông đảo du khách mà còn tạo động lực để du lịch Sa Pa tiếp tục có bước phát triển ấn tượng trong năm 2018, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo phát triển nhanh, bền vững hơn.
Lễ hội kéo dài đến hết ngày 30/10/2018 với những điểm nhấn nổi bật như: Lễ hội ẩm thực Tây Bắc; Triển lãm ảnh nghệ thuật “Đất và người Sa Pa”; Chương trình biểu diễn hoạt động đường phố và tái hiện các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao; Khám phá văn hóa, ẩm thực, sinh thái Hàm Rồng; Chương trình trải nghiệm văn hóa Mông; Khám phá di sản văn hóa và du lịch đặc sắc Lào Cai; Đêm văn nghệ, văn hóa các dân tộc Sa Pa; Tổ chức không gian văn hóa, trưng bày các sản phẩm đặc hữu của các dân tộc Sa Pa; Ngày mùa trên danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa; Tổ chức đêm hội trăng rằm; Chương trình trải nghiệm, khám phá quy trình sản xuất và chế xuất thuốc tắm dân tộc Dao đỏ…
Điểm nhấn của lễ hội là Giải marathon vượt núi quốc tế Sa Pa diễn ra từ ngày 20/9 đến 23/9/2018 với các nội dung thi chạy vượt núi với các cung đường 10km, 15km, 21km, 42km, 70km, 100km. Bên cạnh đó, Hội thảo quốc tế về tiềm năng, thế mạnh và hướng phát triển khu du lịch Quốc gia Sa Pa giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2030 diễn ra từ ngày 15 - 17/9 cũng được tổ chức nhằm thảo luận về các giải pháp phát triển Khu du lịch Quốc gia Sa Pa và ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các địa phương trong và ngoài nước.
Kết thúc buổi Lễ khai mạc, đông đảo du khách trong và ngoài nước đã tham gia Chương trình biểu diễn hoạt động đường phố và tái hiện các hoạt động văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao như: Lễ đón dâu dân tộc Dao, Lễ đón then về ăn tết dân tộc Tày, Lễ mừng mùa mới dân tộc Xa Phó, Lễ cúng đất đầu năm dân tộc Giáy... do các nghệ nhân đến từ các xã trên địa bàn huyện Sa Pa và huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thực hiện.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, huyện Sa Pa đã tăng cường kiểm tra các cơ sở lưu trú trên địa bàn về giá cả, chất lượng phòng nghỉ, dịch vụ ăn uống, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai đến Sa Pa.
Theo đánh giá của nhiều du khách, tháng 9, tháng 10 là thời điểm vùng cao Lào Cai đẹp nhất khi đang bước vào thu với phong cảnh mùa lúa chín vàng đẹp như mơ trên những thửa ruộng bậc thang nằm dưới chân đỉnh Fansipan hùng vĩ (Sa Pa) hay thung lũng Thể Pả (Bát Xát) ngút ngàn gió núi - những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia luôn nằm trong top các thửa ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.